Cách nhận biết và xử lí trẻ bị dị ứng đạm sữa bò

15:04 - 12/10/2022 Lượt xem: 487

Tình trạng trẻ dị ứng đạm sữa bò ở Việt Nam khá phổ biến. Phản ứng với đạm sữa bò còn có thể xuất hiện muộn với các triệu chứng lâm sàng không điển hình nên dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác (như bất dung nạp đường Lactose).

1. Dị ứng đạm sữa bò là gì?

Dị ứng đạm sữa bò là hiện tượng xảy ra khi hệ miễn dịch của trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh có những phản ứng quá nhạy cảm với thành phần đạm có trong sữa bò. Đây là hiện tượng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì sữa bò là loại thực phẩm có chứa đạm lạ đầu tiên mà nhóm trẻ này phải hấp thụ với một lượng lớn, nhất là những trẻ đã từng uống sữa bột trước đó.

Khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc phải chứng dị ứng đạm sữa bò, hệ miễn dịch của trẻ sẽ nhận diện sai lầm đạm trong sữa bò là chất có hại và sẽ có những phản ứng lại với những loại đạm này, gây ra những dấu hiệu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò. Dị ứng đạm sữa bò thường xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi trẻ sử dụng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa và tình trạng này hầu hết sẽ chấm dứt trước khi trẻ lên 3 tuổi.

2. Nguyên nhân trẻ dị ứng đạm sữa bò

Như đã nói ở trên, tình trạng dị ứng đạm sữa bò xảy ra khi hệ thống miễn dịch trong cơ thể trẻ cho rằng các thành phần protein trong sữa bò là có hại cho cơ thể, khiến cơ thể tự động sản xuất ra các kháng thể miễn dịch IgE làm trung hòa các protein (chất gây dị ứng) này. Có 2 loại protein chính trong sữa có thể gây ra phản ứng dị ứng:

  • Casein: có trong phần rắn của sữa đông vón lại
  • Whey: có trong phần lỏng còn lại của sữa sau khi sữa đông vón lại

Ở những lần tiếp xúc với đạm sữa bò tiếp theo, kháng thể IgE trong cơ thể trẻ nhận ra chúng và báo cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây dị ứng khác, dẫn tới một loạt các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng ở trẻ như chảy nước mũi, ngứa mắt, khô họng, nổi mề đay phát ban, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí sốc phản vệ...

Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò rất có khả năng mắc một số bệnh lý dị ứng khác như dị ứng với thực phẩm (thịt bò, trứng, đậu phộng, …), viêm da cơ địa, hen và viêm mũi dị ứng. Bên cạnh đó, dị ứng đạm sữa bò có tính chất di truyền, bé bú mẹ bị dị ứng đạm sữa bò hoặc bé có cha mẹ có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, hen, viêm mũi dị ứng,… thường có nguy cơ mắc dị ứng đạm sữa bò cao hơn những trẻ khác.

3. Cách nhận biết trẻ dị ứng đạm sữa bò

Để nhận biết chính xác dị ứng đạm sữa bò khá khó khăn vì các triệu chứng lâm sàng rất đa dạng. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ uống sữa (trong vòng 2 giờ) gọi là phản ứng dị ứng nhanh, hoặc muộn hơn (trên 48 giờ) được gọi là phản ứng dị ứng chậm.

Phản ứng dị ứng nhanh

Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò loại phản ứng nhanh thường có các biểu hiện như:

  • Da nổi mẩn đỏ: Nổi mẩn đỏ là biểu hiện thường gặp ở các loại dị ứng. Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ cũng có những vết mẩn đỏ làm da bé như bị bỏng hay phát ban, điều đó chứng tỏ hệ miễn dịch của bé đang phản kháng lại các thành phần trong sữa.
  • Vấn đề về hô hấp: Trẻ có những biểu hiện như thở khò khè, khó thở, có đờm trong mũi và cổ họng thì có thể đây là dấu hiệu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò.

Phản ứng dị ứng chậm

Các triệu chứng bị dị ứng đạm sữa bò lúc này thường không rõ ràng, cha mẹ cần theo dõi kỹ để có hướng điều trị kịp thời.

  • Trẻ quấy khóc: Việc quấy khóc ở trẻ là bình thường nhưng nếu trẻ quấy khóc kéo dài, đó có thể là bé đang dị đau bao tử do dị ứng đạm sữa bò.
  • Tiêu chảy: Đây cũng là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài đến 5-7 lần/ngày và trong phân có máu thì có thể trẻ bị dị ứng đạm sữa bò.
  • Nôn trớ: Khi cơ thể trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, trẻ sẽ rất dễ gặp phải triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
  • Chậm lớn: Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thường đi ngoài nhiều lần, lười ăn, quấy khóc,… đồng nghĩa với cảm giác ngon miệng khi ăn uống cũng giảm, trẻ hấp thu dưỡng chất từ bữa ăn kém, thiếu hụt dinh dưỡng khiến trẻ bị sụt cân, chậm lớn.

4. Cách xử trí tình huống trẻ dị ứng đạm sữa bò

Đối với trẻ <12 tháng tuổi: Ở độ tuổi này thức ăn của trẻ chủ yếu là sữa và cũng là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Cách duy nhất để xử trí dị ứng đạm sữa bò là để trẻ tránh hoàn toàn sữa bò và những chế phẩm từ sữa bò khỏi chế độ ăn.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp không có sữa mẹ thì có thể cho trẻ sử dụng sữa công thức chứa đạm thủy phân tích cực từ 2 - 4 tuần. Sau thời gian trên nếu tình hình dị ứng được cải thiện thì cho trẻ thử lại sữa công thức thông thường từ đạm sữa bò. Nếu lại xuất hiện triệu chứng dị ứng sữa bò thì tiếp tục duy trì công thức sữa thủy phân toàn phần ít nhất từ 6 tháng - 12 tháng. Đây là loại sữa đã được kiểm nghiệm lâm sàng về độ an toàn, mức độ dinh dưỡng và được đề nghị sử dụng trong điều trị dị ứng đạm sữa bò trong thời gian dài.

Sữa công thức chứa đạm thủy phân tích cực chứa đủ hàm lượng DHA (17mg/100kcal) và ARA (34mg/100kcal) cần thiết cho sự phát triển của não bộ, thị lực và hệ miễn dịch của trẻ.

Một điểm đáng lưu ý là tình trạng dị ứng đạm sữa bò chỉ mang tính chất tạm thời và hầu hết sẽ khỏi khi trẻ từ 1 đến 4 tuổi. Khi trẻ được 1 tuổi hoặc tùy vào tình trạng của trẻ, có thể cân nhắc dùng lại các sản phẩm dinh dưỡng chứa đạm sữa bò nguyên vẹn. Nếu không thấy phản ứng nào xảy ra, trẻ có thể bắt đầu lại chế độ ăn bình thường với sữa bò và những chế phẩm từ sữa.

5. Phòng tránh dị ứng đạm sữa bò ở trẻ

Cách tốt nhất để phòng ngừa dị ứng đạm sữa bò ở trẻ là nuôi con bằng sữa mẹ. Sữa mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng và bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị dị ứng thức ăn. Ngoài ra sữa mẹ còn có những thành phần bảo vệ cho hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ trước các chất lạ như đạm có nguồn gốc từ thực phẩm. Nếu không may gia đình không có lựa chọn hoặc không có khả năng nuôi con bằng sữa mẹ, và trẻ cũng thuộc nhóm có cơ địa dị ứng thì cha mẹ nên sử dụng sữa công thức đạm thủy phân tích cực để hạn chế tối đa khả năng gây dị ứng cho trẻ.

Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

3 tháng đầu thai kỳ mẹ bầu nên và không nên ăn gì
Những lý do khiến trẻ sơ sinh ngủ ít mẹ nên lưu tâm
Thời điểm nào nên xét nghiệm vi chất cho bé?
Siro Hỗ Trợ Tăng Đề Kháng High Potency Zinc Gluconate
Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ thiếu máu.