Viêm đường tiết niệu khi mang thai
10:31 - 07/05/2022 Lượt xem: 713 Tác giả: Thanh Nga
Viêm đường tiết niệu là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai là những vấn đề được nhiều sản phụ quan tâm.
Viêm đường tiết niệu khi mang thai là tình trạng bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu thai phụ như thận, niệu quản, bàng quang… bị nhiễm khuẩn. Tuy bệnh rất thường gặp, nhưng không phải lúc nào các triệu chứng cũng xuất hiện một cách rõ ràng, nên dễ khiến cho thai phụ không nhận biết được, dẫn đến bỏ qua hoặc điều trị không hiệu quả, làm bệnh tái phát nhiều lần.
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm tiết niệu khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng như viêm bể thận ở mẹ, nguy cơ sảy thai, sinh non; em bé nhẹ cân, nhiễm khuẩn sơ sinh…
1. Nguyên nhân gây viêm tiết niệu khi mang thai
Tác nhân gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn E.coli, khi bị đào thải ra ngoài qua phân chúng là nguyên nhân gây bệnh chính của các cơ quan khác gần hậu môn bao gồm đường tiết niệu và âm đạo.
Khi mang thai do khối lượng cơ tử cung tăng lên chèn ép vào đường tiết niệu gây chèn ép, ứ đọng nước tiểu. Nước tiểu có xu hướng bị trào ngược từ bàng quang lên niệu đạo tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
Thói quen uống ít nước gây cô đặc nước tiểu, nước tiểu ứ đọng và trào ngược dễ gây viêm đường tiết niệu.
Ngoài ra, vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo gây viêm niệu đạo nếu không được điều trị sẽ có thể xâm nhập vào bàng quang gây viêm bàng quang và qua đường niệu quản gây viêm thận, bể thận.
2. Dấu hiệu viêm đường tiết niệu khi mang thai
Dấu hiệu viêm đường tiết niệu khi mang thai thường là:
- Đau rát hoặc cảm thấy khó chịu khi đi tiểu
- Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường
- Lượng nước tiểu thay đổi (nhiều hơn hoặc ít hơn)
- Cảm giác khẩn cấp khi đi tiểu, nhưng tiểu lại ít
- Tiểu tiện không tự chủ
- Nước tiểu có lẫn máu, đục, mùi hôi bất thường
- Chuột rút
- Đau tức ở vùng bụng dưới
- Đau khi quan hệ tình dục
- Ớn lạnh, sốt, đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm
- Đau lưng, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, nôn khi vi khuẩn lan đến thận
3. Chẩn đoán viêm đường tiết niệu khi mang thai
Ngoài những triệu chứng lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán nhiễm khuẩn đều thực hiện trực tiếp với nước tiểu của sản phụ. Các xét nghiệm bao gồm:
Cấy vi trùng trên mẫu nước tiểu giữa dòng để kiểm tra tiết niệu không có triệu chứng.
Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra viêm nhiễm ở niệu đạo, viêm bàng quang hoặc viêm thận.
Xét nghiệm chức năng thận, tổng phân tích máu, CRP, men gan.
Khám phụ khoa kiểm tra viêm nhiễm.
4. Điều trị viêm đường tiết niệu khi mang thai
- Phương thức điều trị đối với phụ nữ khi mang thai bị viêm niệu đạo và viêm bàng quang
Bệnh nhân được điều trị ngoại trú sử dụng kháng sinh kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống
Kháng sinh được lựa chọn là nhóm beta-lactam, có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai không ảnh hưởng tới thai nhi.
Ăn tăng cường các loại rau, quả chứa nhiều vitamin C, uống nhiều nước.
- Điều trị trường hợp viêm thận bể thận cấp
Là bệnh cấp tính nên người bệnh được điều trị tích cực tại bệnh viện
Sử dụng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ hoặc khi chưa có kết quả kháng sinh đồ điều trị kháng sinh phổ rộng theo kinh nghiệm của bác sĩ
Đánh giá theo dõi tình trạng mạch, nhiệt độ, huyết áp
Trường hợp người bệnh có sỏi hay dị dạng đường tiết niệu, sản phụ được đặt tạm thời dẫn lưu nước tiểu qua sonde.
5. Phòng viêm đường tiết niệu khi mang thai
Để tránh bị viêm đường tiết niệu khi mang thai gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, các thai phụ nên tuân thủ những lời khuyên giúp ngừa bệnh hiệu quả như sau:
- Uống đủ nước mỗi ngày theo cân nặng và điều kiện sinh hoạt
- Vệ sinh vùng kín bằng dung dịch dịu nhẹ và dùng khăn bông thấm khô từ trước ra sau
- Đi tiểu thường xuyên để tống đẩy nước ra khỏi bàng quang
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, bằng chất liệu thấm hút mồ hôi
- Hạn chế tắm bằng bồn
- Phòng tránh tình trạng viêm đường tiết niệu sau khi quan hệ bằng cách vệ sinh vùng niệu đạo sạch sẽ trước và sau quan hệ tình dục
- Tránh uống rượu, thức ăn cay nóng và đồ uống chứa caffeine
- Tuân thủ lối sống cân bằng, khoa học để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể
- Xét nghiệm nước tiểu trước khi mang thai để đề phòng tình trạng viêm đường tiết niệu không có triệu chứng.
Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch khám quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.