googleb578e89369db4e48.html

Thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai

14:49 - 12/04/2024 Lượt xem: 387 Tác giả: Thanh Nga

Tăng huyết áp thai kỳ có thể xảy ra ở khoảng 5-10% phụ nữ mang thai. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể tiến triển đến tiền sản giật, sản giật và gây ra nhiều tác động xấu cho mẹ và thai nhi.

1. Tăng huyết áp thai kỳ, mẹ đã biết?

tăng huyết áp thai kỳ

Tăng huyết áp thai kỳ là tăng huyết áp xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ và trở về bình thường 6 tuần sau sinh (được đo 2 lần cách nhau 4 giờ) và không có protein niệu.

Khi HA tâm thu > 140mmHg và/hoặc HA tâm trương > 90 mmHg (với người không biết số đo HA bình thường: Khi HA tâm trương tăng 15mmHg hoặc HA tâm thu tăng trên 30 mmHg so với huyết áp bình thường trước khi có thai (được đo sau nghỉ ngơi ít nhất 10 phút)).

Tăng huyết áp thai kỳ được chia thành các mức độ nhẹ khi huyết áp từ 140-159/90-109 mmHg, mức độ nặng khi huyết áp ≥160/100 mmHg. Các thể bệnh tăng huyết áp trong thời gian mang thai:

  • Tăng huyết áp không kèm theo protein niệu hoặc phù (Tăng huyết áp thai kỳ).
  • Tiền sản giật nhẹ.
  • Tiền sản giật nặng.
  • Tiền sản giật trên người có tăng huyết áp mạn tính.
  • Sản giật.
  • Tăng huyết áp mạn tính.

Việc điều trị tăng huyết áp thai kỳ phụ thuộc vào rủi ro và lợi ích trên người mẹ và thai nhi. Điều trị tăng huyết áp khi mang thai ở thể nhẹ đến trung bình có thể không làm giảm nguy cơ trên người mẹ hoặc thai nhi. Tuy nhiên đối với thể nặng, cần được điều trị để giảm nguy cơ trên người mẹ.

2. Thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai

Các thuốc sau đây là những thuốc được ưu tiên chọn lựa hàng đầu trong điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai, do những thuốc này có tính an toàn, không gây những tác hại cho mẹ và thai nhi

  • Methyldopa (dopegyt): Là loại thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương được chỉ định điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ mang thai vì không tác động tiêu cực lên sự phân bố mạch máu tử cung - nhau thai và phôi thai. Thuốc dùng ở dạng viên với hàm lượng 250mg hoặc 500mg. Tuy nhiên, người sử dụng thuốc cũng cần lưu ý đến một số tác dụng phụ của thuốc như buồn ngủ, chóng mặt và rối loạn chức năng gan. 

tăng huyết áp thai kỳ

  • Hydralazin (Apresoline): Là thuốc giãn mạch và giảm sức cản ngoại vi, có tác dụng hạ huyết áp, đặc biệt ở những thai phụ bị cao huyết áp nặng và tiền sản giật. Thường dùng đường tiêm tĩnh mạch điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai.
  • Labetalol (Trandate): Là thuốc đối kháng kết hợp α1 và β-adrenergic với tác dụng giãn mạch, làm giảm sức cản ngoại vi, hạ huyết áp. Đây là loại thuốc an toàn cho phụ nữ có thai mà không ảnh hưởng đến lưu lượng máu tử cung nhau thai. Trong một nghiên cứu so với giả dược được chỉ định điều trị cao huyết áp từ nhẹ đến trung bình, labetalol đã chứng minh hiệu quả của nó mà không có bất kì nguy cơ phát triển chậm trong tử cung (IUGR) hay hạ đường huyết sơ sinh, ngoài ra thuốc này có thể giảm nguy cơ sinh non, hội chứng suy hô hấp sơ sinh, vàng da. Labetalol thường được bào chế ở dạng viên với hàm lượng 100mg, 200mg hoặc cũng có thể ở dạng thuốc tiêm.

3. Thuốc điều trị tăng huyết áp nào mẹ bầu nên tránh?

Các nhóm thuốc cần tránh sử dụng gồm:

Nhóm ức chế men chuyển (captopril, lisinopril, enalapril, perindopril,…)

Sử dụng trên đối tượng phụ nữ có thai có thể gây tăng kali máu, hạ huyết áp, suy thận ở thai nhi, dẫn đến teo chân tay, giảm sản phổi, dị dạng, giảm sản sọ trẻ sơ sinh, chậm tăng trưởng trong tử cung và thai lưu,... Khuyến cáo không dùng trong 6 tháng cuối thai kỳ.

Nhóm đối kháng với thụ thể angiotensin II (telmisartan, losartan, irbesartan,…)

Nhóm thuốc này gây tác dụng phụ cho thai nhi tương tự nhóm ức chế men chuyển nhưng ở mức độ nặng hơn. Khuyến cáo không dùng trong 6 tháng cuối thai kỳ. Nếu sử dụng trong 3 tháng đầu cần theo dõi chặt chẽ.

Nhóm thuốc chẹn canxi ( amlodipin)

Thuốc có thể gây giảm huyết áp mạnh, dẫn tới giảm tưới máu tử cung, gây thiếu oxy cho thai nhi. Ở người, việc sử dụng nhóm thuốc chẹn canxi gây tác dụng phụ vẫn chưa có nghiên cứu được kiểm chứng đầy đủ. Trong trường hợp đặc biệt, vì nifedipin có tính chất chống co thắt tử cung, cần điều trị chống dọa sảy thai theo chỉ định của bác sĩ thì việc dùng thuốc phải được theo dõi cẩn thận.

Nhóm ức chế thụ thể beta (atenolol)

Việc sử dụng nhóm thuốc điều trị cao huyết áp này cho phụ nữ mang thai có thể gây hủy phôi và thai, làm chậm nhịp tim ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Khuyến cáo không nên dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Nhóm thuốc lợi tiểu (furosemid, hydroclorothiazid)

Có thể gây vàng da thai nhi và trẻ sơ sinh nếu mẹ dùng nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp này trong thai kỳ. Khuyến cáo không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai và chỉ sử dụng ở người có thai khi đã cân nhắc rõ giữa lợi ích và nguy cơ.

 

Hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.

Để đặt lịch tới phòng khám 43 Nguyễn Khang quý khách có thể truy cập TẠI ĐÂY hoặc liên hệ zalo: 0342318318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Nguy cơ nghiêm trọng của thuốc lá điện tử đối với thai nhi
Thiếu máu trong thai kỳ và biến chứng có thể xảy ra
Mẹ bầu phù chân có nên đi bộ?
Thai bám ở sẹo mổ lấy thai có nguy hiểm?
Đi tiểu nhiều khi mang thai. Bình thường hay bất thường?