Ý nghĩa của xét nghiệm đông máu
15:49 - 12/04/2023 Lượt xem: 729 Tác giả: Thanh Nga
Đông máu là sự thay đổi tình trạng vật lý của máu. Xét nghiệm đông máu có vai trò rất quan trọng trong phát hiện, chẩn đoán và xử trí các rối loạn đông cầm máu.
1. Tổng quan về xét nghiệm đông máu
Khi thành mạch bị tổn thương, máu được cầm nhờ chỗ tổn thương được che phủ bởi cục máu đông chứa tiểu cầu và sợi huyết.
Quá trình đông máu huyết tương có thể được phát động bằng hai con đường: nội sinh và ngoại sinh. Kết quả khởi động hai con đường đều tạo ra phức hệ prothrombinase làm nhiệm vụ chuyển prothrombin thành thrombin. Fibrinogen dưới tác động của thrombin sẽ tạo ra lưới fibrin giam giữ tiểu cầu và các thành phần khác của máu tạo nên cục máu ổn định vững chắc có đủ khả năng cầm máu.
Các yếu tố đông máu huyết tương sẽ bị hoạt hóa theo kiểu dây chuyền và được ví như dòng thác.
Xét nghiệm đánh giá con đường đông máu ngoại sinh: PT (Prothrombin Time)
- Kết quả của PT thường được thể hiện ở các dạng:
+ Thời gian: giá trị bình thường khoảng 11-13 giây, kéo dài khi PT bệnh dài hơn PT chứng 3 giây.
+ %: giá trị bình thường khoảng 70-140%, giảm khi <70%.
+ INR: được sử dụng cho những bệnh nhân điều trị kháng vitamin K.
Xét nghiệm đánh giá con đường đông máu nội sinh: APTT (Activated Partial Thromboplastin Time)
- Kết quả của xét nghiệm đông máu APTT thường được thể hiện ở các dạng:
+ Thời gian: bình thường 25-33 giây.
+ Chỉ số (Ratio) APTT bệnh/APTTchứng: bình thường 0,85-1,25; APTT kéo dài khi chỉ số này >1,25.
Xét nghiệm đánh giá con đường chung: TT (Thrombin Time)
- Kết quả của TT thường được thể hiện ở các dạng:
+ Thời gian: bình thường 12-15 giây.
+ Chỉ số (Ratio) TT bệnh/TTchứng: bình thường: 0,80-1,25; TT kéo dài khi chỉ số này >1,25.
Xét nghiệm định lượng Fibrinogen
- Nồng độ fibrinogen bình thường: 2-4 g/l.
2. Chỉ định xét nghiệm đông máu hợp lý
Quy trình chỉ định xét nghiệm đông máu hợp lý bao gồm:
- Thực hiện các xét nghiệm vòng đầu: Bao gồm các xét nghiệm đánh giá con đường đông máu ngoại sinh (Thời gian prothrombin) và nội sinh (Thời gian thromboplastin từng phần hoạt hóa), cũng như đánh giá con đường chung (Thời gian thrombin) và số lượng tiểu cầu.
- Phân tích và đánh giá các kết quả vòng đầu: Dựa trên các trị số là dài, bình thường hay thấp để chẩn đoán bệnh lý hoặc đưa ra chỉ định tiếp tục xét nghiệm vòng 2.
- Thực hiện các thăm dò vòng 2: Chủ yếu nhằm để định lượng yếu tố la mã trong sơ đồ đông máu hoặc đánh giá thời gian máu chảy và một số phát hiện liên quan khác.
- Chẩn đoán rối loạn đông máu: Xác định được loại rối loạn, mức độ rối loạn, phát hiện đặc điểm xuất huyết, bệnh lý kèm theo... Cần phải đánh giá đúng kết quả xét nghiệm đông máu cơ bản để có hướng xử lý tiếp theo phù hợp.
Chỉ định xét nghiệm đông máu hợp lý sẽ cho biết chính xác tình trạng đông máu của người bệnh có hoạt động tốt hay không. Đây là quá trình cần thiết trong trường hợp bệnh nhân cần làm phẫu thuật hoặc cần phải cầm máu.
3. Ý nghĩa xét nghiệm đông máu
Tìm ra nguyên nhân chảy máu bất thường
Nhờ vào các xét nghiệm đông máu, có thể phát hiện hoặc loại trừ nguyên nhân trong trường hợp những bệnh nhân không dùng thuốc chống đông máu, nhưng lại có dấu hiệu hoặc triệu chứng của rối loạn xuất huyết. Một số biểu hiện chảy máu bất thường hay được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm là:
- Chảy máu cam
- Chảy máu nướu răng
- Bầm tím không rõ nguyên do
- Kinh nguyệt ra nhiều hoặc rong kinh
- Tiểu tiện hoặc đại tiện ra máu
- Viêm khớp do xuất huyết trong khớp
- Suy giảm thị lực đột ngột
Lựa chọn phác đồ điều trị dựa trên kết quả
Bước đầu tiên được bác sĩ áp dụng khi gặp các trường hợp trên là thu thập thông tin thăm khám triệu chứng lâm sàng, cũng như khai thác kỹ tiền sử chảy máu bất thường của bệnh nhân và người trong gia đình. Tuy nhiên chỉ căn cứ dựa trên quan sát và lời kể của người bệnh thì chưa đủ để có kết luận chính xác về tình trạng rối loạn đông máu. Do đó chỉ định thực hiện xét nghiệm đông máu và đánh giá kết quả giữ vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán.
Thông qua kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sớm biết được tình trạng cũng như diễn tiến của bệnh lý rối loạn đông máu mà người bệnh đang mắc phải một cách chính xác. Nhờ vậy việc đưa ra phương hướng điều trị cũng phát huy hiệu quả cao hơn, bởi nếu chẩn đoán sai lầm hoặc thiếu sót trong khám chữa bệnh thì sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới bệnh tình của người mắc rối loạn đông máu.
Một số chức năng khác
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm đông - cầm máu trước khi phẫu thuật để giúp đánh giá tình trạng đông máu của bệnh nhân, từ đó đưa ra quyết định có nên tiến hành mổ hay không, hoặc tiên lượng một vài tình huống cần chú ý.
Hơn nữa, xét nghiệm đông máu còn giúp đánh giá mức độ tiến triển của các bệnh lý về gan như xơ gan và suy giảm chức năng gan, những biểu hiện bất thường tại thận, tim, tủy, ... hay một số hội chứng khác liên quan đến rối loạn đông máu.
Xét nghiệm đông máu toàn bộ có thể được thực hiện ở cả người lớn hay trẻ nhỏ, trước khi mổ hay giai đoạn hậu phẫu nếu cần thiết. Chỉ định xét nghiệm đông máu hợp lý cần tuân thủ trình tự các bước với việc đánh giá kết quả xét nghiệm mang tính chuyên môn rất cao. Tìm ra nguyên nhân, thăm dò tình trạng và theo dõi diễn tiến căn bệnh, cũng như chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị chính xác là những ý nghĩa xét nghiệm đông máu mang lại.
Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội … sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch khám thai, khám phụ khoa, siêu âm thai, ổ bụng, xét nghiệm máu quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.