Chế độ dinh dưỡng sau sinh cho người bị tiểu đường thai kỳ
17:02 - 03/07/2022 Lượt xem: 718 Tác giả: Thu Hoàng
Mặc dù tiểu đường thai kỳ có thể tự hết sau sinh vài tuần nhưng vẫn cần phải lưu ý tới chế độ ăn sau sinh cho người tiểu đường thai kỳ để mau chóng hồi phục sức khỏe và đảm bảo nguồn sữa nuôi con. Chế độ ăn cho người tiểu đường thai kỳ sau khi sinh luôn được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo để hạn chế tối đa tình trạng bệnh trở nặng hoặc tái phát trở lại. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ bỉm sữa vẫn không khỏi lo lắng đến chế độ kiêng cữ sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con bú. Vì vậy, trong việc xây dựng và điều chỉnh thực đơn cho người mẹ cần lưu ý những vấn đề gì?
1. Mẹ bị tiểu đường có nên cho con bú không?
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy rằng:
Những phụ nữ cho con bú ít nhất 6 tháng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 tới 47% so với những phụ nữ không cho con bú.
Những phụ nữ cho con bú dưới 6 tháng cũng giảm 25% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Các nhà khoa học cho rằng có những cơ chế sinh học đặc biệt giúp các phụ nữ cho con bú có thể chống lại được căn bệnh đái tháo đường type 2.
Một trong các cơ chế đó là việc cho con bú làm tăng lượng hormon kiểm soát insulin trong máu và giữ cho lượng đường huyết trong cơ thể luôn ổn định ở mức cho phép.
Các nhà khoa học đã kết luận rằng phụ nữ có thời gian cho con bú càng lâu thì càng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, việc cho con bú còn giúp cho các mẹ sau sinh con có thể giảm cân, từ đó giảm nguy cơ bị tiểu đường.
Lợi ích việc cho con bú:
Khi các mẹ cho con bú còn mang lại nhiều lợi ích khác như:
- Giúp làm giảm nguy cơ mắc một số căn bệnh trong tương lai ở em bé do các kháng thể sẽ truyền từ mẹ sang con qua sữa nên trẻ sẽ nhận được kháng thể chống lại các bệnh này trong những tháng đầu đời của trẻ.
- Giảm nguy cơ béo phì ở em bé sau này, từ đó làm giảm phần nào nguy cơ mắc các bệnh ung thư trong tương lai.
- Làm tăng co bóp tử cung, tống sản dịch ra ngoài, hạn chế tình trạng bế sản dịch.
- Việc cho con bú còn giúp mẹ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú bằng cách giảm lượng hormon có liên quan đến ung thư trong cơ thể.
- Làm tăng tình cảm mẹ con.
2. Nguyên tắc khi xây dựng chế độ ăn sau sinh cho người bị tiểu đường
Chế độ ăn sau sinh cho người tiểu đường thai kỳ về cơ bản cũng không khác nhiều so với chế độ ăn của mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ, vậy nên cần tiếp tục duy trì các nguyên tắc về dinh dưỡng sau đây:
Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thành 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ, nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ lượng calo nạp vào mỗi ngày.
Lượng thức ăn ở các bữa nên được cố định cùng khối lượng calo, chỉ nên thay đổi món ăn cho đa dạng.
Bổ sung đầy đủ các nhóm chất để đảm bảo dinh dưỡng cho nguồn sữa mẹ nuôi trẻ.
Sau khi cho trẻ bú, mẹ thường hay bị đói, vậy nên mẹ có thể ăn nhẹ trước khi cho trẻ bú để tránh tình trạng đói và hạ đường huyết.
3. Chế độ ăn cho người tiểu đường thai kỳ sau sinh nên ăn là gì?
Tiểu đường thai kỳ thường sẽ hết vài tuần sinh, chỉ số đường huyết của mẹ cũng sẽ dần trở về bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian đầu sau sinh mẹ vẫn cần phải lưu ý đến chế độ ăn để vừa hồi phục sức khỏe, vừa đảm bảo nguồn sữa nuôi bé và vừa đảm bảo đường huyết về mức bình thường và ổn định. Vì vậy, chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị chế độ ăn sau sinh cho mẹ mắc tiểu đường thai kỳ nên ăn các nhóm thực phẩm sau đây:
-Nhóm thực phẩm chứa nhiều protein
Nhóm thực phẩm chứa protein đóng vai trò giúp cân bằng đường huyết sau sinh cho mẹ, vì vậy không thể vắng mặt nhóm thực phẩm này trong thực đơn. Một số thực phẩm giàu protein cho người tiểu đường thai kỳ sau sinh là:
Một số loại thực phẩm giàu protein tốt cho sức khỏe người mẹ có thể kể đến như: Thịt gà, các loại cá (cá thu, cá hồi…), các loại hạt khô (lạc, quả hạch, hạt quinoa…), trứng, đậu phụ, các cây họ đậu…
- Nhóm thực phẩm chứa nhiều chất béo không bão hòa
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chất béo chỉ chiếm 26,1% trong sữa mẹ, nhưng nó cung cấp tới 44% năng lượng. Đặc biệt là chất béo không bão hòa, chúng là thành quan trọng cấu thành nên nhiều hoạt chất sinh học của cơ thể, tham gia vào quá trình cấu tạo các tế bào, dịch thể của các tổ chức và đặc biệt là tổ chức não của trẻ.
Vì vậy, chế độ ăn sau sinh cho người tiểu đường thai kỳ không thể thiếu chất béo không bão hòa và nên bổ sung bằng các loại thực phẩm như: Quả bơ, cá biển (cá mòi, cá hồi…), dầu oliu, dầu lạc...
-Thực phẩm có lượng đường thấp
Thực phẩm có lượng đường thấp là những thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn của người tiểu đường nói chung và người mắc tiểu đường thai kỳ nói riêng, ngay cả khi đang mang thai và sau sinh. Các loại thực phẩm chứa ít đường này nếu được ăn đúng cách vẫn sẽ đảm bảo cung cấp lượng đường đủ để tạo năng lượng cho cơ thể, mà không gây tăng đường huyết bởi chúng được giải phóng từ từ vào máu.
Các loại thực phẩm có lượng đường thấp nên bổ sung cho mẹ mắc tiểu đường thai kỳ sau sinh như: Trái cây (táo, bưởi, lê, cam…), các loại đậu (đậu xanh, đậu lăng…), ngũ cốc nguyên hạt…
Đây đều là những thực phẩm tốt cho sức khỏe của bà mẹ bỉm sữa mắc bệnh đái tháo đường sau khi sinh. Tuy nhiên, không phải ăn nhiều là tốt cho sức khỏe. Vì thế, người bệnh nên điều chỉnh chế độ ăn sao cho đúng cách và vừa đủ.
4. Chế độ ăn cho người tiểu đường thai kỳ sau sinh nên kiêng là gì?
Song song với danh sách thực phẩm mà người mắc bệnh tiểu đường thai kỳ sau sinh nên bổ sung thì vẫn còn khá nhiều thực phẩm khác mà bà mẹ cần kiêng khem. Bao gồm:
Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều tinh bột: khoai tây, bánh mì trắng, gạo, bún, mì, phở,…
Hạn chế ăn thực phẩm có nhiều đường: bánh ngọt, kẹo, bánh quy, nước ngọt, nước ép hoa quả,…
Không ăn các loại đường hay carbohydrate ẩn: thức ăn nhanh, khoai tây chiên, hamburger, sốt cà chua, rượu, đồ uống có gas,…
Qua những thông tin trong bài viết này, hy vọng sẽ giúp ích cho người phụ nữ sau khi sinh mắc bệnh tiểu đường trong việc xây dựng và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp. Song song với chế độ dinh dưỡng khoa học để ổn định đường huyết, các bà mẹ bỉm sữa cần thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và kiểm soát tiểu đường một cách tốt nhất.
Ngoài những thông tin bài viết ở trên, bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.