Xét nghiệm PLGF trong sàng lọc tiền sản giật
10:48 - 28/02/2022 Lượt xem: 2031 Tác giả: Lê Huyền Trang
Hiện nay, PlGF được xem là một trong những dấu ấn sinh hóa trong tầm soát tiền sản giật quý 1 thai kỳ. Đối với thai phụ có nguy cơ cao tiền sản giật hoặc khởi phát tiền sản giật có nồng độ PlGF trong huyết thanh giảm trong suốt thai kỳ. Trong xét nghiệm tầm soát tiền sản giật ở 3 tháng đầu thai kỳ dựa vào PlGF, tiền sử thai phụ, chỉ số xung động mạch tử cung (UTPi) và huyết áp động mạch trung bình (MAP) sẽ tăng độ phát hiện lên 90%
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý thai nghén toàn thân do thai nghén gây ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ (từ tuần thứ 20) với 3 triệu chứng: Tăng huyết áp, protein niệu và phù.
Tiền sản giật là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Giai đoạn sản giật có thể kéo dài vài giờ, vài ngày, vài tuần hoặc chỉ thoáng qua tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh.
PLGF là gì?
PLGF (Placental Growth Factor) là yếu tố tăng trưởng bánh nhau thuộc nhóm tăng trưởng mạch máu nội mô. Protein này xuất hiện chủ yếu ở nhau thai và được tổng hợp trong các nhung mao của nguyên bào nuôi. Ngoài ra PLGF cũng xuất hiện ở các mô khác với nồng độ thấp như tim, phổi, tuyến giáp, gan và cơ xương.
Gen PLGF của người nằm trên nhiễm sắc thể 14q14 và mã hóa 4 đồng phân của PLGF (PLGF-1, 2, 3, 4). Trong đó PlGF-1 và PlGF-2 là những dạng phổ biến nhất trong thai kỳ.
PlGF có vai trò quan trọng làm tăng sinh mạch của nhau thai, quyết định sự tăng trưởng và phát triển của thai. Nồng độ của PlGF tăng dần theo sự phát triển của thai, đạt đỉnh từ tuần 26 - 30 và giảm xuống cho đến lúc sinh.
PLGF và tiền sản giật
Trong bệnh lý tiền sản giật, các nhung mao của nguyên bào nuôi bị suy giảm khả năng xâm nhập vào các động mạch xoắn của bánh nhau sẽ làm cho bánh nhau bị thiếu máu cục bộ. Để phản ứng lại với tình trạng thiếu oxy, bánh nhau tăng sản sinh ra các yếu tố gây ra rối loạn chức năng nội mô trong đó có sFlt-1 (soluble Fms-like tyrosine kinase -1), là một chất kháng tạo mạch. sFlt-1 sẽ kết hợp với PlGF và ngăn cản sự gắn kết bình thường của PlGF với receptor mFlt-1. Hiện tượng này dẫn đến nồng độ PlGF giảm thấp trong suốt thai kì và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhau thai.
Các nghiên cứu cho thấy, nồng độ PlGF thấp làm giảm tính thấm mạch máu, giảm chức năng nội mô, ảnh hưởng đến hình thành, tăng sinh các tế bào ống nội mô và ngoại mạch máu nhau thai. Điều này dẫn đến sự giảm phân nhánh các mạch máu và hạn chế lượng máu lưu thông tới nhau thai, dẫn đến thai nhi chậm phát triển.
PLGF và tầm soát tiền sản giật quý 1 thai kỳ
Hiện nay, PlGF được xem là một trong những dấu ấn sinh hóa trong tầm soát tiền sản giật quý 1 thai kỳ. Đối với thai phụ có nguy cơ cao tiền sản giật hoặc khởi phát tiền sản giật có nồng độ PlGF trong huyết thanh giảm trong suốt thai kỳ. Trong xét nghiệm tầm soát tiền sản giật ở 3 tháng đầu thai kỳ dựa vào PlGF, độ phát hiện là 72% cho tỷ lệ dương tính giả 10%. Nhưng khi kết hợp với các yếu tố khác như tiền sử thai phụ, chỉ số xung động mạch tử cung (UTPi) và huyết áp động mạch trung bình (MAP) – thì sẽ tăng độ phát hiện lên 90%
PLGF và tầm soát tiền sản giật quý 2 và quý 3 thai kỳ
Thời điểm 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ: Tiếp tục sàng lọc TSG bằng mô hình dự báo phối hợp yếu tố nguy cơ mẹ, HA động mạch trung bình, chỉ số xung động mạch tử cung và PlGF, sFlt-1.
Tỷ số sFlt-1/PlGF có triển vọng trong dự báo khả năng không xuất hiện bệnh. Thời điểm tối ưu để bắt đầu xét nhiệm tỷ số sFlt-1/PlGF ở nhóm nguy cơ cao từ 24 đến 26 tuần thai kỳ. Tỷ sFlt-1/PlGF có vai trò trong dự báo TSG ngắn hạn để hạn chế được những trường hợp nhập viện theo dõi và can thiệp không cần thiết.
- Ngưỡng tỷ số sFlt-1/PlGF được chia thành các nhóm sau:
+ Nếu tỷ số sFlt-1/PlGF ≤ 38: dự báo nhiều khả năng không xảy ra TSG hoặc các kết quả thai kỳ bất lợi trong 1 tuần cho mọi tuổi thai, giá trị dự đoán âm tính là 99,3% (95%CI: 97,9-99,9); độ nhạy 80,0% (95%CI: 51,8-95,7), độ đặc hiệu 78,3% (95%CI: 74,6-81,7).
+ Nếu tỷ số sFlt-1/PlGF > 38: dự báo xuất hiện TSG trong 4 tuần có giá trị dự đoán dương tính 36,7% (95%CI: 28,4-45,7), độ nhạy 66,2% (95%CI: 54,9-77,0), độ đặc hiệu 83,1% (95%CI: 79,4-86,3).
Nguồn: Bệnh viện Từ Dũ
Sàng lọc sớm tiền sản giật giúp phòng ngừa tối đa các biến chứng y khoa không mong muốn. Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch tới phòng khám 43 Nguyễn Khang quý khách có thể truy cập TẠI ĐÂY hoặc liên hệ zalo: 0342318318 để được hướng dẫn.