Yếu tố cần theo dõi sát trong một cuộc chuyển dạ
02:12 - 14/08/2020 Lượt xem: 566
Chuyển dạ là một quá trình sinh lý tự nhiên của người phụ nữ khi mang thai, giúp đưa thai và phần phụ của thai ra ngoài tử cung qua đường âm đạo. Đây là một quá trình khá quan trọng trong thời kỳ mang thai nên thai phụ cần phải được theo dõi chặt chẽ […]
Chuyển dạ là một quá trình sinh lý tự nhiên của người phụ nữ khi mang thai, giúp đưa thai và phần phụ của thai ra ngoài tử cung qua đường âm đạo. Đây là một quá trình khá quan trọng trong thời kỳ mang thai nên thai phụ cần phải được theo dõi chặt chẽ tại những cơ sở y tế chuyên môn như theo dõi mạch, theo dõi chỉ số sinh tồn, theo dõi cơn co tử cung…
1. Theo dõi chỉ số sinh tồn
Theo dõi mạch:
Thai phụ cần được bắt mạch 4h/lần trong quá trình chuyển dạ.
Sau sinh, thai phụ cần được đếm mạch ngay lập tức và trong 1 giờ đầu thì đếm mạch 15ph/lần, giờ thứ 2 thì 30ph/lần. Đối với 4 giờ tiếp theo thì đếm mạch 4h/lần.
Mạch bình thường trong khoảng 70-80 lần/ph, mạch nhanh ≥100 lần/ph, mạch chậm ≤60 lần/ph.
Theo dõi huyết áp:
Trong quá trình chuyển dạ, thai phụ cần được đo huyết áp 4h/lần.
Sau sinh, đo huyết áp ngay, sau đó thì 1h/lần trong giờ đầu sau sinh và cần đo huyết áp thường xuyên nếu có vấn đề chảy máu hay mạch nhanh xảy ra sau đó.
Nếu huyết áp tâm thu >140mmHg hay huyết áp tối thiểu >90mmHg hay cả 2 trường hợp này thì thai phụ được chỉ định thuốc hạ huyết áp rồi sẽ chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
Nếu huyết áp <90/60 mmHg thì cần được thực hiện hồi sức, chuyển lên tuyến trên để xử trí.
Cần chú ý đặc biệt đến trường hợp huyết áp cao hay sốc.
Theo dõi thân nhiệt:
Thân nhiệt cần được đo 4h/lần. Nếu nhiệt độ cơ thể ≥38°C thì ở tuyến xã, bệnh nhân cần được hạ nhiệt bằng cách chườm mát, lau người rồi chuyển lên tuyến trên để xử lý.
Chú ý cho thai phụ uống đủ nước.
Quan sát tổng trạng của thai phụ, nếu thai phụ mệt lả người, có dấu hiệu kiệt sức, vật vã hay khó thở thì cần xử trí kịp thời và chuyển lên bệnh viện, cơ sở y tế tuyến trên để tìm nguyên nhân và điều trị.
2. Theo dõi nhịp tim thai
Đối với pha tiềm tàng, cần theo dõi tim thai ít nhất 1h/lần và 30ph/lần đối với pha tích cực. Cần lưu ý nghe tim thai trước, sau khi vỡ ối hoặc bấm ối.
Cần nghe tim thai sau khi cơn co tử cung kết thúc và sau mỗi cơn rặn đẻ.
Đếm nhịp tim của thai nhi trong vòng 1 phút và xem có đều hay không.
Nhịp tim thai trung bình dao động từ 120-160 lần/ph. Nhịp tim thai nếu >160 lần/ph hay <120 lần/ph hoặc có tình trạng rối loạn nhịp tim thì cần phải hồi sức và chuyển lên tuyến trên để tìm nguyên nhân để xử lý.
3. Cơn co tử cung
Đối với cơn co tử cung trong chuyển dạ, thai phụ cần được theo dõi về độ dài của một cơn co tử cung và khoảng cách giữa 2 cơn co tử cung liên tiếp.
Trong giai đoạn tiềm tàng của quá trình chuyển dạ, cần đo 1h/lần trong 10 phút, còn ở pha tích cực thì 30ph/lần trong 10 phút.
Đối với trường hợp tại trạm y tế xã, cơn co tử cung quá ngắn hay quá dài hoặc rối loạn tần số cơn co tử cung thì cần chuyển lên bệnh viện tuyến trên để theo dõi, tìm nguyên nhân và xử lý.
4. Tình trạng ối
Khi khám trong, cần xem xét tình trạng ối mỗi khi thăm âm đạo vào khoảng 4h/lần và lúc vỡ ối.
Trong trường hợp chuyển dạ bình thường, đầu ối thường dẹt, nước ối trong hoặc trắng đục. Nếu nước ối màu xanh, đỏ hay đen, có mùi hôi, đa ối hoặc thiểu ối thì cần phải tìm nguyên nhân để xử lý.
Trường hợp ối vỡ non, ối vỡ sớm hơn 6 giờ chưa đẻ, cần cho thai phụ sử dụng kháng sinh và tìm nguyên nhân xử lý.
5. Theo dõi độ tiến triển của ngôi thai
Phương pháp để đánh giá tình trạng này là nắn ngoài thành bụng và khám trong bằng tay. Có 4 mức độ là:
- Đầu cao lòng
- Đầu chúc
- Đầu chặt
- Đầu lọt, đầu lọt gồm 3 mức nhỏ là: lọt cao, lọt trung bình và lọt thấp.
Cần theo dõi độ lọt để phát hiện chuyển dạ đình trệ.
Khi ngôi thai không có sự tiến triển thì cân nhắc phẫu thuật.
6. Theo dõi mức độ xóa, mở cổ tử cung
Cần thăm khám âm đạo của thai phụ 4h/lần, lúc ố vỡ và lúc cho thai phụ rặn đẻ. Nếu chuyển dạ tiến triển nhanh thì thăm khám âm đạo để khảo sát vùng cổ tử cung, độ lọt của ngôi thai để có hướng xử lý phù hợp. Khi thăm khám âm đạo cần chú ý đến vấn đề nhiễm khuẩn và hạn chế thăm khám tối thiểu để không gặp phải tình trạng nhiễm khuẩn này.
Pha tiềm tàng thì cổ tử cung xóa mở đến 3cm, kéo dài khoảng 8 giờ.
Pha tích cực cổ tử cung mở từ 3-10cm, kéo dài khoảng 7 giờ.
Cổ tử cung trong tình trạng bình thường thì mềm, mỏng, không có hiện tượng phù nề. Ngược lại, nếu không có sự tiến triển của cổ tử cung, hay có tình trạng phù nề, đường biểu diễn cổ tử cung trên biểu đồ chuyển dạ chuyển từ trái sang phải đường báo động, cổ tử cung mở 10cm nhưng đầu chưa lọt thì cần xem xét chỉ định phẫu thuật mổ lấy thai.
Để cập nhật những kiến thức về thai sản, phụ khoa và các kiến thức sau sinh, bạn có thể truy cập website: SAN43NGUYENKHANG.VN. Để đặt lịch khám phụ khoa tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, bạn có thể truy cập website: DK.SAN43NGUYENKHANG.VN; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn