Xử trí và điều trị u buồng trứng khi có thai
11:51 - 09/08/2021 Lượt xem: 784 Tác giả: Thu Hoàng
U buồng trứng là một loại bệnh phụ khoa rất thường gặp. Có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng đều có thể bị với các xuất độ và tỷ lệ khác nhau tùy thuộc vào từng loại khối u. Tỷ lệ u buồng trứng từ 5-10% trong cộng đồng dân số nữ.
U buồng trứng là một loại bệnh phụ khoa rất thường gặp. Có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng đều có thể bị với các xuất độ và tỷ lệ khác nhau tùy thuộc vào từng loại khối u. Tỷ lệ u buồng trứng từ 5-10% trong cộng đồng dân số nữ.
U buồng trứng có thể xuất hiện trước khi mang thai với kích thước nhỏ bé dưới 3 - 4cm đường kính và không gây triệu chứng gì nên người phụ nữ thường không đi khám và không được phát hiện. Đến khi có thai, đi khám thai, siêu âm và được phát hiện.
1. Chẩn đoán u buồng trứng khi mang thai
Chẩn đoán
- Lâm sàng:
Có thể do khám phát hiện tình cờ khi khám định kỳ, thấy đau bụng hạ vị, khối u ổ bụng do sờ được,.. nhưng để chắc chắn được bản chất u từ cơ quan nào thì phải thông qua siêu âm, MRI hoặc CT. Scanner ổ bụng
- Siêu âm:
Siêu âm là công cụ chẩn đoán phổ biến nhất để đánh giá đau vùng chậu và đau bụng khi mang thai vì nó an toàn khi sử dụng (Leiserowitz, 2006). Độ nhạy và độ đặc hiệu cao của nó để mô tả hình thái của khối u làm cho nó trở thành một công cụ lý tưởng để sử dụng như một công cụ chẩn đoán lựa chọn đầu tiên vì hình thái học là yếu tố quyết định quan trọng nhất trong việc phân biệt khối u lành tính với khối u ác tính.
xử trí và điều trị u buồng trứng khi mang thai
2. Xử trí và điều trị u buồng trứng khi có thai
Chuẩn bị mang thai:
Các chị em nên đi khám tổng quát, kiểm tra sức khỏe, trong đó phải khám phụ khoa và siêu âm vùng chậu.
Bác sĩ lâm sàng cần đưa ra quyết định khi nào thì phẫu thuật vì: nếu mổ sớm (nguy cơ sảy thai và mất chức năng hoàng thể trước tháng thứ tư của thai kỳ) và quá muộn (biến chứng như xoắn, vỡ hoặc chảy máu, tiến triển trong trường hợp ác tính, chuyển dạ sớm) có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân và thai nhi. Đánh giá hồi cứu kết quả của khối u buồng trứng sau quản lý cho thấy tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của thai nhi cao hơn cũng như nguy cơ sinh non do vỡ tự phát. Tổn thương cận buồng trứng có khả năng là lành tính và không cần can thiệp trong thai kỳ (Glanc et al., 2008).
3 tháng giữa (phẫu thuật an toàn):
Lúc này hoàng thể thai kỳ do buồng trứng tiết ra đã hết nhiệm vụ. Sự nuôi dưỡng thai nhi sẽ do bánh nhau đảm nhận. Trong 3 tháng giữa tử cung ít bị nhạy cảm để gây nên cơn gò tử cung, phẫu thuật sẽ an toàn hơn. Phải phẫu thuật u buồng trứng vì tính chất nặng nề của những biến chứng và y học không thể tiên lượng được đến thời điểm nào thì một khối u buồng trứng lành tính sẽ có những biến chứng, đặc biệt là biến chứng hóa ung thư.
Một phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở tối thiểu được ưa thích. Nội soi là an toàn và khả thi khi các hướng dẫn cụ thể được tuân theo. Mổ nội soi được thực hiện tối ưu trong khoảng thời gian từ 16 đến 20 tuần tuổi thai, phẫu trường rõ, thao tác dễ dàng và tỷ lệ chuyển dạ sớm giảm (Amant et al., 2010 ; Hoover và Jenkins, 2011).
xử trí và điều trị u buồng trứng
Nếu u buồng trứng phát hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ:
U dự đoán lành tính: chờ chuyển dạ tự nhiên, nhưng lưu ý u buồng trứng có thể trở thành u tiền đạo làm cản trở cuộc sanh, không sinh được phải mổ lấy thai. Trong khi mổ lấy thai, có thể mổ lấy luôn khối u buồng trứng. Nếu u dự đoán ác tính: sử dụng thuốc hỗ trợ phổi cho thai và tiến hành phẫu thuật lấy khối u buồng trứng khi thai đủ trưởng thành, có thể sống, khỏe mạnh sau khi được sinh ra.
Sau sinh có u buồng trứng:
U buồng trứng dễ có biến chứng trong thời kỳ hậu sản, thường phẫu thuật giai đoạn này an toàn cho mẹ và con hơn.
Sau phẫu thuật, Khối u buồng trứng được gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh lý để xác định là khối u lành tính hay ác tính, là loại khối u gì? Từ đó sẽ có hướng tiên lượng và điều trị thích hợp sau khi phẫu thuật.
Bất cứ u buồng trứng thực thể nào cũng có tiềm năng hóa ác tính, là một biến chứng nguy hiểm nhất cho chị em phụ nữ nhất là phụ nữ mang thai có u buồng trứng. Việc phát hịện, chẩn đoán sớm để được điều trị kịp thời là một thách thức cho ngành y tế cũng như trong cộng đồng phụ nữ mang thai.
Việc tầm soát không khó khăn và tương đối đơn giản bằng thăm khám và siêu âm nhưng thường không được chị em phụ nữ nhất là chị em có thai chú ý và quan tâm. Chỉ cần chị em đi đến cơ sở y tế để khám kiểm tra phụ khoa trước khi mang thai và vào 3 tháng đầu của thời kỳ thai nghén là có thể an tâm chăm lo sức khỏe của cả hai mẹ con trong suốt quá trình mang thai 40 tuần lễ.
3. Phòng ngừa u buồng trứng khi mang thai
Cách tốt nhất là trước khi dự định mang thai và sinh nở, phụ nữ nên đi khám phụ khoa, siêu âm, đặc biệt là tử cung và hai buồng trứng. Sau đó, nên đi khám thai trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ để phát hiện u bướu của tử cung hoặc buồng trứng. Vì sau 3 tháng đầu, tử cung sẽ lớn lên theo sự phát triển của thai nhi, u buồng trứng sẽ khó sờ thấy khi khám và khó quan sát bằng máy siêu âm, khả năng bỏ sót sẽ cao hơn. Trong khi đó, biến chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sống còn của cả mẹ và con.