Một số lưu ý giúp kiểm soát đường huyết
15:29 - 21/04/2022 Lượt xem: 590 Tác giả: Thanh Nga
Lợi ích của việc tự kiểm soát đường huyết là rất lớn nên làm thế nào để kiểm soát đường huyết an toàn và hiệu quả là câu hỏi của nhiều bệnh nhân đái tháo đường. Dưới đây là một số gợi ý để mọi người tham khảo và áp dụng trong đời sống hàng ngày.
1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Dinh dưỡng là yếu tố thiết yếu trong kiểm soát bệnh tiểu đường. Điều quan trọng là người bệnh cần đảm bảo các bữa ăn đa dạng và cân đối, để giữ được sự ổn định của đường huyết và tăng cường sức khỏe của hệ thống miễn dịch. Do đó rất cần sự tự ý thức của người bệnh, nhắc nhở của người thân trong gia đình để đảm bảo một chế độ ăn lành mạnh.
- Chia nhỏ các bữa ăn, tốt nhất nên chia thành 3 bữa chính, 1-3 bữa phụ với lượng calo phân bổ trong các bữa ăn hợp lý.
- Duy trì ăn đúng giờ và đều đặn giữa các bữa, không bỏ ăn ngay cả khi bệnh nặng hoặc không muốn ăn.
- Giữ lượng tinh bột ổn định ( chiếm 50-60% nhu cầu) và phù hợp bằng cách thay thế thức ăn giàu chất bột đường (gạo trắng, bánh mì, xôi, mì tôm..) bằng cách chọn dùng thức ăn có chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt, khoai sọ, khoai tây, ngũ cốc thô.
- Không dùng đồ ăn, đồ uống có đường hóa học như nước ngọt có gas, bánh kẹo, bia rượu, sữa chế biến, trái cây đóng hộp...
- Nên ưu tiên bổ sung trái cây (chín ươm), rau xanh để cung cấp vitamin. Tuy nhiên nên tránh các loại hoa quả chín, mềm có độ ngọt quá cao như: xoài, nhãn, sầu riêng...
- Hạn chế tối đa chất béo từ động vật, thay thế bằng dầu thực vật như dầu olive, dầu đậu nành, dầu mè...nên hạn chế đồ chiên xào, độ béo cao.
- Theo nghiên cứu, nếu uống 1 cốc rượu vang đỏ khoảng 150ml mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim ở bệnh nhân tiểu đường type 2.
2. Bổ sung nhiều chất xơ
Nhiều nghiên cứu cho rằng nếu ăn nhiều chất xơ sẽ giúp đường huyết ổn định hơn. Chất xơ không tạo năng lượng, làm mau no, giúp làm chậm hấp thu các chất bột đường trong ruột, kích thích hoạt động co bóp của ruột và tiêu hóa các thức ăn khác.
Chất xơ thường có nhiều trong các loại rau lá xanh, củ quả, trái cây có vỏ, các loại đậu, khoai, gạo lứt... Theo khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới, những người mắc bệnh đái tháo đường nên bổ sung ít nhất 25g chất xơ hàng ngày, điều này giúp insulin hoạt động tốt hơn và làm thức ăn chậm xuống ruột hơn, giúp đường máu sau ăn không tăng nhanh.
Nếu chưa có thói quen ăn chất xơ thì nên khởi đầu bằng lượng nhỏ, sau đó tăng dần lượng kết hợp với uống nhiều nước (ít nhất 1,5-2 lít mỗi ngày) sẽ giảm đầy bụng, khó tiêu, giảm chỉ số HbA1c ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
3. Uống nhiều nước hàng ngày
Trong cơ thể người bị đái tháo đường, lượng đường huyết tăng dẫn đến quá trình đào thải nước tiểu gia tăng với mục đích đưa lượng đường ra ngoài cơ thể. Lượng nước tiểu bài tiết ra ngoài nhiều có thể dẫn tới mất nước cơ thể.
Khi cơ thể bệnh nhân tiểu đường mất nước có thể dẫn đến tình trạng cô đặc máu, tăng nồng độ chất hòa tan gây khó khăn cho việc đào thải lượng đường thừa và các chất cặn bã khác, dẫn đến nguy cơ hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu và nhiễm toan ceton.
Trung bình một người khỏe mạnh cần uống từ 1,5-2,5 lít nước mỗi ngày. Đối với bệnh nhân đái tháo đường cần uống nhiều hơn để bù lại lượng nước bị mất đi. Việc bổ sung lượng nước giúp làm tăng lưu lượng máu, cải thiện tốc độ tuần hoàn ngoại vi, ngăn sự phát sinh và phát triển các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra.
4. Hoạt động thể chất
Vận động thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nói chung, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc các biến chứng khác, bao gồm cả bệnh tim và tổn thương thần kinh.
Người bệnh có thể tập yoga, aerobic, tập cùng tạ nhỏ, đạp xe hoặc chạy trên máy, đi bộ… Nên tập ít nhất từ 30 - 60 phút mỗi ngày để duy trì cân nặng và tăng cường sức khỏe.
5. Kiểm soát tốt stress
Lượng đường huyết cũng bị tác động nếu có sự căng thẳng tâm lý, stress ở bệnh nhân đái tháo đường. Khi bị stress, cơ thể có xu hướng tăng tiết cortisol - 1 loại hormone đối kháng làm giảm nhạy insulin, dẫn tới đường huyết có xu hướng gia tăng.
Tình trạng stress cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi người bệnh, dẫn tới những thói quen có hại như: tiêu thụ cafe, thuốc lá, rượu bia, đồ ăn nhanh, ngại tập thể dục vận động...càng khiến cơ thể khó ổn định đường huyết hơn.
Bệnh nhân đái tháo đường nên có lối sống lạc quan, thư giãn, vui chơi, giải trí lành mạnh, tập thể dục thường xuyên hoặc thiền để giúp cân bằng tâm lý, cảm xúc tốt hơn
6. Tuân thủ dùng thuốc
Dùng thuốc trị bệnh tiểu đường và tất cả vấn đề sức khỏe khác ngay cả khi thấy khỏe. Nên nhớ, dinh dưỡng là thiết yếu nhưng tuân thủ dùng thuốc mới là quyết định cho việc điều trị hiệu quả hay không.
7. Theo dõi đường huyết
Kiểm soát lượng đường thường xuyên giúp phòng tránh được các biến chứng do tăng hoặc hạ đường huyết quá mức. Người bệnh nên kiểm tra mức đường huyết một hay nhiều lần trong ngày, nhất là khi chỉ số đường huyết biến động bất thường. Chỉ số các lần đo cần ghi chép lại trong một quyển sổ theo dõi và báo lại bác sĩ ngay khi cần.
Trên đây là một vài lưu ý rất quan trọng trong việc duy trì mục tiêu đường huyết ổn định, phát hiện những biến chứng sớm của bệnh và giảm thiểu nguy cơ tử vong cho bệnh nhân tiểu đường. Không chỉ người bệnh mà những người thân trong gia đình cũng cần biết để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh đái tháo đường.
Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch khám quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.