Yếu tố khởi phát cơn hen và cách phòng ngừa
09:22 - 25/03/2020 Lượt xem: 477
Bệnh hen phế quản có thể xuất hiện ở bất kỳ ai mà không có nguyên nhân cụ thể nào, nhưng có rất nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Phòng tránh các yếu tố nguy cơ của bệnh rất cần thiết trong việc ngăn ngừa các triệu chứng hen phế quản […]
Bệnh hen phế quản có thể xuất hiện ở bất kỳ ai mà không có nguyên nhân cụ thể nào, nhưng có rất nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Phòng tránh các yếu tố nguy cơ của bệnh rất cần thiết trong việc ngăn ngừa các triệu chứng hen phế quản bùng phát.
1. Hen phế quản là gì?
Hen phế quản là một căn bệnh mãn tính của hệ hô hấp. Khi xuất hiện cơn hen, lớp niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng lên, viêm nhiễm và dễ bị kích ứng. Sự co thắt và viêm nhiễm sẽ làm các đường dẫn khí thu hẹp lại, từ đó giảm lưu lượng không khí ra vào phổi. Khi tình trạng phù nề trở nên nghiêm trọng, đường dẫn khí sẽ ngày càng thu hẹp vào. Lúc này người bệnh sẽ phải đối diện với tình trạng khò khè và khó thở vô cùng khó chịu.
Bệnh hen phế quản thường không thể chữa khỏi, nhưng triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát bởi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân và tránh các yếu tố khởi phát cơn hen
2. Dị nguyên và yếu tố khởi phát cơn hen khác nhau ở điểm nào?
Tất cả dị nguyên đều là yếu tố khởi phát nhưng không phải mọi yếu tố khởi phát đều là dị nguyên.
Yếu tố khởi phát là những yếu tố có khả năng gây ra cơn hen phế quản. Ví dụ như không khí lanh, gắng sức, nhiễm virut đường hô hấp.
Dị nguyên là một loại hay một nhóm tác nhân đặc biệt gây ra hen dị ứng. Ví dụ lông mèo, phấn hoa, mạt bụi nhà…
Phản ứng dị ứng được mô tả là một đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các tác nhân của môi trường bên ngoài trong đó chính những đáp ứng miễn dịch này gây nguy hại cho cơ thể.
Có một mối tương quan chặt chẽ giữa hen phế quản và dị ứng. Để các dị nguyên đặc hiệu gây ra cơn hen phế quản phải có sự tiếp xúc với các dị nguyên.
3. Các yếu tố khởi phát cơn hen phế quản
Các yếu tố khởi phát cơn hen là những yếu tố gây ra các triệu chứng của hen phế quản hoặc cơn hen do các chất kích thích đường thở làm nặng thêm tình trạng viêm đường thở.
Một số yếu tố sau gây khởi phát cơn hen:
- Nhiễm trùng thường là do virut ( virut cúm, cảm lạnh…)
- Dị nguyên: Mạt bụi nhà, vật nuôi hoặc phấn hoa
- Gắng sức đặc biệt trong thời tiết lạnh
- Sự xúc cảm: Ví dụ quá vui, quá sợ hãi, quá giận dữ
- Tác nhân gây kích thích: Ô nhiễm môi trường…
- Thay đổi thời tiết, hút thuốc, thời tiết, chất phụ gia…
Các chất hóa học hoặc kích thích nào khác có thể khởi phát cơn hen?
- Khói thuốc lá
- Chất thải dầu Diesel
- Nước hoa hoặc dầu thơm có mùi khó chịu
- Đồ dùng xịt trong nhà
- Bụi hạt ngũ cốc hoặc hạt mỳ
- Mùn cưa
Thuốc có thể làm khởi phát cơn hen
Một số loại thuốc có thể gây khởi phát cơn hen. Vì vậy trước khi dùng thuốc phải kiểm tra. Nếu như triệu chứng hen của bạn nặng lên sau khi dùng thuốc, báo lại với bác sĩ ngay.
- Aspirin( acid acetylsalicylat) và một số thuốc chống viêm giảm đau không steroid khác.
- Thuốc chẹn Beta giao cảm, dùng điều trị tăng huyết áp, bệnh tim, đau nửa đầu…
Không phải tất cả bệnh nhân đều phản ứng với Aspirin( acid acetylsalicylat) và một số thuốc chống viêm giảm đau không steroid vì vậy một vài bệnh nhân vẫn sử dụng được thuốc này.
Tiền sử gia đình
Nếu bố hay mẹ mắc bệnh hen phế quản thì nguy cơ của hen phế quản ở bạn cao gấp 3 đến 6 lần so với người bình thường. Thực tế, 3/5 bệnh nhân hen phế quản đều do di truyền.
Ngoài việc cẩn trọng trước các yếu tố nguy cơ bạn nên thăm khám bác sĩ thường xuyên để được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời. Tùy vào tình trạng của mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị thích hợp.
4. Các biện pháp phòng ngừa hen phế quản
Nguyên tắc trong điều trị và phòng ngừa bệnh hen suyễn là cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, bệnh hen suyễn không thể chữa dứt điểm được. Tuy vậy việc phát hiện và điều trị bệnh hen suyễn càng sớm ở giai đoạn đầu sẽ kiểm soát được bệnh và không làm bệnh phát triển nặng thêm. Dưới đây là một số cách để hạn chế tối đa những triệu chứng mà bệnh gây ra:
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ:
Bệnh hen suyễn có thể khởi phát bởi một số loại thuốc như aspirin, thuốc giảm đau không steroid như ibuprofen, naproxen,… thậm chí cả thuốc nhỏ mắt nếu người bệnh không sử dụng đúng cách và theo hướng dẫn của bác sĩ. Vì vậy khi dùng thuốc để điều trị đối với bất kỳ một bệnh lý nào người bệnh cũng cần tuân thủ đúng phác đồ mà bác sĩ đưa ra. Tuyệt đối tránh việc tự ý mua thuốc, sử dụng sai thời gian hoặc sai liều dùng.
Tránh tiếp xúc với lông của vật nuôi: Nếu nằm trong đối tượng dễ mắc bệnh hen phế quản thì bạn tốt nhất nên tránh tiếp xúc với lông của các loại thú cưng như chó, mèo, chim cảnh…
Tránh gặp các tác nhân gây hen suyễn:
Các tác nhân thường gặp gây ra bệnh hen suyễn bao gồm: vật nuôi, mạt nhà, gián, cây trồng và phấn hoa, ẩm mốc, khói thuốc, hóa chất, một số loại thức ăn.
Đeo khẩu trang khi ra đường: Không khí hiện nay rất ô nhiễm. Do đó nếu muốn tránh xa các thành phần khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất độc hại trong không khí thì bạn cần sử dụng khẩu trang mỗi khi ra đường.
Kiêng ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng: Tôm, cua, đồ chiên nướng, rượu bia… thuộc nhóm dễ gây dị ứng. Những người có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn nên thận trọng khi sử dụng các loại thức ăn này.
Dọn dẹp nhà cửa đều đặn: Thường xuyên lau dọn nhà cửa, hút bụi bẩn; giặt giũ chăn, ga, gối, đệm để tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Đây là một trong những cách loại bỏ tác nhân gây nên hen suyễn đơn giản, dễ thực hiện.
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh:
Không khí lạnh là một trong những tác nhân dễ gây ra những đợt hen suyễn cấp và các bệnh đường hô hấp khác. Do đó, vào lúc thời tiết giao mùa hay trở lạnh, bạn hãy giữ ấm cơ thể bằng cách chuẩn bị cho mình những chiếc găng tay, tất, khăn, mũ, áo khoác dày để bảo vệ cơ thể.
Tập thể dục hợp lý và sử dụng các thực phẩm để tăng sức đề kháng:
Để sở hữu cơ thể khỏe mạnh, bạn cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và khoa học. Thực đơn hàng ngày cần bảo đảm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết như đạm, chất béo, chất xơ,…
Ngoài ra bạn có thể bổ sung thêm các thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, chanh,…
Rèn luyện thể dục thường xuyên cũng là cách phòng ngừa bệnh hen suyễn rất tốt. Khi tập thể dục, ngoài các cơ thì phổi sẽ được gia tăng sức mạnh, ngăn ngừa những cơn hen suyễn xảy ra. Tuy nhiên bạn cần tránh tập luyện lâu ngoài trời lạnh hoặc tập quá sức bản thân.
Thực hiện tầm soát hen và COPD:
Cách tốt nhất để chẩn đoán chính xác bệnh hen suyễn là thực hiện tầm soát hen và COPD. Khi thực hiện tầm soát bạn sẽ được chỉ định khám lâm sàng chuyên khoa hô hấp; chẩn đoán hình ảnh qua chụp X-Quang phổi, xét nghiệm công thức máu,… để kiểm tra tình trạng hệ hô hấp.
Bệnh hen suyễn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp và mọi quốc gia. Bệnh gây ra rất nhiều hạn chế trong sinh hoạt hàng ngày và có thể nguy hiểm tính mạng người bệnh nếu không được kiểm soát tốt. Vì vậy việc giữ cơ thể khỏe mạnh, tránh các nhân gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp và chủ động tầm soát là những việc cần thiết để phòng tránh bệnh.
Việc kiểm soát hen tốt sẽ giúp bệnh nhân giảm cơn HPQ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Để được tư vấn thêm quý khách vui lòng liên hệ với phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang qua Zalo: 0342.318.318 hoặc đặt lịch khám bác sĩ qua Website: DK.SAN43NGUYENKHANG.VN để được giải đáp.