Vòng kinh không phóng noãn-những điều cần biết
15:55 - 08/01/2023 Lượt xem: 551 Tác giả: Thanh Nga
Vòng kinh không phóng noãn còn có tên gọi là vòng kinh một giai đoạn. Khi hành kinh, trước kia người ta gọi là kinh nguyệt giả( pseudomen struation) vì theo quan niệm cũ, hành kinh phải là do bong một niêm mạc tử cung có chế tiết, nghĩa là có tác dụng của progesterone của giai đoạn hoàng thể sau phóng noãn. Nhưng ngày nay người ta quan niệm rộng rãi hơn: Bất cứ hiện tượng ra huyết nào từ tử cung do bong niêm mạc tử cung dưới ảnh hưởng của tụt hormone sinh dục nữ đều được coi là hành kinh.
Độ dài của vòng kinh không phóng noãn có thể vẫn bình thường, nhưng thông thường ngắn hơn, 23-25 ngày. Không những vòng kinh không phóng noãn mà ngay những vòng kinh có hoàng thể kém cũng dễ ngắn hơn bình thường. Đó là do hormone của buồng trứng vì không có hoạt động tốt của hoàng thể nên chóng tụt hơn bình thường.
Vòng kinh không phóng noãn hay gặp vào tuổi dậy thì và tuổi tiền mãn kinh. Vào tuổi dậy thì, vùng dưới đồi chưa tiết chế đầy đủ Gn-RH nên tuyến yên chế tiết không đầy đủ FSH làm nang noãn không chín, không đầy đủ LH làm nang noãn dù chín không phóng noãn. Còn vào tuổi tiền mãn kinh, buồng trứng không còn đủ nhạt cảm để trả lời thích đáng hormone của tuyến yên nên nang noãn không chín và không phóng noãn, mặc dầu LH có thể vẫn cao. Sau sẩy thai, sau đẻ, những vòng kinh đầu tiên có thể không phóng noãn.
Hiện tượng không phóng noãn có thể là cơ năng nhưng có thể trong một số ít trường hợp có tổn thương thực thể như u tuyến yên, hội chứng Stein-Leventhal(buồng trứng đa nang)
1. Chẩn đoán hiện tượng không phóng noãn
Chủ yếu dựa vào các xét nghiệm thăm dò. Về lâm sàng không có gì đặc trưng để phân biệt phóng noãn và không phóng noãn kết thúc bằng kỳ hành kinh không đau bụng, vì cũng có nhiều vòng kinh có phóng noãn mà cũng không đau bụng. Ngược lại, những xét nghiệm, thăm dò có ý nghĩa quan trọng, có tính chất quyết định trong chẩn đoán.
1.1 Xét nghiệm cổ tử cung
Về các mặt độ mở cổ tử cung, lượng chất nhầy, độ trong, độ loãng, độ kéo sợi, độ kết tinh hình lá dương sỉ. Theo dõi nếu thấy sau khi tăng lên tới cực đại rồi tụt xuống nhanh chóng sau vài ngày là có phóng noãn vào ngày cực đại. Nếu xuống chậm và tính từ ngày có cực đại đến ngày hành kinh không được 10 ngày thì là không có phóng noãn, hoặc có phóng noãn nhưng hoàng thể yếu.
1.1.2 Làm tế bào học âm đạo nội tiết
Theo dõi chỉ số ái toan và chỉ số nhân đông thấy không có đỉnh cực đại thì là không có phóng noãn .
1.1.3 Đo thân nhiệt cơ sở
Vào các sáng sớm trước khi xuống giường đúng giờ. Lấy nhiệt độ ở hậu môn hay ở miệng, không lấy ở nách. Nếu thấy nhiệt độ thấp dưới 37 độ C, không có biểu hiện hai thì là không có phóng noãn vì không có mặt pregnandiol, chất chuyển hóa của progesterone gây tăng thân nhiệt.
1.4 Định lượng LH:
Vào giữa vòng kinh không thấy có đỉnh cao. Định lượng progesterone trong huyết tương vào tuần lễ thứ 3 của vòng kinh ( trước khi hành kinh 1 tuần) không thấy tăng là không có phóng noãn. Có thể định lượng pregnandiol trong nước tiểu 24 giờ, cũng không thấy tăng.
2.5 Soi ổ bụng
Vào nửa sau của vòng kinh không thấy hoàng thể hoặc sẹo của hoàng thể.
Theo dõi bằng siêu âm nếu thấy nang noãn ngày càng lớn lên rồi méo mó, nhỏ đi là có phóng noãn. Nếu không, là không có phóng noãn.
2. Điều trị
Vòng kinh không phóng noãn trên thực tế chỉ có mục đích điều trị vô sinh. Đôi khi có mục đích điều trị rong kinh với ý nghĩa cho rằng rong kinh là do không có progesteron, kết quả của hiện tượng không phóng noãn. Đối với những vòng kinh không đều, không có phóng noãn có thể cho thuốc tránh thai uống trong 3-6 tháng. Sau khi ngừng thuốc sẽ có thể có hiệu ứng nhảy vọt, vùng dưới đồi tăng tiết Gn-RH và phóng noãn có thể xảy ra.
Dựa trên cơ chế tranh chấp vị trí vùng dưới đối với estrogen, người ta có thể dùng clomifen citrate, một hóa chất có tác dụng kháng estrogen nhẹ, nhằm tạo nên hồi tác dương, kích thích vùng dưới đồi tăng tiết Gn-RH, dẫn tới phóng noãn. Cho uống clomifen citrate 50mgx1-2v/ngày, trong 5-10 ngày, bắt đầu từ ngày thứ 3 hay thứ 5 của vòng kinh.
Trước kia người ta hay chỉ định từ ngày thứ 5 của vòng kinh, mỗi ngày 2v, trong 5 ngày. Hiện nay người ta có xu hướng cho uống thuốc từ ngày thứ 3 của vòng kinh.
Phóng noãn thường xảy ra vào ngày thứ 14 của vòng kinh. Nhưng cũng có khi muộn hơn.
Nếu sau khi theo dõi thấy nang noãn phát triển(qua siêu âm thấy nang noãn có đường kính trên 18 mm chẳng hạn) có thể cho hCG tiêm 6000-10000 đơn vị vào bắp thịt. Sẽ có phóng noãn trong vòng 12-24 giờ sau tiêm. Trên thực tế, ít khi chỉ thiếu LH mà không thiếu FSH, nên kích thích phóng noãn đơn thuần bằng hCG ít đem lại kết quả. Nhiều khi người ta phải kích thích nang noãn phát triển trước bằng FSH rồi mới kích thích bằng hCG sau. Có thể kết hợp cho clomifen xitrat và hCG. Cho clomifen citrate trước như thường lệ. Đến gần ngày dự kiến phóng noãn, cho thêm hCG, liều như trên.
Có thể kết hợp dùng những biện pháp bồi phụ. Đó là những biện pháp không tác dụng trực tiếp đối với phóng noãn mà chỉ giúp đỡ thêm. Thí dụ giảm căng thẳng trong đời sống, thay đổi hoàn cảnh sống, hoàn cảnh công tác, nơi ở, tắm nước nóng, nước suối nóng, chạy sóng ngắn, cho vitamin A,E,C…
Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.