googleb578e89369db4e48.html

Ra máu bất thường giữa chu kỳ kinh - Nguyên nhân do đâu?

10:51 - 19/01/2024 Lượt xem: 420 Tác giả: Thu Hoàng

Một chu kỳ kinh đều đặn với những kỳ hành kinh chuẩn xác là mong muốn của hầu hết phụ nữ. Tuy nhiên những thay đổi bất kỳ liên quan đến kỳ kinh đều có thể báo hiệu những bệnh lý nguy hiểm mà bạn không nên bỏ qua. Đặc biệt là ra máu bất thường giữa chu kỳ, vậy nguyên nhân tại sao gây ra tình trạng này chị em hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!

1. Ra máu bất thường giữa chu kỳ là gì?

Thông thường phụ nữ đến kỳ kinh chảy máu âm đạo bình thường kéo dài từ 5-7 ngày và lặp lại theo chu kỳ thường từ 21-35 ngày. Một số trường hợp không diễn ra theo đúng chu kỳ mà ra bất thường giữa chu kỳ đây là hiện tượng chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt, thậm chí khi đang mang thai. Máu thường có màu đỏ nhạt hoặc nâu sẫm như ở đầu hoặc cuối kỳ kinh, nhưng tùy thuộc vào nguyên nhân mà có thể giống với máu kinh thông thường. Lượng máu có thể đủ nhiều để cần phải sử dụng băng vệ sinh, nhưng cũng đôi khi chỉ là những vết lốm đốm.

Triệu chứng chảy máu bất thường giữa kỳ kinh thường bao gồm những hiện tượng như:

  • Ra máu ít giữa 2 kỳ kinh.
  • Ra máu nhiều trong kỳ kinh đến mức băng vệ sinh ướt sũng.
  • Ra máu âm đạo kéo dài hàng tuần (rong kinh).

ra máu bất thường

2. Nguyên nhân ra máu bất thường giữa chu kỳ kinh

Sử dụng phương pháp tránh thai nội tiết:

Hiện tượng này thường gặp trong vài tháng đầu tiên bắt đầu tránh thai nội tiết, chẳng hạn như dùng viên uống tránh thai kết hợp, thuốc tránh thai chỉ có progestin, miếng dán tránh thai, cấy que, tiêm thuốc tránh thai, hoặc sử dụng vòng tránh thai nội tiết.

Xuất huyết giữa chu kỳ cũng có thể xảy ra khi bạn quên uống viên tránh thai, nôn hoặc tiêu chảy liên tục làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu hormone của cơ thể, hoặc dùng thuốc tránh thai kéo dài để tránh kinh.

Tương tự như vậy, bạn cũng có thể mất cân bằng nội tiết tố do căng thẳng hoặc thay đổi chế độ ăn uống. Điều này khá bình thường và bạn không cần quá lo lắng.

Bên cạnh đó, đối với những bé gái mới bắt đầu có kinh hoặc phụ nữ bước sang thời kỳ mãn kinh thì kinh nguyệt thường không đều. Đôi khi, việc ra kinh sớm có thể khiến bạn dễ nhầm lẫn với hiện tượng ra máu bất thường giữa kỳ kinh.

Xuất huyết bất thường do tránh thai bằng nội tiết tố có thể không nguy hiểm và tự biến mất theo thời gian, nhưng bạn nên thăm khám bác sĩ nếu hiện tượng này kèm theo các triệu chứng bất thường khác như đau bụng, tức ngực, chảy máu nhiều, thay đổi thị lực, hoặc xảy ra nhiều lần trong chu kỳ kinh.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển ở những vị trí bất thường bên ngoài lòng tử cung như ở cơ tử cung, vòi trứng, buồng trứng, phúc mạc chậu, bàng quang, trực tràng, niệu quản… Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên vô sinh ở phụ nữ, với gần 2/5 phụ nữ có lạc nội mạc tử cung không thể có thai tự nhiên.

Nếu bạn gặp các triệu chứng bất thường như đau bụng trước và trong khi hành kinh, đau khi quan hệ tình dục, kinh nguyệt ra nhiều kéo dài… thì nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

ra máu bất thường

Mắc bệnh lây qua đường tình dục hoặc tình trạng viêm nhiễm khác

Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STDs) như chlamydia và bệnh lậu có thể gây chảy máu đột ngột. Đôi khi, nó cũng có nguyên do từ tình trạng viêm nhiễm khác, chẳng hạn như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, bệnh viêm vùng chậu.

Cùng với xuất huyết đột ngột, bạn có thể gặp phải các dấu hiệu như đau hoặc rát vùng chậu, nước tiểu đục, tiết dịch âm đạo bất thường hoặc có mùi hôi. Trong trường hợp này, hãy đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể dẫn đến vô sinh và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Một số nguyên nhân khác

Có khá nhiều nguyên nhân gây xuất huyết bất thường giữa kỳ kinh. Do đó, bên cạnh những nguyên nhân chính kể trên thì bạn cần lưu ý thêm một số nguyên nhân khác, bao gồm polyp phát triển trong lòng tử cung, u xơ tử cung, mang thai ngoài tử cung hoặc xuất huyết do động thai, dọa sẩy thai.

Chấn thương khiến âm đạo bị tổn thương có thể gây chảy máu giữa chu kỳ, đặc biệt là khi quan hệ tình dục. Điều này thường xảy ra đối với phụ nữ đến tuổi tiền mãn kinh bị khô âm đạo.

3. Làm gì để ngăn chặn hiện tượng ra máu bất thường giữa kỳ kinh nguyệt?

Nếu đang ở độ tuổi có sinh hoạt tình dục hoặc đã ngoài 18 tuổi, phụ nữ nên chủ động thăm khám tiểu khung và phết tế bào cổ tử cung (PAP) định kỳ hàng năm. Khi có những dấu hiệu bất thường ra máu không trong kỳ kinh thì người bệnh nên đến các cơ sở chuyên khoa để thăm khám và xác định cụ thể nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra có 2 trường hợp cần đến gặp bác sĩ ngay, đó là:

Máu thấm đẫm băng vệ sinh chỉ trong 1 giờ hoặc ít hơn;

Nghi ngờ có thai và ra máu.

Dựa vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và tiên lượng của từng người mà bác sĩ sẽ đề xuất những phương pháp điều trị khác nhau như:

Điều trị bằng thuốc: sử dụng thuốc uống hoặc các biện pháp tránh thai giúp điều hòa kinh nguyệt, cân bằng nội tiết tố...;

Thực hiện các thủ thuật y khoa: ví dụ như làm thuyên tắc động mạch tử cung, hút và nạo buồng tử cung, phẫu thuật cắt bỏ tử cung...

Nhìn chung, chảy máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt là những tín hiệu mà phụ nữ không nên bỏ qua. Hãy luôn theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và ghi nhận những dấu hiệu bất thường để giúp bạn cung cấp những thông tin kịp thời đến bác sĩ phụ khoa khi cần.

 Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ là địa chỉ khám thai và khám các bệnh phụ khoa uy tín tại Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và thăm khám để các chị em yên tâm về thai kỳ và sức khỏe của mình. Để đặt lịch khám, quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Loạn sản cổ tử cung có thể dẫn đến ung thư không?
Ra máu giữa chu kỳ là dấu hiệu của bệnh gì?
Lạc nội mạc tử cung, phụ nữ còn cơ hội mang thai không?
Cảnh báo nguy cơ ung thư vú từ Liệu pháp thay thế hormone
Cảnh báo tình trạng ung thư vú ở người trẻ tuổi