googleb578e89369db4e48.html

Nang dạng lạc nội mạc tử cung buồng trứng

15:31 - 05/05/2022 Lượt xem: 1261 Tác giả: Thanh Nga

Trong kỳ kinh nguyệt, lớp nội mạc tử cung sẽ theo máu đi ra ngoài. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà loại mô này có thể bắt đầu phát triển ở những nơi khác như ống dẫn trứng, bàng quang và ruột của bạn. Mặc dù nằm lạc chỗ nhưng phần nội mạc này vẫn chịu ảnh hưởng của nội tiết tố sinh dục nên phát triển dày lên. Nếu lạc đến buồng trứng, chúng sẽ gây ra nang dạng lạc nội mạc tử cung buồng trứng. Cùng tìm hiểu thêm về căn bệnh này qua bài viết dưới đây bạn nhé!

1. Triệu chứng của nang dạng lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng

Một số dấu hiệu phổ biến của u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung là:

  • Đau quặn bụng trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Rối loạn kinh nguyệt.
  • Đau khi đi vệ sinh, ruột bị co rút khi đi tiểu.
  • Đau khi quan hệ.
  • Đau trong khi tập thể dục, chẳng hạn như uốn cong và kéo dãn.
  • Cơn đau dữ dội, có thể là dấu hiệu buồng trứng bị xoắn.

2. Nang dạng lạc nội mạc tử cung có ảnh hưởng không?

Nang dạng lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng là bệnh lý lành tính (không phải ung thư). Tuy vậy chúng có thể là nguyên nhân gây nên một số vấn đề khó giải quyết, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, bao gồm:

  • Đau vùng chậu mạn tính
  • Khó thụ thai hoặc vô sinh
  • Rối loạn chức năng bình thường của buồng trứng
  • Suy chức năng buồng trứng sớm

Bên cạnh đó, có một số biến chứng người bệnh có thể gặp phải như:

  • Vỡ nang: thoát dịch nang vào khoang phúc mạc có thể gây đau bụng cấp, viêm phúc mạc …
  • Xoắn phần phụ: nang lạc NMTC thường gây viêm dính buồng trứng, do đó ít có nguy cơ gây xoắn phần phụ hơn so với các loại u nang buồng trứng khác. Tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp xảy ra xoắn phần phụ, gây đau và hoại tử buồng trứng.
  • U nang quá to gây chèn ép và rối loạn chức năng các cơ quan vùng chậu: chèn ép niệu quản gây dãn niệu quản, thận ứ nước; rối loạn đi tiêu do chèn ép trực tràng…

Trong số các vấn đề trên, đau vùng chậu mạn tính là triệu chứng thường gặp và gây ảnh hưởng nhất đến người bệnh. Ở những trường hợp này, bên cạnh nang lạc NMTC ở buồng trứng, người bệnh thường có kèm theo lạc NMTC ở những vị trí khác của vùng chậu như vách trực tràng-âm đạo, phúc mạc sâu, tử cung. Đặc điểm đau thường âm ỉ nhẹ, đau tăng lên trước hoặc trong khi hành kinh. Đôi khi đau khi giao hợp. Khi kích thước u to, bạn có thể quan sát hoặc sờ thấy khối u nhô lên ở vùng bụng dưới rốn. Mức độ đau thường có liên quan với kích thước nang và các sang thương lạc NMTC kèm theo ở các vị trí khác.

Nang lạc NMTC ở buồng trứng kích thước nhỏ thường không gây đau. Một số phụ nữ có thể chỉ tình cờ phát hiện nang lạc NMTC ở buồng trứng khi khám và siêu âm phụ khoa định kì mà không có bất kỳ triệu chứng nào.

Mặc dù một số trường hợp nang lạc NMTC không gây triệu chứng rõ ràng, nó có thể âm thầm làm suy giảm chức năng buồng trứng, hậu quả là người phụ nữ có thể khó có thai trong tương lai. Mức độ suy giảm chức năng buồng trứng được cho là có liên quan với thời gian tồn tại của nang lạc NMTC. Bên cạnh đó, khi thời gian tồn tại lạc NMTC càng kéo dài, các tổn thương viêm do lạc NMTC ở vùng chậu sẽ càng nặng nề hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh. Do đó, người bệnh khi phát hiện bệnh lý lạc NMTC được khuyên nên lập kế hoạch mang thai sớm trước khi tình trạng viêm xảy ra nặng nề hơn. Hãy khám chuyên khoa hỗ trợ sinh sản sớm nếu bạn khó có thai hoặc vô sinh (không có thai sau 12 tháng không sử dụng biện pháp ngừa thai).

3. Chẩn đoán u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung

nang dạng lạc nội mạc tử cung

Bác sĩ xem xét các triệu chứng của bạn và hỏi về bất kỳ cơn đau nào bạn có. Khi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ ấn vào các vùng bụng của bạn để cảm nhận u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung.

Có thể bạn sẽ được tiến hành các thăm khám cận lâm sàng. Một trong các cách đó là siêu âm. Ngoài ra, hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) cung cấp một cái nhìn chi tiết hơn về buồng trứng của bạn.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm máu để tầm soát ung thư, xem bạn có thai hay không hoặc có nhiễm trùng hay không.

Một cách khác để chẩn đoán u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung là thông qua nội soi. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở rốn của bạn và đưa một camera mini vào ổ bụng. Điều này cho phép nhìn thấy bất kỳ u nang nào ở buồng trứng, đánh giá kích thước của chúng và quyết định cách điều trị tốt nhất.

4. Các lựa chọn điều trị cho bệnh lý lạc NMTC ở buồng trứng

Để lựa chọn phương pháp điều trị, cần cân nhắc đến tuổi, đặc điểm triệu chứng đau, tình trạng hôn nhân cũng như mong muốn có con của người bệnh. Các phương pháp có thể lựa chọn bao gồm:

- Điều trị theo dõi: áp dụng khi người bệnh có nang lạc NMTC ở buồng trứng kích thước nhỏ, không biến chứng và không có triệu chứng như đau vùng chậu hoặc vô sinh. Bạn nên khám phụ khoa mỗi 6 tháng đến 1 năm để theo dõi về sự thay đổi các đặc điểm của nang lạc NMTC cũng như sự xuất hiện các triệu chứng mới.

- Điều trị nội khoa: thường được lựa chọn để điều trị triệu chứng đau vùng chậu. Tùy vào mức độ đau, sự đáp ứng với thuốc, đồng thời cân nhắc các tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng lâu dài, có thể điều trị đau bằng các loại thuốc không hormone (thuốc giảm đau, NSAIDs) hoặc hormone (progestin, GnRH analogues, AI). Cần lưu ý rằng, điều trị nội khoa không có tác dụng làm khối u nang biến mất. Người bệnh khó có con hoặc vô sinh sẽ được điều trị tại chuyên khoa hỗ trợ sinh sản.

- Điều trị phẫu thuật: được lựa chọn khi người bệnh gặp phải biến chứng như vỡ nang, xoắn phần phụ hoặc kích thước nang quá lớn gây chèn ép các cơ quan vùng chậu (niệu quản, trực tràng) hoặc triệu chứng đau trầm trọng và không đáp ứng với điều trị nội khoa. Phẫu thuật bóc u nang có thể gây suy giảm dự trữ buồng trứng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai của người phụ nữ, vì vậy, không nên lựa chọn phẫu thuật cho những trường hợp nang lạc NMTC không có biến chứng. Sau phẫu thuật, bạn vẫn có nguy cơ tái phát nang lạc NMTC (20-30%). Do đó, người bệnh nên tiếp tục theo dõi phụ khoa định kỳ, có thể cần phối hợp điều trị nội khoa sau phẫu thuật nhằm hạn chế nguy cơ tái phát hoặc để kiểm soát triệu chứng đau (nếu vẫn còn đau sau phẫu thuật). Ở hầu hết trường hợp, bệnh lý sẽ thuyên giảm khi người bệnh bước vào thời kỳ mãn kinh.

Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch khám quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.

 

 

 

Bài viết liên quan

Vô sinh ở nữ giới: Triệu chứng và nguyên nhân
Xét nghiệm phụ khoa và những điều cần biết
Men vi sinh có thực sự cần thiết trong điều trị phụ khoa?
Dung dịch vệ sinh phụ nữ được tin dùng nhiều nhất, bạn đã biết?
Hội chứng buồng trứng buồng trứng đa nang (PCOS) - Câu hỏi thường gặp