MỘT SỐ THAY ĐỔI CỦA DA TRONG THỜI KỲ MANG THAI
11:21 - 30/06/2022 Lượt xem: 1021 Tác giả: Lê Huyền Trang
Khi mang thai cùng với sự thay đổi của nội tiết là những thay đổi về làn da. Những thay đổi sinh lý này có thể sẽ mất sau sinh nhưng nếu không chăm sóc da cẩn thận chúng sẽ theo bạn đến mãi về sau. Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà có khi còn gây ra một số phiền toái và khó chịu. Vậy cùng tìm hiểu về những thay đổi đó ngay bây giờ nhé!
Một số thay đổi của làn da khi mang thai:
- Rạn da
- Nám, sạm da
- Mụn trứng cá
- Nổi gân xanh, giãn tĩnh mạch
- Đường sọc nâu chạy dưới bụng
1. Rạn da.
Rạn da là hiện tượng khá phổ biến đối với các mẹ bầu. Gần 90% phụ nữ mang thai phải trải qua cảnh tượng những vết rạn nâu đỏ xuất hiện vằn vèo trên vùng bụng, hông, đùi, ngực như những chiếc mạng nhện dày đặc, đặc biệt là trong những tháng cuối của thai kì, khi mà em bé ngày càng lớn dần trong bụng mẹ. Tốc độ tăng cân cũng như số cân tăng của người mẹ sẽ là yếu tố quyết định mức độ rạn da, ngoài ra thì gen di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làn da của mẹ bầu bị rạn nhiều hay ít.
Mẹ bầu có thể tập thể dục nhẹ nhàng để giữ cho làn da săn chắc, khỏe mạnh. Sử dụng các loại kem có chứa vitamin E và axit hydroxy alpha giúp ngăn ngừa các vết rạn da. Hoặc đơn giản là chỉ cần giữ tâm lý thoải mái và nghỉ ngơi điều độ, những vết rạn này sẽ mờ dần sau khi sinh.
2. Nám, sạm da
Sạm da: Sự tăng nồng độ của các hormone liên quan đến thai kỳ làm tăng hình thành sắc tố melanin, gây sạm da. Phụ nữ mang thai thường sẽ nhận thấy da sạm hơn ở những vùng vốn sẫm màu trước đó (như vùng da quanh vú, vùng da sinh dục), nốt ruồi hoặc sẹo có từ trước cũng trở nên đậm hơn. Một số trường hợp sạm da lan tỏa toàn thân. Hiện tượng này sẽ giảm dần sau sinh.
Nám: khoảng 45-75% phụ nữ mang thai, là những dát tăng sắc tố đối xứng ở mặt, hay gặp ở vùng má, trán. Tia cực tím, yếu tố gen, sự thay đổi hormon trong thai kỳ kích thích sự hình thành và lắng đọng melanin vào lớp bì và thượng bì, gây nên tình trạng nám má ở phụ nữ mang thai. Nám má trong thai kỳ sẽ tự hết trong vòng 1 năm ở khoảng 90% phụ nữ sau sinh. Một số trường hợp nặng và dai dẳng sau sinh ảnh hưởng thẩm mỹ cần được điều trị. Sử dụng các biện pháp chống nắng là phương pháp chính giúp phòng ngừa nám má trong thai kỳ.
Để bảo vệ làn da của mình tốt hơn, mẹ bầu nhớ bôi kem chống nắng (SPF>15), đội mũ khi đi ra ngoài hoặc dưới trời nắng để hạn chế tia cực tím và nguy cơ sạm da, nám da.
3. Mụn trứng cá
Nổi mụn là lo lắng thường gặp của nhiều bà bầu, đặc biệt là với những phụ nữ vốn hay bị nổi mụn trước khi mang thai. Nguyên nhân là do trong thai kỳ, cơ thể mẹ bầu sản xuất nhiều hormone kích thích da tiết ra nhiều bã nhờn và dầu, làm tắc nghẽn lỗ chân lông, gây mụn.
Rửa mặt 2 lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ và nước ấm, nếu bạn có dạng tóc bết dầu, hãy gội đầu mỗi ngày và không nên để tóc dính vào mặt, tránh gắp hoặc nặn mụn, chọn mỹ phẩm không chứa dầu.
4. Nổi gân xanh, giãn tĩnh mạch.
Khi tử cung lớn dần lên, trọng lượng và áp lực nó đè ép lên khoang bụng có thể làm giảm lưu lượng máu về tim từ phần dưới cơ thể và khiến các tĩnh mạch ở chân bị ứ máu. Mẹ bầu có thể thấy hai chân nổi gân xanh, sưng phù hoặc đau. Giãn tĩnh mạch cũng có thể xuất hiện ở âm hộ, âm đạo và trực tràng (thường biểu hiện tình trạng trĩ). Trong hầu hết các trường hợp, giãn tĩnh mạch sẽ hết sau sinh.
Để khắc phục tình trạng xuất hiện các đường gân xanh, đỏ nổi ngoằn ngoèo trên da, bạn có thể thử một số biện pháp sau:
Tránh đứng, ngồi trong thời gian dài, đi bộ nhẹ nhàng càng nhiều càng tốt để giúp máu lưu thông tốt hơn. Kê cao chân khi nằm để giúp các tĩnh mạch được nghỉ ngơi và giải phóng bớt áp lực lên tĩnh mạch chân
Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C để giúp tĩnh mạch khỏe mạnh, tăng tính đàn hồi cho da và tăng đề kháng da
Kiểm soát cân nặng: Mẹ bầu nên duy trì cân nặng trong mức chuẩn, tránh tăng cân quá nhanh và quá nhiều.
5. Đường sọc đen ở dưới bụng.
Từ tam cá nguyệt thứ 2 trở đi, bạn sẽ thấy trên bụng xuất hiện một đường sẫm màu chạy từ phía trên rốn đến xương mu. Thực tế, mỗi người phụ nữ đều có sẵn đường sọc này nhưng bình thường nó tương đồng với màu da nên chúng ta không để ý. Khi mang thai, lượng hormone estrogen tăng lên khiến cơ thể mẹ bầu có nhiều sắc tố hơn, từ đó đường sọc nâu này sẽ trở nên sẫm màu hơn. Không những vậy, lượng sắc tố này tăng lên còn khiến cơ thể xuất hiện nhiều vết thâm nám trên mặt hoặc ở vùng da quanh đầu vú. Đa phần, đường sọc nâu này sẽ dần mờ đi sau khi bạn sinh xong nhưng cũng có một số trường hợp, nó sẽ tồn tại vĩnh viễn
Ngoài những thông tin bài viết cung cấp ở trên các mẹ bầu hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.