Vai trò của vitamin B3 đối với cơ thể
16:59 - 22/04/2022 Lượt xem: 1334 Tác giả: Kim Ngân
1. Vitamin B3 là gì?
Vitamin B3 có tên hóa học là Niacin, một hợp chất có khả năng tan trong nước, rất quan trọng với hoạt động sống nhưng cơ thể không tổng hợp được đủ nhu cầu, cũng không dự trữ được. Vì thế hàng ngày, cơ thể cần dùng vitamin B3 bổ sung từ thực phẩm để sử dụng, nếu dư thừa sẽ bài tiết thải ra ngoài qua đường nước tiểu.
Vitamin B3 tồn tại ở hai dạng cấu tạo hóa học với những vai trò khác nhau với cơ thể:
Acid Nicotinic
Đây là dạng vitamin có thể làm giảm lượng Cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Niacinamide
Niacinamide không làm giảm cholesterol mà có tác dụng trong ngăn ngừa bệnh ung thư da và điều trị bệnh vảy nến.
Được xếp vào nhóm vitamin B3 nên Niacin có khả năng chuyển hóa carbohydrate, chất béo và protein từ thực phẩm thành năng lượng, hỗ trợ các enzyme thực hiện quá trình này. Ngoài ra, Vitamin này cũng tham gia vào quá trình truyền tín hiệu và hoạt động như một chất chống oxy hóa hiệu quả.
Cơ thể người cần được cung cấp đủ lượng Niacin cần thiết mỗi ngày, cụ thể còn tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi và tình trạng bệnh lý. Với người bình thường, vitamin này được khuyến cáo nên bổ sung từ nguồn thực phẩm, các trường hợp cần dùng Niacin liều cao cần có chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
2. Vai trò của vitamin B3 đối với cơ thể
Ngăn ngừa bệnh lý tim mạch
Một trong những tác dụng của vitamin B3 là giúp ngăn bệnh tim mạch vì vitamin B3 có tác dụng điều hòa các loại cholesterol theo hướng tốt hơn. Ngoài ra vi chất này còn có khả năng giảm viêm và stress oxy hóa nên giúp phòng ngừa được chứng xơ cứng, xơ vữa động mạch.
Thực tế đã có nghiên cứu chứng minh, bổ sung vitamin B3 đơn lẻ hoặc kết hợp với statin giúp giảm nguy cơ mắc vấn đề sức khỏe liên quan đến tim mạch.
Giúp cân bằng chất béo
Ngoài tác dụng giảm Cholesterol xấu, vitamin B3 còn giúp tăng mức cholesterol tốt đạt tới 15 - 35%. Với chất béo trung tính triglyceride, Niacin tác dụng đến 1 loại enzyme liên quan đến tổng hợp chất béo này, vì thế làm giảm triglyceride trong máu.
Như vậy, vitamin B3 có tác dụng rất tốt trong điều hòa cholesterol, giảm chất béo trong máu, giúp ngăn ngừa bệnh lý tim mạch và huyết áp liên quan.
Hỗ trợ điều trị tiểu đường
Tiểu đường type 1 là dạng bệnh tự miễn, khi hệ miễn dịch cơ thể tấn công tế bào tạo insulin dẫn tới thiếu hụt dưỡng chất này, đường không được chuyển hóa tốt tích tụ trong máu. Người mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể dùng vitamin B3 bổ sung để hỗ trợ điều trị bệnh, ngăn ngừa biến chứng, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Với bệnh tiểu đường type 2, vai trò của vitamin B3 phức tạp hơn nhưng nó cũng có khả năng giảm mức cholesterol trong máu, ngăn ngừa biến chứng tim mạch.
Giảm tiến triển bệnh viêm khớp
Viêm khớp là bệnh khá thường gặp, gây đau đớn và giảm khả năng vận động của khớp. Các nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra, dùng vitamin B3 giúp cải thiện khả năng vận động của khớp, giảm nhu cầu dùng thuốc chống viêm NSAID.
Giúp tăng cường chức năng não
Hoạt động của não không thể thiếu vitamin này. Thực tế, một số bệnh lý tâm thần như tâm thần phân liệt, sương mù não đã được điều trị bằng Niacin như một chất bổ sung.
Với bệnh nhân Alzheimer, vitamin B3 cũng giúp não khỏe mạnh và giảm tiến triển bệnh. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu chứng minh hơn để có thể áp dụng vitamin này trong điều trị thực tế.
Điều trị bệnh Pellagra
Bệnh Pellagra xảy ra ở những người bị thiếu hụt vitamin B3 trầm trọng, nguyên nhân thường do kém hấp thu hoặc rối loạn chuyển hóa. Vì thế uống bổ sung vitamin B3 là phương pháp điều trị cho căn bệnh này.
Loại bỏ độc tố
Vitamin B3 cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể, loại bỏ những độc tố ra khỏi cơ thể thông qua việc tiết mồ hôi. Vitamin B3 được chứng minh có khả năng ngăn ngừa một số bệnh ung thư da, dưỡng chất này cũng đang được sử dụng dưới dạng uống hoặc bôi như kem dưỡng da.
3. Nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin B3
Nguyên nhân của việc thiếu vitamin B3 (niacin) là do thiếu tryptophan (một loại acid amin). Dạng này gây ra chứng rối loạn gọi là Pellagra. Ngoài ra, những điều sau đây có thể dẫn đến sự thiếu hụt niacin:
- Nghiện rượu.
- Bệnh tiêu chảy.
- Xơ gan.
- Thuốc trị lao isoniazid (Laniazid, Nydrazid) nếu dùng trong thời gian dài.
4. Cách dự phòng thiếu vitamin B3
- Bổ sung vitamin B3 thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày
- Có lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ và bổ sung vitamin B3 trong trường hợp thiếu và được bác sĩ chỉ định dùng thuốc.
Hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.