Một số vấn đề tuyến vú thời kì cho con bú

15:03 - 26/04/2024 Lượt xem: 42 Tác giả: Thanh Nga

Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ sẽ liên tục trải qua những thay đổi lớn và thậm chí nó còn tiếp tục diễn ra sau khi bạn sinh con. Bài viết duới đây sẽ là những chia sẻ về các vấn đề thường gặp ở tuyến vú trong giai đoạn cho con bú như: nứt, tụt núm vú, tắc tia sữa, áp xe vú, viêm tuyến vú,...

  1. Tụt núm vú

Tụt núm vú là tình trạng một phần hay toàn bộ núm vú bị tụt vào trong so với quầng vú ảnh hưởng đến việc bú sữa của trẻ. Nguyên nhân của điều này có thể do:

  • Ống dẫn sữa ngắn
  • Bầu ngực của mẹ quá to và đang căng sữa
  • Các dải mô liên kết giúp kết nối giữa núm vú với mô vú bên trong quá nhỏ

Để giúp đầu vú nhô ra nhiều hơn, mẹ có thể thử áp dụng một số giải pháp sau đây:

- Kích thích đầu ti bị thụt nhô ra: dùng ngón cái và ngón trỏ nhẹ nhàng xoay, lăn đầu ti.

- Cho con bú: Việc cho con bú sẽ giúp cho núm vú nhô lên. Khi bầu ngực căng sữa có thể khiến đầu ti bị thụt vào trong. Do đó, việc làm mềm bầu ngực cần được ưu tiên để giúp đầu ti nhô ra nhiều hơn. Cách tốt nhất là bạn nên cho bé bú thường xuyên để không bị tắc tia sữa và khiến ngực căng cứng.

- Sử dụng máy hút sữa.

  1. Nứt núm vú

Nứt núm vú là một tình trạng rất phổ biến, đặc biệt xảy ra trong những ngày đầu sau sinh dẫn đến tình trạng khó khăn khi cho trẻ bú.

Những nguyên nhân liên quan đến tình trạng này bao gồm:

  • Cho bú sai kỹ thuật, sai tư thế
  • Sử dụng máy hút sữa không đúng cách, lực hút quá mạnh
  • Mẹ cương sữa, trẻ không thể bú hết sữa
  • Mẹ bị tắc tia sữa, tắc tuyến sữa, tắc ống dẫn sữa
  • Nhiễm trùng vú và núm vú.
  • Trẻ bị nấm men, tưa miệng khiến vi khuẩn từ miệng bé lây sang đầu ti mẹ từ đó làm nứt đầu ti và gây ra một số tổn thương khác.

Nứt núm vú, phải làm sao?

tắc tia sữa, áp xe vú

Khi gặp phải tình trạng nứt núm vú, mẹ nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Bên cạnh đó, mẹ có thể thực hiện một số gợi ý dưới đây để cải thiện tình trạng:

  • Cho bé bú ở bên ít đau trước
  • Điều chỉnh lại tư thế bú của bé nếu chưa hợp lý, thử nghiệm các tư thế bú khác
  • Có thể dùng máy hút sữa hỗ trợ cho đến khi núm vú lành thì cho bé bú trở lại
  • Làm sạch núm vú sau khi cho bé bú tránh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng
  • Thoa núm vú bằng sữa để giúp núm vú mau lành trở lại do trong sữa có chứa nhiều kháng thể
  • Có thể sử dụng gạc lạnh để giữ núm vú không bị khô, giảm đau, ngứa.
  1. Tắc ống dẫn sữa

tắc tia sữa, áp xe vú

Còn gọi là tắc tuyến sữa hay tắc tia sữa, là tình trạng sữa mẹ bị ứ đọng bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực mà không được đẩy ra ngoài, khiến việc cho con bú gặp nhiều khó khăn cũng như gây đau đớn cho người mẹ.

Tình trạng này có thể gặp do các nguyên nhân như:

-  Không cho bé bú thường xuyên, bé bú kém hay gặp các vấn đề về ăn uống.

- Kĩ thuật cho bé bú sai

- Dư thừa sữa mẹ, cương sữa, không vắt hết sữa ra ngoài sau khi cho trẻ bú

- Ngực chịu áp lực : quần áo bó sát chật chội, chấn thương ở vú, tắc nghẽn cơ học do dòng sữa quá đặc, tăng lưu lượng sữa.

- Yếu tố tâm lý: căng thẳng, thiếu ngủ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất sữa mẹ do làm chậm quá trình sản xuất oxytocin – hormon kích thích vú tiết sữa.

Tắc tia sữa, nên làm gì?

Mẹ có thể áp dụng những cách đơn giản dưới đây để thông tia sữa tại nhà:

  • Vắt sữa thường xuyên, có thể vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy.
  • Nên cho trẻ bú ở vú bị tắc trước rồi mới chuyển qua bên còn lại.
  • Chườm ấm ngực trước khi cho bé bú, mẹ nên xoa bóp đầu ti nhẹ nhàng theo vòng tròn để kích thích, thông tia sữa và giảm tình trạng tắc nghẽn
  • Mặc áo ngực thoải mái giúp sữa lưu thông tốt hơn    
  1. Viêm tuyến sữa

Là tình trạng viêm nhiễm ở một hay nhiều ống dẫn sữa của vú dẫn đến các mô vú bị sưng phù bất thường.

Nguyên nhân gây viêm tuyến vú ở phụ nữ có thể do:

  • Tắc tia sữa: là tình trạng sữa ứ đọng lại trong các mô vú ở những phụ nữ cho con bú. Viêm vú do tắc tia sữa có thể tiến triển thành viêm vú nhiễm trùng do tình trạng sữa ứ đọng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển
  • Viêm vú nhiễm trùng: là loại phổ biến. Vi khuẩn thường xâm nhập qua vùng da hoặc núm vú bị tổn thương. Tụ cầu vàng là loại vi khuẩn thường gây ra vấn đề này.

Viêm tuyến vú sau sinh, nên làm gì?

Nếu xuất hiện các triệu chứng viêm tuyến vú thì tạm thời dừng cho con bú và đi khám ngay để được điều trị, không nên để kéo dài tránh biến chứng.

Các phương pháp điều trị viêm tuyến vú:

  • Dùng thuốc: Kháng sinh chống lại vi khuẩn gây viêm tuyến vú; Paracetamol tác dụng hạ sốt và giảm đau.
  • Tiểu phẫu: Chích rạch một đường rạch nhỏ ở vú để dẫn lưu áp-xe vú trong trường hợp hình thành áp xe.
  1. Áp xe vú

Áp xe vú là tình trạng viêm sưng, nóng, đỏ, đau do tình trạng tích tụ mủ trong vú do vi khuẩn gây ra.

Các triệu chứng của áp xe vú bao gồm:

- Sốt cao, mệt mỏi, rét run

- Đau ở vú

- Vú bên đau sưng to rõ, nóng đỏ, ấn mềm có vùng lõm đau tăng, sốt, mệt mỏi và có thể có hạch nách cùng bên.

- Sữa vắt ra thấy có ánh vàng nhạt do mủ

- Siêu âm vú có hình ảnh nhiều ổ chứa dịch

- Xét nghiệm CRP (C - reactive protein) dương tính

- Bạch cầu trung tính tăng  trong công thức máu

 Áp xe vú thường xảy ra trong hai giai đoạn:

  • Tháng thứ nhất sau sinh lần đầu tiên, vì kinh nghiệm cho con bú và vệ sinh vú chưa đầy đủ có thể dẫn đến nguy cơ tổn thương núm vú.
  • Giai đoạn cai sữa, dẫn đến tình trạng ứ đọng sữa. Ngoài ra, sau 6 tháng, trẻ phát triển răng cũng có thể làm tổn thương núm vú.

Nguyên nhân gây sinh áp xe vú sau sinh?

  • Nguyên nhân chủ yếu: tắc tia sữa đi kèm với sự xâm nhập của vi khuẩn (Staphylococcus aureus, Streptococcus) xâm nhập qua các vùng da bị tổn thương ở vú như: vết nứt quanh núm vú khi người phụ nữ cho con bú… chúng gây ra tình trạng nhiễm khuẩn thường kèm xuất hiện ổ mủ
  • Bé bú gây trầy xước vú mẹ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại xâm nhập
  • Mẹ không hút sữa dư thừa sau khi bé bú dẫn đến ứ đọng sữa.
  • Mẹ mặc áo ngực qúa chật tạo áp lực lên bầu ngực dẫn đến tắc tia sữa và gây áp xe.

Áp xe vú điều trị thế nào?

Phương pháp điều trị áp xe vú chủ yếu là dùng kháng sinh kết hợp chích rạch và tháo mủ. Sau khi tháo mủ cần đặt dẫn lưu bằng ống cao su hoặc mét gạc, thường xuyên bơm rửa ổ áp xe hàng ngày qua ống dẫn lưu bằng dung dịch sát khuẩn, kết hợp kháng sinh toàn thân

 

Hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.

Để đặt lịch tới phòng khám 43 Nguyễn Khang quý khách có thể truy cập TẠI ĐÂY hoặc liên hệ zalo: 0342318318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

4 Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bạn nên biết
Tầm soát ung tư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV
Phá thai bằng thuốc và những lưu ý không thể bỏ qua
Các mốc siêu âm thai 3 tháng đầu mẹ bầu không nên bỏ qua
Bí quyết vàng giúp cải thiện chất lượng tinh trùng