Vỡ tử cung: Một tai biến sản khoa nguy hiểm
06:23 - 07/02/2020 Lượt xem: 1197
Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa,rất nguy hiểm cho thai và cho mẹ, nếu không phát hiện, xử trí kịp thời sẽ gây tử vong cho mẹ và cho thai nhi. Có thể vỡ tử cung trong khi có thai nhưng thường gặp vỡ tử cung trong khi chuyển dạ 1. Vỡ […]
Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa,rất nguy hiểm cho thai và cho mẹ, nếu không phát hiện, xử trí kịp thời sẽ gây tử vong cho mẹ và cho thai nhi. Có thể vỡ tử cung trong khi có thai nhưng thường gặp vỡ tử cung trong khi chuyển dạ
1. Vỡ tử cung(VTC) là gì?
Vỡ tử cung là tình trạng tử cung bị xé rách từ niêm mạc qua lớp cơ, nếu đến cả phúc mạc qua làm buồng tử cung thông với ổ bụng được gọi là vỡ tử cung hoàn toàn, nếu lớp phúc mạc còn nguyên thì là VTC không hoàn toàn. Vỡ tử cung làm tổn thương đến cả bàng quang hoặc đường tiêu hóa gọi là vỡ tử cung phức tạp.
Hiện nay nhờ có sự đăng ký quản lý thai nghén tốt, kháng sinh và kỹ thuật gây mê, hồi sức hiện đại, ta có chỉ định mổ đúng lúc,hạn chế các thủ thuật thô bạo, do đó giảm được tỷ lệ vỡ tử cung.
2. Vỡ tử cung trong thời kỳ thai nghén
So với vỡ tử cung trong thời kỳ chuyển dạ thì VTC trong thời kỳ thai nghén hiếm gặp hơn
2.1. Nguyên nhân
Thường xảy ra trên các thai phụ có sẹo mổ cũ ở tử cung,các sẹo mổ đó có thể là:
- Sẹo mổ lấy thai ở thân tử cung
- Sẹo khâu lại tử cung đã bị vỡ
- Sẹo mổ lấy thai từ hai lần trở lên
- Sẹo mổ cắt góc tử cung trong chửa ngoài tử cung.
- Mổ lấy thai bị nhiễm khuẩn tại vết mổ hoặc tử cung
- Sẹo của phẫu thuật bóc tách nhân xơ tử cung
- Sẹo của phẫu thuật Strassmann
- Sẹo cắm vòi trứng vào tử cung
- Sẹo mổ thủng tử cung sau nạo phá thai,sau nạo sót rau sau đẻ
Ngoài ra,tử cung đôi,có thai trong buồng tử cung không phát triển.
2.2. Triệu chứng cơ năng và thực thể
- Đau vết mổ đột ngột
- Ra máu ở âm đạo.
- Trong một số trường hợp có dấu hiệu choáng, da mặt tái nhợt, nhịp thở nhanh, thở nông, vẻ mặt hốt hoảng, lo lắng, chân tay lạnh toát, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp hạ, đôi khi có thể ngừng tim.
- Bụng đau toàn bộ, có khi phản ứng phúc mạc rất rõ.
- Không thấy hình thù của tử cung,sờ thấy các phần của thai nhi ngay dưới thành bụng
- Nghe tim thai không còn
- Gõ bụng thấy đục toàn bộ
- Khi khám âm đạo: Ngôi thai không sờ thấy và có thể có máu theo tay.
3. Vỡ tử cung trong chuyển dạ
Được chia thành 2 nhóm:
- VTC tự nhiên xảy ra không do sự can thiệp của thủ thuật.
- VTC do sự can thiệp bởi các thủ thuật sản khoa như nội xoay thai, lấy đầu hậu trong đỡ đẻ ngôi ngược, đẻ thủ thuật forceps, giác hút và đẩy bụng trong giai đoạn rặn sổ,…
3.1. Nguyên nhân
Nguyên nhân về phía mẹ
- Các loại đẻ khó do khung chậu hẹp tuyệt đối, khung chậu giới hạn , khung chậu méo
- Có sẹo mổ cũ ở tử cung.
- Các loại rách ở cổ tử cung kéo dài lên gần đoạn dưới phục hồi xấu.
- Đẻ nhiều lần, nạo phá thai nhiều lần làm tử cung nhão,mỏng dễ vỡ
- Đẻ khó do các khối u tiền đạo như: U xơ ở eo tử cung, u nang buồng trứng,u ở xương cùng,u ở âm đạo không được giải quyết đúng các và đúng lúc
Nguyên nhân về phía thai nhi
- Đẻ khó do thai to toàn bộ: Trọng lượng thai trên 4000g, gây bất tương xứng giữa thai nhi và khung chậu người mẹ.
- Thai to từng phần như não úng thủy.
- Do ngôi và kiểu thế bất thường: Ngôi chỏm đầu cúi không tốt, ngôi mặt cằm cùng, ngôi trán, ngôi thóp trước, ngôi ngang…
- Đa thai: Do các thai vướng nhau hoặc dị dạng.
Nguyên nhân do can thiệp
- Do truyền Oxytocin không đúng chỉ định và liều lượng
- Do can thiệp các thủ thuật: Nội xoay thai trong ngôi vai,giác hút,foccep…không đúng chỉ định và không đủ điều kiện.
4. Biến chứng
- Nếu không được xử trí kịp thời, ở các tuyến không có khả năng phẫu thuật, có thể dẫn tới tử vong cả mẹ và thai nhi.
- Tỷ lệ phải cắt bỏ tử cung cao ở những trường hợp vỡ tử cung.
- Tổn thương tạng: có thể tổn thương bàng quang, niệu quản, mạch hạ vị, đại- trực tràng.
5.Phòng bệnh
- Nghiêm chỉnh thực hiện các buổi thăm khám, xét nghiệm khi mang thai, đặc biệt là những buổi khám ở cuối thai kỳ.
- Đối với những mẹ bầu có nguy cơ cao, nên thường xuyên được theo dõi và điều trị kịp thời.
- Những người có sẹo tử cung nên chờ ít nhất là 3 năm mới nên mang thai lại.
- Không nên sinh con quá gần nhau và sinh quá nhiều con. Những mẹ đã từng sinh mổ nếu muốn mang thai tiếp, nên chờ từ 3-5 năm.
- Trường hợp mẹ bầu có khung xương chậu hẹp, sinh con nhiều lần, chiều cao tử cung khoảng 34 cm nên chọn những bệnh viện sinh con ở tuyến trên.