googleb578e89369db4e48.html

Xét nghiệm công thức máu là gì?

08:01 - 08/06/2020 Lượt xem: 444

Xét nghiệm công thức máu là xét nghiệm cơ bản nhất trong những khảo sát về huyết học. Hầu như khi cần xét nghiệm máu, các chỉ số trên công thức máu luôn là mối quan tâm đầu tiên, có khả năng phản ánh gần như toàn diện chức năng của các hệ cơ quan. […]

Xét nghiệm công thức máu là xét nghiệm cơ bản nhất trong những khảo sát về huyết học. Hầu như khi cần xét nghiệm máu, các chỉ số trên công thức máu luôn là mối quan tâm đầu tiên, có khả năng phản ánh gần như toàn diện chức năng của các hệ cơ quan. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được nội dung trên tờ giấy trả kết quả xét nghiệm này.

1. Xét nghiệm công thức máu là gì?

Máu có thể được xem là một cơ quan trong cơ thể mặc dù không có hình thù, cấu trúc nhất định. Vai trò của máu là vận chuyển khí oxy và chất dinh dưỡng theo dòng tuần hoàn cung cấp đến cho từng tế bào; đồng thời nhận lại khí cacbonic và các sản phẩm thải ra từ những chuyển hóa nội ngoại bào, ngoài ra máu còn đảm trách chức năng miễn dịch và đông máu. Nói một cách khác, nếu máu bị bệnh, các hệ cơ quan khác cũng sẽ khó mà không bị ảnh hưởng gì.

Trong máu có hai thành phần chủ yếu là tế bào máu và huyết tương. Xét nghiệm công thức máu là khảo sát các loại tế bào máu về số lượng, kích thước, hình thái của hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

2. Xét nghiệm công thức máu được thực hiện như thế nào?

Tương tự các xét nghiệm máu thông thường, để làm công thức máu, kĩ thuật viên sẽ đưa kim vào tĩnh mạch của bạn, lấy ra rất ít máu, lưu trữ trong ống nghiệm có chất chống đông. Sau đó, máu sẽ được đưa vào máy, đếm số lượng và mô tả kích thước của các tế bào bằng máy tự động thay vì trước đây các kỹ thuật viên phải nhuộm và đếm bằng mắt thường dưới kính hiển vi quang học. Thiết bị máy móc càng hiện đại sẽ cho kết quả chính xác hơn với thời gian rút ngắn hơn.

xét nghiệm công thức máu
Máy xét nghiệm huyết học tự động

3. Ý nghĩa và mục đích xét nghiệm công thức máu?

      • Khảo sát hồng cầu:

Chúng ta nhìn thấy máu có màu đỏ là do màu của chất sắt bên trong hồng cầu. Đây cũng là loại tế bào máu chiếm số lượng nhiều nhất. Đo lượng hemoglobin trong hồng cầu cho thông tin chúng ta có bị thiếu máu hay không. Thông thường nam giới sẽ có số lượng hồng cầu về sinh lý cao hơn nữ giới. Những thông số về kích thước và hình dạng của hồng cầu cho biết nguyên nhân của thiếu máu là gì. Trong đó, thiếu máu có hồng cầu nhỏ thường gặp nhất với nguyên nhân là thiếu máu do thiếu sắt, nhất là trên các đối tượng phụ nữ có thai, em gái tuổi hành kinh, trẻ em đang phát triển hay người suy kiệt, ăn uống kém, Thalassemia, bệnh lý huyết sắc tố…

Nếu bệnh nhân có số lượng hồng cầu quá thấp, làm cơ thể mệt mỏi; chóng mặt, huyết áp thấp, nặng ngực, khó thở thì cần phải truyền máu. Trong đa số các trường hợp, truyền máu lúc này chính là truyền hồng cầu.

      • Khảo sát bạch cầu:

Kích thước của bạch cầu lớn hơn hồng cầu, đảm nhận chức năng chủ yếu là miễn dịch. Khi vi trùng xâm nhập cơ thể, chính hàng rào bảo vệ của bạch cầu phát hiện ra và nhanh chóng huy động thêm nhiều bạch cầu khác đến ổ nhiễm trùng. Bạch cầu phóng thích các chất hóa học bên trong tế bào để tiêu diệt vi khuẩn, ngăn chặn sự lây lan. Đồng thời, bạch cầu cũng sẽ tạo ra các kháng thể ghi nhớ; sẵn sàng trung hòa vi khuẩn nếu cơ thể bị nhiễm tác nhân đó lặp lại.

Chính vì vậy, khảo sát số lượng bạch cầu trong công thức máu giúp nhận biết cơ thể có bị nhiễm trùng hay không. Nếu số lượng bạch cầu tăng quá cao; chứng tỏ mức độ nhiễm trùng cơ quan đang xảy ra rất dữ dội. Đôi khi bạch cầu cũng không tiêu diệt được trọn vẹn vi khuẩn mà còn phải cần sự trợ giúp của kháng sinh. Đồng thời, nếu bệnh nhân có sốt, cảm cúm, sổ mũi mà xét nghiệm không thấy bạch cầu tăng; bác sĩ sẽ nghĩ nhiều đến khả năng nhiễm siêu vi, tự thuyên giảm sau 5 đến 7 ngày. Việc dùng kháng sinh trong các tình huống này là không cần thiết.

xét nghiệm công thức máu

Ngoài ra, bạch cầu cũng có thể tăng ở một số người có cơ địa dễ bị dị ứng như dị ứng thức ăn; dị ứng trên da, viêm mũi dị ứng, hen suyễn hay có nhiễm các loại ký sinh trùng.

      • Khảo sát tiểu cầu

Tiểu cầu không được xem như một tế bào mà chỉ là mảnh vỡ của một đại tế bào. Kích thước của chúng rất nhỏ, nhỏ hơn hồng cầu và bạch cầu rất nhiều lần. Tiểu cầu không có màu sắc. Chức năng của tiểu cầu là tham gia vào giai đoạn đầu tiên của quá trình đông cầm máu.

Khi mạch máu bị tổn thương, các tiểu cầu sẽ dồn đến điểm này và bám dính với nhau để tạo thành một khối nút kín vết thương, ngăn chặn diễn tiến chảy máu.

Số lượng của tiểu cầu phản ánh chức năng đông máu có đảm bảo được hay không; đặc biệt có ý nghĩa nếu bệnh nhân cần phẫu thuật. Người có số lượng tiểu cầu quá thấp sẽ có biểu hiện là chảy máu khó cầm; xuất hiện mảng bầm tự nhiên trên da, chảy máu răng, chảy máu trong não… Vì thế nếu có những dấu hiệu này; một xét nghiệm công thức máu để xem số lượng tiểu cầu là vô cùng cần thiết.

4. Những chỉ số liên quan đến tổng phân tích tế bào máu

Chỉ số xét nghiệm EOS

Đây là một xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu được dùng để đo số lượng bạch cầu ái toan. Bạch cầu này đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng lại những bệnh lý nhiễm ký sinh trùng, tình trạng dị ứng.

Bạn cần làm xét nghiệm EOS khi bác sĩ cần chẩn đoán bệnh hoặc một điều kiện cần thiết nào đó như:

  • Phản ứng dị ứng.
  • Bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng.

Chỉ số xét nghiệm RDW 

RDW đặc trưng cho độ phân bố hồng cầu, xét nghiệm này thường được thực hiện khi cần kiểm tra sự thay đổi về mặt kích thước và hình dáng của các tế bào hồng cầu.

xét nghiệm công thức máu

Khi cơ thể ổn định RDW sẽ dao động trong khoảng 9 – 15%. Nếu chỉ số RDW càng cao thì chứng minh độ phân bố của hồng cầu thay đổi càng nhiều.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng bạn không nên uống thuốc trước khi làm xét nghiệm, nhịn ăn trong vòng 8 – 12 giờ để có được kết quả đạt hiệu suất cao. Đặc biệt để kết quả chính xác nhất thì không nên sử dụng các chất kích thích nguy hiểm như: cà phê, thuốc lá, rượu bia, thuốc phiện,…

Chỉ số xét nghiệm RBC

Xét nghiệm RBC được sử dụng để kiểm tra số lượng hồng cầu.

Giá trị RBC thường dao động trong khoảng 4 – 5,9 triệu tế bào/cm3.

Nếu chỉ số RBC tăng chứng tỏ tình trạng báo động khi số lượng hồng cầu trong cơ thể bạn đang vượt quá mức tiêu chuẩn. Trường hợp này thường xảy ra không nhiều, có thể gặp tại một số bệnh nhân đang bị rối loạn tuần hoàn tim, hoặc tình trạng thiếu oxy trong máu, làm cho số lượng hồng cầu tăng lên.

Chỉ số RBC giảm dưới mức cho phép khi người bệnh bị mất máu; thiếu máu (có thể do máu chảy trong đường tiêu hóa như tá tràng hoặc dạ dày), thiếu sắt,… do thói quen ăn uống không đầy đủ.

Ngoài ra, bạn có thể gặp người có chỉ số RBC giảm như: người già, bệnh nhân suy tủy; phụ nữ mang thai, bệnh nhân đang mắc phải các bệnh về thận; hoặc do những yếu tố di truyền,…

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu giúp bạn nắm được tổng quát nhất tình trạng sức khỏe của bản thân. Ngày nay, xét nghiệm này vô cùng phổ biến, dễ thực hiện; chi phí không cao mà cung cấp rất nhiều thông tin cần thiết. Để xét nghiệm máu, công thức máu bạn có thể truy cập website: DK.SAN43NGUYENKHANG.VN hoặc liên hệ Zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.

 

Bài viết liên quan

Lạc nội mạc tử cung, phụ nữ còn cơ hội mang thai không?
Cảnh báo nguy cơ ung thư vú từ Liệu pháp thay thế hormone
Cảnh báo tình trạng ung thư vú ở người trẻ tuổi
4 Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bạn nên biết
Tầm soát ung tư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV