googleb578e89369db4e48.html

Trào ngược bàng quang-niệu quản ở trẻ nhỏ

10:48 - 02/06/2022 Lượt xem: 538 Tác giả: Thanh Nga

Trào ngược bàng quang-niệu quản thường được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể dẫn đến tổn thương thận nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Bệnh trào ngược bàng quang-niệu quản là gì?

Hệ tiết niệu gồm các cơ quan: thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Thận làm nhiệm vụ lọc máu, tạo nước tiểu, nước tiểu theo niệu quản đi đến bàng quang và được lưu trữ tại đây. Niệu đạo là đường bài xuất nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.

Trào ngược bàng quang - niệu quản là tình trạng có nước tiểu từ bàng quang chảy ngược lên niệu quản (ống nối giữa thận và bàng quang). Bình thường nước tiểu sẽ không quay trở lại niệu quản nhờ cơ chế chống trào ngược kiểu nắp túi áo. Bệnh trào ngược bàng quang - niệu quản thường được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh dễ gây nhiễm trùng đường tiết niệu và tổn thương thận.

Người ta chia trào ngược bàng quang - niệu quản thành 5 độ dựa vào phim cản quang bàng quang lúc đi tiểu. Cụ thể:

  • Độ 1: Trào ngược chỉ đến niệu quản
  • Độ 2: Trào ngược lên đến đài thận
  • Độ 3: Giãn nhẹ niệu quản, đài bể thận, còn các góc nhọn đài thận
  • Độ 4: Giãn vừa niệu quản, đài bể thận và mất góc nhọn ở đài thận
  • Độ 5: Giãn nặng niệu quản (ngoằn nghèo) và đài bể thận, không hiển thị rõ hình ảnh đài thận.

2. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược bàng quang-niệu quản

  • Thói quen: Nhịn tiểu, nhịn đi ngoài nhiều
  • Giới tính: Về nguyên nhân bẩm sinh, trẻ nam hay bị trào ngược bàng quang niệu quản hơn trẻ nữ. Tuy nhiên, về tỷ lệ mắc bệnh chung thì nữ giới cao hơn nam giới
  • Tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi hay mắc bệnh trào ngược bàng quang - niệu quản hơn trẻ lớn
  • Tiền sử gia đình: Người có bố, mẹ, anh, chị em bị ngào ngược bàng quang - niệu quản có nguy cơ mắc bệnh cao.

3. Nguyên nhân gây trào ngược bàng quang-niệu quản

Nguyên nhân gây bệnh trào ngược bàng quang - niệu quản có thể là nguyên phát hoặc thứ phát:

- Nguyên phát:

Bệnh nhân khi sinh ra có dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu, cụ thể là thiếu van ngăn không cho nước tiểu chảy ngược từ bàng quang vào niệu quản. Khi trẻ lớn lên, niệu quản dài và thẳng ra, có thể cải thiện và giải quyết được vấn đề trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản.

Ngoài ra, các dị tật bẩm sinh khác như: nhược cơ tam giác niệu, dị dạng niệu quản (lỗ niệu quản rộng, niệu quản lạc chỗ, trào ngược niệu quản do túi phồng niệu quản bên đối diện), dị dạng bàng quang (túi thừa bàng quang cạnh niệu quản, liệt bàng quang) cũng gây trào ngược bàng quang niệu quản.

- Thứ phát:

Bàng quang không đào thải được nước tiểu, có tắc nghẽn, tổn thương cơ hoặc tổn thương thần kinh điều khiển quá trình tiểu tiện. Nước tiểu bị ứ lại bàng quang gây tăng áp lực và dẫn tới trào ngược. Nguyên nhân là do bệnh nhân mắc các bệnh lý như viêm đường tiết niệu, bàng quang thần kinh, tắc đường tiết niệu dưới (van niệu đạo sau, hẹp niệu đạo).

4. Triệu chứng bệnh trào ngược bàng quang-niệu quản

  • Cảm giác buồn tiểu nhiều và kéo dài
  • Tiểu buốt, hay nhịn tiểu do tiểu buốt
  • Tiểu nhiều lần, mỗi lần tiểu được lượng ít
  • Tiểu ra máu hoặc tiểu ra nước tiểu đục, nặng mùi
  • Sốt
  • Đau vùng hông lưng hoặc vùng bụng
  • Ở trẻ sơ sinh, biểu hiện bệnh là sốt, tiêu chảy, ăn kém, hay quấy khóc
  • Ở trẻ lớn hơn, bệnh có thể khiến trẻ hay tè dầm, táo bón, suy thận.

5. Biện pháp cải thiện tình trạng trào ngược bàng quang-niệu quản

  • Cho trẻ uống đủ nước theo lời khuyên của bác sĩ
  • Cho trẻ đi tiểu đều và vệ sinh từ trước ra sau
  • Thay bỉm sớm
  • Điều trị táo bón nếu có.

Phụ huynh nên chú ý quan sát trẻ, nếu bé có những triệu chứng cảnh báo bệnh trào ngược bàng quang niệu quản thì cần sớm đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị kịp thời, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu hay các biến chứng nguy hiểm khác.

Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch khám quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.

 

 

 

Bài viết liên quan

Thời điểm nào nên xét nghiệm vi chất cho bé?
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa còi xương ở trẻ
Grow baby dạng xịt - Hỗ trợ phát triển chiều cao và trí não cho trẻ
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm miệng
Một số triệu chứng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh