Các vấn đề thường gặp khi mang thai và cách khắc phục
01:19 - 19/03/2021 Lượt xem: 390
Trong thời gian mang thai, sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, rất dễ mắc một số bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Dưới đây là một số vấn đề thường gặp khi mang thai mẹ bầu cần lưu ý.
1. Ốm nghén
Hơn 60% thai phụ bị ốm nghén, bất kể ngày đêm, cảm giác muốn nôn này không hề hiếm thấy. Ốm nghén khác nhau ở mỗi người; một số chỉ cảm thấy muốn nôn và số khác thì nôn thật.
Hầu hết phụ nữ sẽ trải nghiệm dấu ấn khó quên này trong quý đầu thai kỳ; nhưng cũng có 1 số ít sẽ bị nghén trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ ốm nghén nhiều thì em bé có chỉ số IQ cao hơn.
– Cách giảm và tránh ốm nghén
- Ăn thực phẩm giàu đạm: Đạm giúp giảm triệu chứng ốm nghén
- Các sản phẩm có chứa gừng được chứng minh lâm sàng giúp giảm ốm nghén và an toàn cho cả mẹ và bé. Cho dù giọt uống gừng, rượu gừng, viên nang gừng hoặc trà gừng, gừng đều có tác dụng.
- Uống vitamin B6 hàng ngày
- Uống nhiều nước
- Đừng bật dậy khỏi giường quá nhanh vào buổi sáng. Ngồi dậy quá nhanh có thể gây mất cân bằng cơ thể.
2. Táo bón
Trong thời kì mang thai, chị em ít vận động; nồng độ hormone progesteron trong máu tăng lên làm giảm nhu động ruột; thai phát triển gây chèn ép đại tràng khiến phân chậm di chuyển. Những chất bổ dưỡng, các loại thuốc và thực phẩm chứa sắt thường gây nóng cho cơ thể. Đây chính là nguyên nhân hơn 50% thai phụ thường gặp rắc rối với vấn đề đại tiện, chủ yếu là táo bón.
– Cách khắc phục
- Tăng cường chất xơ. Thực phẩm tốt bao gồm đậu Hà Lan, đậu đen, đậu lăng; hạnh nhân, bơ, quả mọng, bánh nướng xốp yến mạch, bột yến mạch,….
- Uống ít nhất 08 ly nước mỗi ngày
- Uống lợi khuẩn an toàn cho phụ nữ mang thai để giúp duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
- Tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp ruột nhu động và hệ tiêu hóa hoạt động thường xuyên.
- Uống vitamin cho thai phụ với chất sắt nhẹ đặc biệt để giảm tình trạng táo bón.
3. Thiếu máu
Nhu cầu sắt tăng cao ở phụ nữ có thai là nguyên nhân chính gây ra thiếu máu. Thiếu máu ở phụ nữ khi mang thai nếu nhẹ thì không có vấn đề gì nhưng nặng sẽ đặc biệt nguy hiểm vì có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản… Ngoài ra, nếu có xuất huyết hậu sản sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người mẹ.
Mẹ thiếu máu dễ sinh con thiếu máu, nhẹ cân, sinh non tháng; suy thai và tăng khả năng bị các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Đặc biệt, con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm thai kỳ còn có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác.
Để dự phòng thiếu sắt, phụ nữ mang thai nên chú ý tăng cường sắt từ những thực phẩm có màu đỏ, cá, trứng, rau có màu xanh đậm hoặc các chế phẩm bổ sung sắt vào cơ thể.
4. Cảm cúm
Cúm là một trong số những vấn đề thường gặp khi mang thai của mẹ bầu. Do sức đề kháng của phụ nữ mang thai thường giảm nên dễ bị nhiễm siêu vi gây bệnh cảm cúm. Phụ nữ mang thai nếu bị cảm cúm nên ăn nhiều tỏi; uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh để nâng cao hệ miễn dịch. Đặc biệt không được uống thuốc cảm cúm bừa bãi mà không có sự chỉ định từ bác sĩ. Bởi một trong những nguyên nhân dẫn đến dị tật bẩm sinh ở trẻ là do uống thuốc cảm cúm khi mang thai.
5. Mất ngủ
Thuật ngữ mất ngủ bao gồm khó ngủ và /hoặc ngủ không ngon giấc.
Thay đổi nội tiết tố là một trong những lý do lớn nhất dẫn đến mệt mỏi và các vấn đề về giấc ngủ khi mang thai. Những thay đổi này có thể có tác dụng ức chế cơ bắp, có thể dẫn đến ngáy; và nghiêm trọng hơn ở phụ nữ làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
Ngoài ra, hormone mới của người mẹ có thể chịu trách nhiệm một phần cho những chuyến đi thường xuyên đến phòng vệ sinh trong đêm. Những sự khó chịu này, cũng như những điều khó ưa gây ra bởi buồn nôn, ợ nóng và các cơn đau khác liên quan đến thai kỳ, có thể dẫn đến mất ngủ. Rối loạn cảm xúc và căng thẳng do mẹ đang thai nghén một thai nhi nặng 3-4 kg cũng là nguyên nhân của chứng mất ngủ.
– Cách giảm và tránh mất ngủ trong thai kỳ
- Lập kế hoạch và ưu tiên thời gian ngủ.
- Cố gắng tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày
- Ngủ nghiêng về bên trái để cải thiện lưu lượng máu; chất dinh dưỡng cho thai nhi và thận, tránh nằm ngửa trong thời gian dài.
- Sử dụng gối để tạo tư thế thoải mái để giảm bất kỳ sức ép do cơ thể phải gắng sức để giữ tư thế đó.
- Uống nhiều nước trong ngày, giảm lượng nước mẹ uống 2 giờ trước khi đi ngủ.
- Ngừng ăn thực phẩm cay, có tính axit hoặc chiên
- Hiện tượng ngáy thường thấy lúc mang thai, nhưng nếu mẹ có những lúc ngừng thở; hãy kiểm tra chứng ngưng thở lúc ngủ. Tương tự, hãy kiểm tra huyết áp và protein niệu – đặc biệt mẹ bị phù mắt cá chân hoặc đau đầu.
- Nếu mẹ khó ngủ, đừng tự ép mình – cố gắng đọc sách hoặc ngồi thiền để thư giãn.
- Sử dụng đèn ngủ thay vì bật đèn trong phòng tắm sẽ giúp mẹ ngủ lại nhanh hơn.
Nên nói chuyện với bác sĩ của mẹ về các vấn đề giấc ngủ. Nó có thể là một cảnh báo về sự thiếu hụt dinh dưỡng hoặc vấn đề hô hấp (ngưng thở khi ngủ) mà bác sĩ cần kiểm tra, cũng như đưa ra những lời khuyên hữu ích.
6. Chuột rút
Chuột rút là chứng cơ bắp co thắt khiến mẹ bầu rất đau; thường xảy ra ở bắp chuối chân và bàn chân, đặc biệt là vào ban đêm. Bệnh này xảy ra ở thai phụ thường là do cơ thể thiếu canxi.
– Cách khắc phục
Xoa bóp nhẹ nhàng bắp chân và bàn chân bị co rút sẽ giúp các bà bầu có cảm giác thoải mái hơn, sau đó đi dạo một vòng để máu lưu thông tốt hơn. Khám bệnh để bác sĩ bổ sung thêm canxi và vitamin D.
7. Viêm nhiễm âm đạo
Theo thống kê, có khoảng 70% phụ nữ mang thai mắc phải các căn bệnh viêm nhiễm; trong đó có viêm nhiễm âm đạo. Tưởng chừng như đây là căn bệnh khá phổ biến cũng như đơn giản. Nhưng trên thực tế, nếu mẹ bị viêm nhiễm âm đạo nghiêm trọng; hoặc mắc các bệnh liên quan đến viêm nhiễm đường sinh dục; thì trẻ sinh ra có nguy cơ bị nhẹ cân; nhiễm khuẩn hoặc vi nấm, suy dinh dưỡng… Đặc biệt đối với trẻ sinh thường thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn hẳn
Triệu chứng hay gặp là dịch âm đạo có màu vàng đục hoặc trắng, có mùi hôi hoặc tanh; nóng rát hoặc đau khi đi tiểu. Nếu thấy có các triệu chứng trên khi đang có thai, bạn nên ngừng việc quan hệ tình dục và đi khám sớm. Dựa vào tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp.
8. Chảy máu nướu và đau răng
Các vấn đề với sức khỏe răng miệng khi mang thai thường bị lu mờ bởi một số triệu chứng rõ ràng hơn, nhưng đây không phải là một vấn đề mẹ có thể bỏ qua. Nhất thiết phải đi khám nha sĩ trong khi mang thai bởi vì bất kỳ nhiễm trùng trong khoang miệng đều có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của em bé.
Triệu chứng răng miệng phổ biến nhất mà phụ nữ mang thai gặp phải là chảy máu nướu răng. Điều này chủ yếu là do sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ khiến nướu nhạy cảm với sự hiện diện của mảng bám.
Nướu chảy máu, nếu không được điều trị, có thể dẫn đến bệnh nha chu (viêm nướu), vốn được cho có thể là nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ sơ sinh nhẹ cân theo một số nghiên cứu. Nướu chảy máu cũng có thể dẫn đến tụt nướu, khiến răng nhạy cảm với nhiệt độ nóng và lạnh làm cho răng dễ bị sâu hơn ở đường chân răng. Nha sĩ của mẹ có thể đưa ra những gợi ý về điều trị và chăm sóc răng nhẹ nhàng.
– Cách giảm và tránh chảy máu nướu trong thai kỳ
- Đánh răng và làm sạch bằng chỉ nha khoa đều đặn, nên làm thật nhẹ nhàng; vì dùng chỉ nha khoa có thể gây chảy máu nếu nướu đã nhạy cảm.
- Đi khám nha sĩ / chuyên gia vệ sinh răng miệng mỗi 3 tháng trong khi mang thai và tiếp tục với tần số này cho đến khi cho con bú xong.
- Ăn uống lành mạnh và uống vitamin trước khi sinh cũng là một yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe răng miệng nói riêng và nói chung trong thai kỳ; thai phụ bắt buộc phải có dinh dưỡng hợp lý.
9. Tiểu đường thai kì
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đái tháo đường thai kỳ (hay tiểu đường thai kỳ) “là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai”. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh.
Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, mổ lấy thai.
Ảnh hưởng với thai nhi: giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh, những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6 đến tuần thứ 7 của thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức, tăng hồng cầu, suy hô hấp, vàng da sơ sinh…
10. Tiền sản giật
Tiền sản giật là bệnh lý nguy hiểm cho thai kỳ mà cho tới nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, tỷ lệ mắc từ 2-8% số phụ nữ mang thai; làm tăng nguy cơ thai chết lưu, sinh non tháng cũng như suy dinh dưỡng ở trẻ sau này.
Biểu hiện thường gặp là cao huyết áp, phù mặt, phù chân tay và nước tiểu có nhiều chất đạm. Tiền sản giật có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu khiến máu chảy không cầm được; có thể co giật trước, trong và sau khi sinh làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí chết trong tử cung. Tiền sản giật không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng nhau bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong (10%).
Để có thai kỳ khỏe mạnh mẹ bầu cần chủ động trong việc thực hiện chế độ làm việc nghỉ ngơi phù hợp, ăn uống bổ sung dưỡng chất đầy đủ và lành mạnh để dự phòng tiền sản giật. Đồng thời thực hiện khám thai đều đặn giúp tầm soát, phát hiện kịp thời nguy cơ để được hỗ trợ phù hợp, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ. Là địa chỉ khám thai và khám các bệnh phụ khoa uy tín tại Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và thăm khám để các chị em yên tâm về thai kỳ và sức khỏe của mình. Để đặt lịch khám, quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.