Cách chăm sóc trẻ bị sốt phát ban tại nhà
15:00 - 14/10/2022 Lượt xem: 502 Tác giả: Thanh Nga
Sốt phát ban là bệnh hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ từ 6-36 tháng tuổi. Đây là giai đoạn trẻ có sức đề kháng rất kém vì lượng kháng thể tự nhiên của mẹ truyền cho trẻ đã giảm đáng kể trong khi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Hầu hết những nguyên nhân gây sốt phát ban cho trẻ là virus, nếu được chăm sóc tốt bệnh có thể tự lành sau 5-7 ngày.
1. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt phát ban
Sốt phát ban (Roseola: ban màu hồng) là một bệnh trẻ em thường mắc phải. Bệnh chủ yếu do các loại virus gây nên, điển hình nhất là virus sởi (bệnh sởi), virus Rubella (bệnh Rubella hay bệnh sởi Đức), ngoài ra còn nhiều loại virus khác có khả năng gây sốt phát ban cho trẻ nhỏ, đặc biệt đối với trẻ chưa có miễn dịch chống lại chúng.
Khi nghi ngờ trẻ bị sốt phát ban, cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Biểu hiện của sốt phát ban là khoảng thời gian trước khi bị phát ban, trẻ sẽ có những thay đổi về trạng thái tinh thần, biểu hiện rõ ràng nhất là hay quấy khóc. Tiếp đến là trẻ sốt. Sốt phát ban do sởi thường là sốt cao, kèm ho, chảy mũi, mắt đỏ, sau khi có các triệu chứng đó vài ngày sẽ phát ban toàn thân. Riêng bệnh Rubella, trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ và ban xuất hiện rất nhanh, có thể 1 ngày đã nổi ban khắp da trên cơ thể. Hầu hết trẻ sốt phát ban có kèm tiêu chảy hoặc phân hơi lỏng.
Biến chứng của sốt phát ban thường gặp của sởi là viêm phổi, viêm tai giữa, đi ngoài ra máu và có thể biến chứng nặng hơn là viêm não. Các loại sốt phát ban khác kể cả ban của bệnh Rubella thường lành tính, ít gặp biến chứng. Tuy nhiên, với bệnh Rubella gặp ở phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu có thể ảnh hưởng đến thai nhi (sẩy thai, sinh non, thai nhi sinh ra mắc nhiều dị tật bẩm sinh ở mắt, tim, não).
2. Cách chăm sóc trẻ bị sốt phát ban tại nhà
Hạ sốt đúng cách cho trẻ: Nếu trẻ sốt từ 38 độ C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại paracetamol loại đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng theo chỉ định của bác sĩ, 4-6 giờ 1 lần. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm khi cần để tránh biến chứng sốt cao co giật ở trẻ.
Giảm ho, giảm đau họng cho trẻ: Khi trẻ ho, nên cho trẻ uống các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược như rau tần dầy lá, quất chưng với đường phèn, gừng hấp mật ong...
Làm thông mũi trẻ bằng nước muối loãng và khăn giấy mềm: Giúp trẻ dễ ăn uống và bú sữa mẹ.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong tăng cường sức đề kháng và rút ngắn thời gian sốt phát ban cho trẻ nhỏ. Một số chú ý cha mẹ cần biết trong chế độ ăn uống cho con trẻ bị sốt phát ban như sau:
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, cung cấp đủ nước cho trẻ
- Nên chia bữa ăn thành các bữa ăn nhỏ để trẻ dễ hấp thu và nhận tối đa chất dinh dưỡng từ các bữa ăn
- Cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường, đặc biệt là các loại nước ép trái cây nhằm cung cấp đủ vitamin, cải thiện sức đề kháng trong và sau quá trình sốt phát ban
- Không cho trẻ kiêng ăn trong thời gian sốt bởi rất dễ gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng cho trẻ, cần tìm cách cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường.
Cần giữ vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng cho trẻ bị sốt phát ban. Các bác sĩ cho biết, thói quen sai lầm mà các cha mẹ hay gặp phải khi con bị sốt phát ban là kiêng gió, kiêng nước, kiêng tắm. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, khiến tình trạng phát ban của trẻ ngày càng trầm trọng hơn, kéo dài và khó khỏi hơn. Việc trùm kín, kiêng gió sẽ khiến trẻ không thể hạ sốt, dễ gây ra co giật do sốt cao không giảm được. Bên cạnh đó, việc kiêng nước, không vệ sinh sạch sẽ cho trẻ khiến trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng da gây biến chứng viêm phổi... Thay vì đó, cha mẹ nên vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho con bằng nước ấm vừa đủ.
3. Khi nào trẻ sốt phát ban cần được điều trị tại bệnh viện?
Cha mẹ cần lưu ý, sau quá trình chăm sóc hạ sốt tại nhà nhưng trẻ vẫn không hạ sốt, mặc dù đã uống thuốc, cần đưa có đến bệnh viện. Đặc biệt đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sức đề kháng yếu và tình trạng phát ban không có chuyển biến tốt sau 3 ngày thì nên được đến viện ngay để điều trị kịp thời.
Tại bệnh viện, bác sĩ điều trị sẽ hỏi về tiền sử bệnh của trẻ, thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán và đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp nhất với tình trạng sốt phát ban của trẻ.
4. Cách phòng ngừa sốt phát ban hiệu quả cho trẻ nhỏ
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường dễ gây bệnh, cách ly với trẻ bệnh sốt phát ban, người lớn mắc bệnh sởi
- Tiêm vắc xin phòng ngừa theo lịch tiêm chủng quốc gia: mũi 1 vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, mũi 2 nhắc lại vắc xin sởi - rubella lúc trẻ 18 tháng tuổi
- Nâng cao sức đề kháng cơ thể cho trẻ thông qua ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, khoáng chất...
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, các vật dụng xung quanh trẻ cũng nên được giữ gìn sạch sẽ
- Vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.