Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gạo trắng hay gạo lứt?
15:52 - 13/04/2022 Lượt xem: 2092 Tác giả: Lê Huyền Trang
1. Khác biệt giữa thành phần dinh dưỡng của gạo lứt và gạo trắng.
Gạo lứt: Gạo lứt còn gọi là gạo rắn, gạo lật, đây là loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xay bỏ lớp cám gạo, chính vì thế gạo vẫn giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng, đặc biệt là các nguyên tố vi lượng. Gạo lứt về cơ bản có 3 loại: gạo lứt trắng, gạo lứt đỏ và gạo lứt đen. Thành phần dinh dưỡng chủ yếu của gạo lứt bao gồm: Chất xơ, protein, mangan, niacin, axit pantothenic, thiamine, đồng, selen, magie, photpho, kẽm, carbs, chất béo. Hơn nữa, gạo lứt còn là một nguồn giàu riboflavin, sắt, kali và folate.
Với những thành phần kể trên, theo nhận định của các chuyên gia dinh dưỡng và các nhà khoa học thì gạo lứt tốt cho người bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch.
Gạo trắng: Gạo là lương thực chính của phần lớn dân số thế giới. Gạo trắng được nhiều người tiêu thụ rộng rãi hơn và ưa thích hơn. Với gạo trắng, hạt gạo được đánh bóng theo cách loại bỏ hai phần cám và phôi và để lại một phần giàu tinh bột gọi là nội nhũ. Quá trình này loại bỏ phần lớn các vitamin B có trong tự nhiên, các khoáng chất và chất xơ. So với gạo lứt, gạo trắng có hàm lượng vitamin và khoáng chất, chất xơ thấp hơn.
So sánh thành phần dinh dưỡng của gạo lứt và gạo trắng.
Chất xơ
Hàm lượng tinh bột của gạo lứt không có sự khác biệt so với gạo trắng. Tuy nhiên, gạo lứt lại có chứa nhiều chất xơ hơn gạo trắng vì nó vẫn giữ nguyên được lớp vỏ cám. Chính vì lý do này, khi ăn gạo lứt, bạn sẽ có cảm giác no lâu hơn, hạn chế được những cơn thèm ăn, giảm lượng cholesterol, kiểm soát tốt đường huyết, từ đó phòng ngừa bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch rất hiệu quả.
Vitamin nhóm B
Gạo lứt được giữ lại phần vỏ cám, chính vì thế lượng vitamin nhóm B trong gạo lứt có sự vượt trội hơn hẳn so với gạo trắng. Trong đó:
Các vitamin B1, B2, B3, B6 góp phần quan trọng đối với quá trình chuyển hóa protein, chất béo, carbohydrate,… Đây là những loại vitamin rất cần thiết để giúp bạn có một làn da đẹp, một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tham gia vào cấu tạo tế bào hồng cầu và nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.
Trong gạo lứt còn có chứa vitamin B9 - có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành tế bào hồng cầu, tổng hợp DNA, phân chia tế bào ở thai nhi, phát triển hệ thần kinh,…
Có chứa nhiều loại khoáng chất
Các loại khoáng chất trong gạo lứt nhiều hơn đáng kể so với gạo trắng. Cụ thể như sau:
- Selen: Trong gạo lứt, lượng Selen nhiều hơn gạo trắng. Loại khoáng chất này rất quan trọng đối với quá trình sản xuất hormone tuyến giáp đồng thời cải thiện hệ miễn dịch.
- Mangan: Loại khoáng chất này có rất nhiều trong gạo lứt, giúp cơ thể dồi dào năng lượng và tăng cường khả năng chống oxy hóa.
- Magie: Khi ăn khoảng ½ bát gạo lứt, bạn cũng có thể đáp ứng được 11% nhu cầu magie cần thiết đối với cơ thể.
- Bên cạnh đó, gạo lứt có chứa nhiều vitamin E, các axit béo và protein - Đây cũng là những dưỡng chất không thể thiếu đối với cơ thể chúng ta và làm nên những giá trị dinh dưỡng cao của gạo lứt.
2. Công dụng của gạo lứt với mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ.
Gạo lứt được đánh giá là loại thực phẩm lành mạnh dành cho các bệnh nhân tiểu đường, bao gồm cả tiểu đường thai kỳ. Nó có chứa các thành phần dinh dưỡng cần thiết để cơ thể khỏe mạnh gồm chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin nhóm B, khoáng chất như đồng, magie, kẽm…
Trong gạo lứt chỉ số đường huyết GI là 68, do đó nó được xếp vào loại thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình. So với gạo trắng hay các loại bánh mì trắng, khoai tây có chỉ số đường huyết lớn hơn 70, thì nó phù hợp hơn để sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường thai kỳ.
Với việc chỉ loại bỏ phần vỏ bên ngoài và để loại phần cám bên trong, cũng như mầm dinh dưỡng, mà gạo lứt vẫn giữ được các chất dinh dưỡng mà gạo trắng thiếu như vitamin, khoáng chất.
Những lưu ý khi sử dụng gạo lứt.
- Cần ngâm gạo lứt trước khi chế biến và cần nấu lâu hơn bình thường bởi gạo lứt cứng hơn gạo trắng
- Không nên vo gạo kỹ vì điều này sẽ làm mất đi thành phần dinh dưỡng có trong nó.
- Chỉ nên sử dụng gạo trong vòng 4-5 tháng, không nên để quá lâu sẽ có mùi hôi và không giữ được đủ dưỡng chất cần thiết.
- Bạn cần mua gạo sạch, không bị nhiễm hóa chất hay chất bảo quản, có như vậy thì nó mới là thực phẩm thật sự tốt cho sức khỏe.
- Mỗi tuần chỉ nên sử dụng gạo lứt 2-3 lần mỗi tuần, không nên quá lạm dụng cũng không tốt cho sức khỏe.
- Đối với mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ chỉ nên ăn một bữa gạo lứt trong 1 ngày và cần phải tính toán khẩu phần ăn cho phù hợp vì dù sao trong gạo lứt vẫn chứa một hàm lượng tinh bột nhất định.
- Gạo lứt chỉ là thực phẩm giúp hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường chứ nó không có công dụng chữa bệnh tiểu đường.