googleb578e89369db4e48.html

Xét nghiệm định lượng creatinin là gì?

08:41 - 09/02/2022 Lượt xem: 711 Tác giả: Kim Ngân

1. Creatinin là gì?

Creatinin là sản phẩm của sự thoái hóa Creatin trong các cơ, được đào thải qua thận. Creatin có nguồn gốc nội sinh chủ yếu từ gan, thận, tụy được tổng hợp từ Arginin và Methionin, creatin có nguồn gốc ngoại sinh là do thức ăn cung cấp.

Chỉ số Creatinin trong máu được dùng để đánh giá chức năng thận, thận duy trì Creatinin trong máu ở một nồng độ hằng định. Creatinin được đào thải qua thận nên nồng độ của Creatinin phản ánh chính xác chức năng lọc của thận.

2. Xét nghiệm định lượng Creatinin là gì?

Creatinin, cũng giống như nitơ ure máu được thải hoàn toàn bởi thận và do vậy tỷ lệ thuận với chức năng bài tiết thận. Vì thế nồng độ creatinin huyết thanh thường không đổi nếu chức năng bài tiết của thận hoạt động bình thường. Xét nghiệm định lượng creatinin dùng để định lượng creatinin trong huyết thanh, tính toán độ lọc cầu thận nhằm đánh giá chức năng thận. Mất nước, rối loạn thận, tắc nghẽn đường tiểu khiến creatinin máu tăng bất thường.

3. Khi nào cần làm xét nghiệm định lượng creatinin?

Xét nghiệm creatinine là một kỹ thuật đơn giản và là một phần trong những xét nghiệm sinh hóa cơ bản. Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm này khi mắc các bệnh lý cấp tính hoặc có dấu hiệu thận hoạt động không tốt. Một số dấu hiệu nhận biết thận hoạt động không tốt có thể kể đến như:

  • Thường xuyên mệt mỏi, thiếu tập trung, chán ăn, ngủ không ngon giấc, mất ngủ.
  • Có hiện tượng sưng, phù ở mặt cũng như bụng, đùi hoặc mắt cá chân.
  • Nước tiểu khác thường, có màu cà phê hoặc máu, có nhiều bọt, lượng nước tiểu giảm so với bình thường.
  • Đi tiểu luôn cảm thấy nóng rát, thói quen đi tiểu thay đổi, thường xuyên tiểu đêm.
  • Bị đau vùng hông lưng, dưới khung sườn (những vị trí gần với thận).
  • Có hiện tượng tăng huyết áp

Trong một số trường hợp khác, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm định lượng creatinin. Cụ thể:

  • Đối với bệnh nhân bị bệnh tiểu đường nên thực hiện xét nghiệm ít nhất là 1 lần/ năm.
  • Người gặp vấn đề về thận nên đo nồng độ creatinine thường xuyên để đánh giá chính xác về tình hình sức khỏe.
  • Người mắc bệnh có thể ảnh hưởng tới chức năng thận như tăng huyết áp, tiểu đường, đang dùng thuốc có tác dụng phụ tới thận,... cũng được khuyên nên thực hiện xét nghiệm định lượng Creatinin định kỳ để đánh giá chức năng thận.

4. Các yếu tố gây ảnh hưởng đến creatinin. 

Xét nghiệm định lượng creatinin là gì?

- Creatinin máu tăng cao trong các trường hợp:

  • Suy thận do nguồn gốc trước thận: Suy tim mất bù, mất nước, xuất huyết, hẹp động mạch thận, dùng thuốc lợi tiểu hay thuốc hạ áp.
  • Suy thận do nguồn gốc tại thận:
  • Tổn thương cầu thận: Tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa thận dạng tinh bột, viêm cầu thận, bệnh luput ban đỏ hệ thống, lắng đọng IgA tại cầu thận.
  • Tổn thương ống thận: Viêm thận-bể thận cấp hay mạn, sỏi thận, đa u tủy xương, tăng acid Uric máu, nhiễm độc thận.
  • Suy thận do nguồn gốc sau thận: Sỏi thận, ung thư tiền liệt tuyến, các khối u bàng quang, khối u tử cung, xơ hóa sau phúc mạc.

- Creatinin máu giảm trong các trường hợp:

  • Hòa loãng máu.
  • Hội chứng tiết hormon ADH không thích hợp.
  • Có thai.
  • Tình trạng suy dinh dưỡng nặng.
  • Một số bệnh cơ gây teo mô cơ. 

5. Giá trị xét nghiệm Creatinin máu

Xét nghiệm được thực hiện trên huyết thanh bệnh nhân, không bắt buộc bệnh nhân nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm.

- Giá trị bình thường:

  • Nữ giới trưởng thành: 44 - 97 µmol/l.
  • Nam giới trưởng thành: 53 - 106 µmol/l.
  • Trẻ sơ sinh: 26 - 106 µmol/l. 

Các yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm.

  • Máu bị vỡ hồng cầu.
  • Sau bữa ăn có chứa lượng lớn protein thể làm giá trị xét nghiệm tăng.
  • Những loại thuốc có thể làm tăng nồng độ creatinin gồm: cimetidine, famotidine, ranitidine và một số loại kháng sinh như trimethoprim. Bạn nên thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc mà mình đang dùng (nếu có).
  • Creatinin máu cũng có thể tăng lên tạm thời do chấn thương cơ và sẽ thấp đi trong thai kỳ.

Xét nghiệm định lượng Creatinin đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý ở thận, vì vậy, nến có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh lý.

Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ; với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và thăm khám để các chị em yên tâm về thai kỳ và sức khỏe của mình. Để đặt lịch khám, quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Ý nghĩa của xét nghiệm đông máu
Mục đích và chỉ định xét nghiệm Amylase
Lợi ích của xét nghiệm định lượng albumin máu
Mục đích và chỉ định xét nghiệm albumin
Mục đích và chỉ định xét nghiệm ACTH