Tìm hiểu về bệnh viêm gan B trong thai kỳ
13:17 - 04/03/2023 Lượt xem: 431
Theo nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 70-90% trẻ sinh ra từ mẹ có HbsAg và HbeAg (+) bị nhiễm HBV và 90% các trẻ lây truyền từ mẹ có nguy cơ chuyển thành viêm gan B mạn tính nếu không được dự phòng lây truyền. Do đó, tất cả phụ nữ đều được khuyến cáo nên tầm soát viêm gan B trong thai kỳ.
1. Viêm gan B trong thai kỳ
Virus viêm gan B (HBV) là một loại virus thuộc họ Hepadnavirus.
Việc nhiễm virus viêm gan B cấp hoặc mãn tính không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Phụ nữ mang thai bị viêm gan B không được điều trị, khả năng lây truyền từ mẹ sang con trên 90%. Đặc biệt nếu mẹ dương tính với kháng nguyên HbeAg và định lượng virus viêm gan B (HBV DNA) ở mức cao thì nguy cơ lây truyền sang con sẽ cao hơn. HBV DNA cao cũng là nguyên nhân chính khiến cho việc phòng ngừa chủ động ở trẻ sơ sinh thất bại. Vì vậy, người mẹ có định lượng virus viêm gan B cao được khuyến cáo sử dụng thuốc kháng virus trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.
Ngoài ra, có 90% trẻ bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ trong giai đoạn chu sinh (giai đoạn từ tuần thứ 28 đến hết tuần đầu sau sinh) sẽ tiến triển thành viêm gan mãn tính. Do đó, tất cả phụ nữ mang thai đều được khuyến cáo nên tầm soát viêm gan B.
2. Ảnh hưởng viêm gan B với thai kỳ
Viêm gan cấp ít xảy ra ở phụ nữ mang thai, nếu xuất hiện sẽ tăng nguy cơ diễn biến mạn tính
Viêm gan mạn ở mẹ bầu: mẹ bị xơ gan có nguy cơ tiến triển thành xơ gan mất bù, tăng nguy cơ vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Thời kì hậu sản: dễ tiến triển thành viêm gan cấp với tỉ lệ khoảng 25%.
Tăng nguy cơ biến chứng cho mẹ: sẩy thai, sinh non, tăng nguy cơ băng huyết, đái tháo đường thai kỳ. Tăng tỉ lệ tử vong chu sinh cho trẻ sơ sinh.
Lây truyền từ mẹ sang con trong thai kì, trong khi chuyển dạ và một thời gian ngắn sau sinh. 70-90% trẻ sinh ra từ mẹ có HbsAg và HbeAg (+) bị nhiễm HBV và 90% các trẻ lây truyền từ mẹ có nguy cơ chuyển thành viêm gan B mạn tính nếu không được dự phòng lây truyền.
3. Các phương pháp chẩn đoán viêm gan B trong thai kỳ
Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan là một trong những xét nghiệm đầu tiên được đề nghị để kiểm tra chức năng của gan, có thể kể đến như AST, ALT, ALP, GGT và một vài xét nghiệm khác phụ thuộc vào các triệu chứng của thai phụ.
Ngoài ra, để xác định chính xác loại virus viêm gan cũng như nồng độ của virus, các bác sĩ nội tiêu hóa – gan mật sẽ đề nghị thêm một số xét nghiệm chuyên sâu:
Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) là cách chính để xác định HBV cho phụ nữ mang thai. Ủy ban Tư vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) Hoa Kỳ khuyến cáo, tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm HBsAg trong mỗi lần mang thai.
4. Điều trị và dự phòng viêm gan B trong thai kỳ
Điều trị:
Tất cả các phụ nữ mang thai cần được làm xét nghiệm tầm soát viêm gan B trong quý 1 thai kì. Nếu HbsAg (+), HbeAg (+) và HBV DNA >106 copies/ml, sản phụ cần được điều trị dự phòng với Tenofovir disoproxil fumarate (TDF) 300mg/ viên/ ngày từ tuần 24 - 28 của thai kỳ, nếu muộn hơn thì nên bắt đầu ít nhất 4 tuần trước sinh và liên tục đến 4 - 12 tuần sau sinh (Chú ý điều chỉnh liều theo mức lọc cầu thận). Làm lại xét nghiệm HBV DNA sau sinh 3 tháng để quyết định ngừng thuốc hay tiếp tục điều trị nếu mẹ đủ tiêu chuẩn điều trị.
Việc sử dụng phương pháp mổ lấy thai để giảm khả năng lây truyền của virus viêm gan B từ mẹ sang con không được khuyến cáo.
Dự phòng:
Dự phòng đặc hiệu bằng vacxin viêm gan B: là biện pháp cốt lõi, WHO khuyến cáo tất cả các trẻ cần được tiêm vacxin viêm gan B. Có thể sử dụng 3 hoặc 4 liều riêng lẽ trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Loạy vacxin đầy đủ tạo ra mức kháng thể bảo vệ cho hơn 95% trẻ nhỏ, bảo vệ ít nhất 20 năm và có thể suốt đời.
Tiêm vắc xin viêm gan B sau sinh cho tất cả trẻ em theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ sinh ra từ mẹ có HbsAg(+): tiêm kháng huyết thanh viêm gan B và vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh. Nên tiêm cùng thời điểm nhưng ở hai vị trí khác nhau. Sau đó tiêm đầy đủ các liều vắc xin viêm gan B cho trẻ theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng. Xét nghiệm HBsAg và anti-HBs cho trẻ > 12 tháng tuổi để đánh giá tình trạng nhiễm HBV.
Viêm gan B trong thai kỳ có liên quan đến các biến chứng thai kỳ và thai nhi. Do đó, việc tuân thủ các hướng dẫn sàng lọc là chìa khóa để giảm lây truyền viêm gan virus từ mẹ sang con.
Ngoài những thông tin bài viết cung cấp ở trên các mẹ bầu hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch siêu âm, quản lí thai tại phòng khám sản phụ khoa quý khách có thể đặt lịch TẠI ĐÂY.