googleb578e89369db4e48.html

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em

09:52 - 18/05/2022 Lượt xem: 280 Tác giả: Lê Huyền Trang

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

bệnh tay chân miệng là gì

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng.

Bệnh tay chân miệng phần lớn ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi và thường gặp nhất là ở lứa tuổi dưới 5. Trẻ em ở nhà trẻ, mẫu giáo, nơi tập trung nhiều trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng bởi các cơn bùng phát dịch bệnh tay chân miệng lây qua tiếp xúc từ người sang người, và trẻ còn nhỏ nên sẽ là đối tượng dễ bị lây bệnh nhất. Trẻ em khi lớn lên thường miễn dịch với bệnh tay chân miệng vì các kháng thể được hình thành sau khi phơi nhiễm với virus gây bệnh. Tuy nhiên, vẫn có khả năng thanh thiếu niên và người lớn cũng bị mắc bệnh này.

Bệnh tay chân miệng do các loại virus thuộc họ virus đường tiêu hóa (gọi chung là Enterovirus) gây ra. Tác nhân thường gặp nhất là virus Coxsackie A16, trong khi enterovirus 71 (EV71) thì ít gặp hơn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh tay chân miệng là như nhau bất kể loại virus gây bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm loại EV71 có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong như biến chứng viêm màng não do virus, biến chứng viêm não hoặc tổn thương cơ tim.

2. Dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng.

Giai đoạn 1: Được xem là giai đoạn ủ bệnh, thường khó nhận biết vì trẻ không có những biểu hiện cụ thể. Thời gian này diễn ra từ 3-7 ngày.

Giai đoạn 2: Được xem là giai đoạn khởi phát, diễn ra từ 1- 2 ngày tiếp theo, khi đó trẻ đã có những biểu hiện cụ thể như sốt nhẹ, đau họng, biếng ăn, quấy khóc…Nếu trẻ sốt cao liên tục hoặc sốt kéo dài trên 2 ngày, rất có thể là dấu hiệu của biến chứng viêm não ở trẻ.

Giai đoạn 3: Được xem là giai đoạn toàn phát kéo dài từ 3 – 10 ngày, kèm theo những triệu chứng rõ ràng hơn. Những biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ bị tay chân miệng là lở loét miệng và phát ban dạng sẩn hồng ban phỏng nước.

  • Lở loét miệng: Một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, trẻ sẽ xuất hiện những nốt ban như những chấm đỏ nhỏ ở phía trong miệng, trên đầu lưỡi, hay vòm miệng… Các nốt ban nhanh chóng trở thành bóng nước (2-3mm) và loét ra gây đau khi nuốt, chảy nước dãi nhiều hơn bình thường và khiến trẻ biếng ăn.
  • Phát ban trên da: Xuất hiện những chấm tròn đỏ phẳng hoặc gồ trên mặt da tập trung chủ yếu  ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, và mông. Đặc điểm của các sang thương da này là thường không ngứa, không đau và đa số không để lại sẹo khi lành.
  • Các biến chứng về hô hấp, thần kinh, tim mạch thường xuất hiện vào ngày thứ 2 -5 của giai đoạn này.

Giai đoạn 4: Đây được xem là thời gian lui bệnh (thường vào ngày thứ 7 từ lúc khởi bệnh), trẻ sẽ dần khỏe mạnh và phục hồi nếu không có những biến chứng nguy hiểm.

Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5oC - 38oC. Tuy nhiên có những trẻ bị sốt cao trên 39oC liên tục là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị bệnh tay chân miệng đã nghiêm trọng cần nhập viện để điều trị tốt hơn.

3. Phòng bệnh tay chân miệng

phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Nếu ở trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành bằng các biện pháp như:

  • Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết
  • Cách ly trẻ bệnh tại nhà: Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh
  • Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch, nếu nghi ngờ bệnh cần được cách ly
  • Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân tránh bội nhiễm
  • Vệ sinh môi trường sống: Lau phòng ở của bệnh nhân, khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%.
  • Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.
  • Người nhà hay nhân viên y tế cần rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt, sau thăm khám...

4. Điều trị tay chân miệng.

Hiện tại không có điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày.

  • Chế độ ăn uống: tránh cho trẻ ăn đồ chua, thức ăn mặn hoặc cay. Đồng thời nên tránh những thực phẩm cần nhai nhiều. Đổi sang dùng thức ăn mềm nhẹ trong vài ngày và khuyến khích trẻ uống thật nhiều nước. Nên dùng đồ uống nguội mát, sữa chua, các món tráng miệng, bánh pudding. Cho trẻ súc miệng bằng nước sạch sau mỗi bữa ăn.
  • Điều trị tại nhà: theo hướng giảm triệu chứng sốt, đau miệng và đau họng. Không chỉ định thuốc kháng sinh cho bệnh nhiễm virus này. Thuốc Ibuprofen và Paracetamol có thể sử dụng khi trẻ sốt hơn 38°C.
  • Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng.

Phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc điều trị được thuận lợi, trẻ bệnh được chăm sóc và theo dõi sát, hạn chế những rủi ro có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ nếu phát hiện và điều trị quá trễ.

Bài viết liên quan

Thời điểm nào nên xét nghiệm vi chất cho bé?
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa còi xương ở trẻ
Grow baby dạng xịt - Hỗ trợ phát triển chiều cao và trí não cho trẻ
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm miệng
Một số triệu chứng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh