Trẻ bị sốt có nên tắm không

10:02 - 06/04/2022 Lượt xem: 459 Tác giả: Kim Ngân

Việc tắm cho trẻ bị sốt là một trong những cách giúp trẻ mau hạ thân nhiệt. Khi cơ thể trẻ sạch sẽ, thoải mái thì bệnh tình của trẻ sẽ mau khỏi. 

1. Nguyên nhân trẻ bị sốt

Hầu hết sốt là do nhiễm trùng hoặc các bệnh lý khác. Nhiệt độ cơ thể cao là phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh như vi rút, vi khuẩn… Các nguyên nhân gây sốt thường gặp là:

  • Các bệnh viêm đường hô hấp trên.
  • Sốt mọc răng.
  • Cúm, viêm tai, viêm amidan.
  • Sốt phát ban, sốt do cảm lạnh.
  • Các bệnh thông thường ở trẻ chẳng hạn như bệnh thủy đậu hoặc ho gà.
  • Nhiệt độ cơ thể trẻ cũng có thể tăng sau khi tiêm chủng hoặc trẻ quá nóng do mặc nhiều lớp quần áo.

2. Biểu hiện của trẻ khi bị sốt

Thân nhiệt của trẻ cao hơn bình thường (Nhiệt độ > 38 độ C đo ở hậu môn hoặc nhiệt độ > 37,5 độ C đo ở nách).

Sốt thường xuất hiện kèm theo các triệu chứng liên quan như cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém. Trẻ hay quấy khóc, dễ nổi cáu, ngủ lơ mơ hoảng hốt.

Phát ban đỏ quanh cơ thể (trong trường hợp nhiễm virus sốt phát ban).

3. Trẻ bị sốt có nên tắm không?

Trẻ bị sốt có nên tắm không?

Trẻ bị sốt, cơ thể sẽ tiết ra rất nhiều mồ hôi. Việc tắm cho trẻ sơ sinh khi bị sốt là một trong những cách giúp trẻ mau hạ thân nhiệt. Khi cơ thể trẻ sạch sẽ, thoải mái thì bệnh tình sẽ mau khỏi.

Đặc biệt các trẻ có bệnh lý nhiễm trùng trên da như thủy đậu, tay chân miệng, mụn nhọt không được kiêng nước, cần tắm – vệ sinh da sạch sẽ, chỉ cần tránh gây trầy xước tổn thương thêm. Việc tắm sạch ở các trẻ bệnh này giúp trẻ thoải mái hơn, đỡ ngứa tránh gãi nhiều gây trầy xước da nặng hơn, đỡ lây truyền bệnh hoặc các biến chứng da nặng hơn.

Chú ý: Nếu trẻ sốt quá cao, không nên tắm cho trẻ và chỉ được tắm khi trẻ đỡ sốt sau 48 giờ. Bởi vì khi trẻ sốt quá cao có thể dẫn tới co giật. Ngoài ra, sốt quá cao sẽ khiến hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm. Nếu tắm ngay khi thân nhiệt của trẻ cao sẽ làm tăng nguy cơ bị sốt phát ban.

4. Những trường hợp không nên tắm cho trẻ bị sốt

  • Khi trẻ vừa tiêm phòng xong.
  • Khi trẻ vừa ăn no xong.
  • Cơ thể trẻ bị tổn thương, chốc lở.
  • Khi trẻ đang bị cảm lạnh, nôn nhiều, tiêu chảy.
  • Trẻ đang cơn rét run.

5. Hướng dẫn cách tắm cho trẻ khi trẻ bị sốt

Trẻ bị sốt có nên tắm không?

Việc tắm cho trẻ bị sốt sẽ đòi hỏi mẹ phải cẩn thận hơn trong quy trình và luôn phải quan sát, lưu ý đến các biểu hiện của trẻ.

  • Chuẩn bị khăn tắm, áo quần và những vật dụng khác
  • Đóng tất cả các cửa lại, tránh để gió lùa vào phòng tắm
  • Chuẩn bị nước tắm và sữa tắm cho trẻ. Nhiệt độ nước nên thấp hơn 2 độ C so với thân nhiệt của trẻ
  • Tiến hành tắm cho trẻ trong nước ấm trong khoảng 5 – 10 phút và đảm bảo nước không bị lạnh
  • Vệ sinh vùng đầu: Mẹ cần gội đầu thật nhanh cho trẻ. Lấy khăn mềm lau vùng mặt, má, cổ, tai, gáy. Cuối cùng lấy khăn sạch lau khô vùng đầu của trẻ.
  • Vệ sinh vùng thân: Trẻ sơ sinh bị sốt ra nhiều mồ hôi, nếu không được tắm rửa cẩn thận thì rất dễ bị mắc các bệnh ngoài da do vi khuẩn tích tụ gây hại. Khi tắm, mẹ có thể cho trẻ ngồi trong chậu hoặc trong bồn tắm, sử dụng vòi hoa sen để dội nước lên cơ thể trẻ.
  • Sau khi tắm mẹ lấy nước ấm dội nhẹ lên người con để loại bỏ tất cả bọt bám trên cơ thể con. Cuối cùng mẹ lấy khăn choàng lau khô người trẻ trước khi cho con mặc quần áo.
  • Cuối cùng, mặc đồ thông thoáng, rộng rãi cho trẻ.

Lưu ý:

  • Lưu ý các biểu hiện của trẻ: Nếu trẻ rùng mình, mẹ hãy đưa trẻ ra ngoài ngay lập tức và dùng khăn lau nước trên cơ thể trẻ.
  • Thời gian tắm cho trẻ khi bị sốt không nên quá lâu, tắm cho trẻ từ đầu trở xuống trong khoảng 5 phút.
  • Nếu vào mùa đông thì thời gian thích hợp tắm cho trẻ bị sốt vào buổi sáng là 9 - 11h, buổi chiều từ 15 - 17h. Nếu vào mùa hè, thời gian tắm cho trẻ vào buổi sáng là 8 - 10h, buổi chiều 16 - 18h.
  • Sau khi trẻ tắm xong, mẹ cần bổ sung nhiều nước cho trẻ để trẻ bù lượng nước trẻ mất đi trong quá trình bị sốt. Song song với việc tắm cho trẻ thì mẹ cũng cần tiến hành cho con uống thuốc hạ sốt. Lưu ý thuốc này phải do bác sĩ kê, có hướng dẫn sử dụng, liều lượng cụ thể.

Ngoài tắm rửa ra, khi trẻ sốt cần cho trẻ nghỉ ngơi, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, hãy bổ sung nhiều nước cho trẻ để bù lại lượng nước cho trẻ trong lúc sốt. Với các bé đã lớn, bố mẹ nên cho bé ăn đồ lỏng, mát, cho uống thêm nước trắng hoặc các nước hoa quả như nước cam, nước dừa… để giúp trẻ mau khỏi bệnh. Nếu đã sử dụng phương pháp dùng thuốc, tắm rửa nhưng trẻ vẫn không đỡ thì bố mẹ nên cho bé đi khám để các bác sĩ đề ra phương pháp điều trị phù hợp.

Tham khảo bài viết: Viêm phế quản phổi ở trẻ

Bài viết liên quan

Thời điểm nào nên xét nghiệm vi chất cho bé?
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa còi xương ở trẻ
Grow baby dạng xịt - Hỗ trợ phát triển chiều cao và trí não cho trẻ
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm miệng
Một số triệu chứng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh