Xoắn buồng trứng - mối đe doạ đến khả năng sinh sản
17:34 - 14/12/2024 Lượt xem: 52 Tác giả: Thanh Nga
Xoắn buồng trứng là một bệnh lý cấp cứu trong sản phụ khoa có thể đe doạ đến chức năng buồng trứng và khả năng sinh sản nếu không được điều trị kịp thời. Vậy xoắn buồng trứng nguy hiểm ra sao và làm thế nào để nhận biết? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Tìm hiểu về xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng xảy ra khi buồng trứng xoắn quanh các dây chằng giữ nó khiến lưu lượng máu đến buồng trứng và có thể cả vòi trứng đột ngột bị cắt đứt, làm chết các mô xung quanh, dẫn đến hoại tử buồng trứng.
Xoắn buồng trứng thường dễ xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng cũng có khả xuất hiện ở phụ nữ mãn kinh, các bé gái tuổi tiền dậy thì và trẻ em.
2. Dấu hiệu gợi ý xoắn buồng trứng
Các triệu chứng khi có xoắn buồng trứng thường không rõ ràng và phụ thuộc nhiều vào vị trí, tần suất và mức độ xoắn. Phần lớn người bệnh sẽ có những dấu hiệu sau đây:
- Đau vùng chậu liên tục hoặc từng cơn ( tùy thuộc vào tần suất xoắn có liên tục hay không). Triệu chứng không đáp ứng với thuốc giảm đau, đau có thể giảm nếu buồng trứng có thể tự tháo xoắn
- Tiểu buốt, tiểu rắt, táo bón do bị chèn ép các cơ quan niệu quản, bàng quang, trực tràng
- Sưng phù hai chân do chèn ép tĩnh mạch
- Chướng bụng
- Nôn, buồn nôn: thường đến cùng các cơn đau bụng dữ dội, kèm hiện tượng choáng váng, vã mồ hôi
- Sốt: thường gặp ở giai đoạn muộn, khi có hoại tử, nhiễm trùng buồng trứng
Do các triệu chứng của xoắn buồng trứng không điển hình nên người bệnh thường khó phát hiện và dễ nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hoá, thận - tiết niệu, viêm ruột thừa. Vậy nên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được khuyến cáo nên đi khám phụ khoa định kì 6 tháng/lần để có thể phát hiện và điều trị kịp thời các bất thường, bệnh lý.
3. Yếu tố nào có thể dẫn đến nguy cơ xoắn buồng trứng?
- U buồng trứng: đây là nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến hiện tượng xoắn buồng trứng, nhất là các khối u có kích thước lớn
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản: mô buồng trứng linh hoạt nên dễ gây vặn xoắn hơn
- Phụ nữ mang thai: thay đổi về kích thước của buồng trứng trong thai kỳ để đáp ứng nhu cầu của các hormone cùng với sự lỏng lẻo của các mô nâng đỡ có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này
- Nguy cơ cao ở nhóm đối tượng có sử dụng thuốc nội tiết tố, kích buồng trứng trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản do có thể kích thích sự tạo thành các u nang gây vặn xoắn buồng trứng
- Tiền sử can thiệp phẫu thuật tại vùng chậu có thể khiến các dây chằng dính lại và làm buồng trứng xoắn vào đó
- Xuất phát từ dị tật bẩm sinh tại ống dẫn trứng
4. Xoắn buồng trứng có thể gây ra biến chứng gì?
Xoắn buồng trứng là bệnh lý hiếm gặp nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.
Việc không được cung cấp máu trong thời gian dài có thể gây chết mô buồng trứng dẫn đến hoại tử và phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ trong tương lai. Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn cần theo dõi, tái khám để tránh nguy cơ tái phát và loại trừ nhiễm trùng các cơ quan xung quanh. Nếu không được cắt bỏ, ổ xoắn có thể gây nhiễm trùng, áp xe vùng chậu hay viêm phúc mạc.
Việc điều trị kịp thời ngay ở giai đoạn sớm sẽ tránh được nguy cơ cắt bỏ buồng trứng và có cơ hội phục hồi hoàn toàn. Vậy nên, ngay khi có một trong những dấu hiệu bệnh kể trên, đặc biệt là những cơn đau bất thường ở vùng chậu, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa sản phụ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
5. Siêu âm có thể phát hiện xoắn buồng trứng không?
Siêu âm là phương pháp có thể phát hiện xoắn buồng trứng. Bạn có thể thực hiện siêu âm đầu dò, siêu âm bụng, chụp CT, hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để chẩn đoán xác định bệnh lý này.
6. Xoắn buồng trứng được điều trị ra sao?
Phẫu thuật được xem là cách duy nhất trong điều trị xoắn buồng trứng. Mổ nội soi là phương pháp được lựa chọn hàng đầu để xác định vị trí và tháo xoắn. Có thể cân nhắc đến việc cố định buồng trứng để tránh nguy cơ tái phát. Một số trường hợp sẽ cần đến phẫu thuật mở bụng nếu buồng trứng không được bộc lộ rõ.
Buồng trứng bị hoại tử sẽ được cắt bỏ. Tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương và nguy cơ nhiễm trùng mà người bệnh được chỉ định cắt bỏ một bên hoặc cả hai bên buồng trứng.
Xoắn buồng trứng là một bệnh lý nguy hiểm và gây ra hậu quả nặng nề, đặc biết đối với khả năng sinh sản của phái nữ. Do đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhất là trường hợp mang thai cần khám phụ khoa định kì, lựa chọn các cơ sở uy tín để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán đảm bảo sức khoẻ một cách tốt nhất.
Để đặt lịch siêu âm và theo dõi thai kỳ tại Phòng khám 43 Nguyễn Khang quý khách có thể truy cập TẠI ĐÂY hoặc liên hệ zalo: 0342318318 để được hướng dẫn.
Ở Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai siêu âm thai và khám phụ khoa ở đâu?
Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang tự hào là đơn vị uy tín trong chăm sóc sản, phụ khoa. Không chỉ thu hút các mẹ bầu và các chị em tại Hà Nội tới thăm khám mà còn là địa chỉ được rất nhiều các chị em ở khu vực miền Bắc như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hoà Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai,... quan tâm và tin tưởng.