Quy trình đo đường huyết mao mạch

14:21 - 22/12/2022 Lượt xem: 568 Tác giả: Thanh Nga

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hoá đang có tốc độ phát triển nhanh chóng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Việc theo dõi điều trị bệnh hiện có nhiều phương pháp khác nhau, trong đó xét nghiệm đường huyết mao mạch (ĐMMM) là một kĩ thuật rất đơn giản dễ làm dễ áp dụng. Tuy vậy, nó cũng cần đòi hỏi phải tuân thủ một số quy trình kĩ thuật cơ bản. Nếu không làm đúng quy trình thì kết quả ĐMMM sẽ không chính xác ảnh hưởng rất lớn tới kết quả điều trị.

1. Ưu điểm xét nghiệm đường huyết mao mạch

Phương pháp xét nghiệm đường huyết mao mạch đã được áp dụng từ rất lâu do nó có các ưu điểm sau:

  • Lượng máu lấy từ bệnh nhân là rất nhỏ và ít khó khăn hơn so với lấy máu tĩnh mạch.
  • Có thể làm xét nghiệm đường máu mao mạch tại giường.
  • Phù hợp với tần suất kiểm tra đường huyết thường xuyên của bệnh nhân tiểu đường.
  • Không gây nhiều đau đớn hay sẹo tại vị trí lấy máu.

2. Chỉ định và chống chỉ định của lấy máu mao mạch

Chỉ định

- Số lần đo ĐMMM trong ngày, trong tuần cũng như các thời điểm đo được bác sỹ điều trị ra chỉ định dựa trên tình trạng bệnh và nhu cầu bệnh lý của người bệnh.

+ Các trường hợp NB đang điều trị với Insulin, đang điều chỉnh liều thuốc hạ đường máu, phụ nữ mang thai có chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ có thể thử một đến nhiều lần trong ngày (thường trước các bữa ăn và sau các bữa ăn 1 hoặc 2 giờ).

+ Nếu các trường hợp đang dùng ổn định các thuốc viên hạ đường máu có thể thử đường máu 2 đến 3 lần trong tuần vào trước, sau các giờ ăn và trước giờ đi ngủ.

- Các thời điểm khác: Người bệnh đái tháo đường có thể thử bất kể khi nào có các triệu chứng bất thường như: khát nhiều, tiểu nhiều, đói, bủn rủn tay chân, vã mồ hôi hoặc trước và sau khi luyện tập thể lực.

Chống chỉ định

Không có chống chỉ định tuyệt đối với việc thử đường máu.

3. Quy trình thực hiện xét nghiệm đường máu mao mạch

Chuẩn bị người bệnh

  • Kiểm tra họ tên người bệnh, số giường, giờ chỉ định thử đường máu.
  • Thông báo, hướng dẫn, giải thích để bệnh nhân hợp tác.
  • Đề nghị người bệnh rửa sạch và lau khô tay hoặc sát trùng bằng bông cồn rồi để khô.
  • Để người bệnh ở tư thế thích hợp (ngồi hoặc nằm).

Chuẩn bị dụng cụ

  • Dụng cụ bắt buộc gồm máy thử đường máu, que thử đường máu, kim chích máu, bút chích máu, bảng theo dõi đường máu.
  • Kiểm tra que thử đường máu (Hạn dùng, thời gian sử dụng kể từ khi mở hộp que thử), kiểm tra máy thử (Tình trạng máy, pin).
  • Hộp đựng bông cồn 70 độ, bông khô.
  • Hộp đựng chất thải như que thử, kim chích máu đã sử dụng.

Các bước tiến hành

Bước 1: Điều dưỡng rửa tay, đội mũ, đeo khẩu trang.

Bước 2: Kiểm tra độ dày của da nạn nhân, lắp kim vào bút chích máu và điều chỉnh độ sâu phù hợp.

Bước 3: Cẩn thận lấy que thử ra khỏi hộp (đậy nắp hộp lại ngay).

Bước 4: Đưa que thử vào máy để máy tự khởi động hoặc và bật máy thử đường máu, đối chiếu code hiện trên máy có trùng với code của que thử không (nếu không trùng phải chỉnh lại cho đúng).

Bước 5: Điều dưỡng cầm tay người bệnh vuốt nhẹ dồn máu từ gốc ngón tay lên đầu ngón tay (một trong bốn ngón, ngón 2, 3, 4, 5), đầu bút chích máu được đưa vào mép ngoài cạnh đầu ngón và bấm bút chích máu, nặn nhẹ để lấy đủ giọt máu (tùy theo từng loại máy mà lấy ít hay nhiều máu)

Bước 6: Tùy từng loại máy mà máu được thấm vào giấy thử rồi cắm vào máy, hoặc để cạnh để que thử hút máu

đường huyết mao mạch

Bước 7: Vệ sinh vị trí lấy mẫu trên tay người bệnh bằng bông khô.

Bước 8: Đợi máy hiện kết quả (từ 5- 45 giây), đọc kết quả, thông báo kết quả cho NB, dặn dò NB những điều cần thiết (như ăn ngay nếu đường máu thấp...).

Bước 9: Loại bỏ ngay kim và que thử đường huyết đã sử dụng vào hộp đựng rác thải y tế phù hợp.

Bước 10: Thu dọn dụng cụ, rửa tay.

Lưu ý: Một số lỗi có thể gặp

  • Ngón tay bị ướt (do cồn, nước) làm loãng và không tạo được giọt máu dẫn đến làm sai kết quả đường máu.
  • Không chỉnh code máy cho phù hợp với que thử.
  • Que thử có dấu hiệu bị ẩm hoặc hết hạn sử dụng.
  • Lượng máu lấy không đủ dẫn đến hỏng que thử hoặc cho kết quả không chính xác.

4. Đánh giá kết quả xét nghiệm đường huyết mao mạch

Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm đường huyết mao mạch còn tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể. Theo khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2015 chỉ số xét nghiệm đường huyết mao mạch trước ăn từ 4,4 - 7,2 mmol/l và sau ăn 2 giờ < 10 mmol/l là đạt mục tiêu.

Đối với phụ nữ mang thai có chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì mục tiêu đường máu đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ hơn.

  • Trước ăn: < 5,3 mmol/L.
  • Sau ăn 1h: < 7,8 mmol/L.
  • Sau ăn 2h: < 6,7 mmol/L.

Người thực hiện xét nghiệm cần ghi lại phiếu điều dưỡng gồm ngày giờ đo, ghi kết quả vào sổ theo dõi và cần báo với bác sĩ và kịp thời xử trí khi kết quả đường máu bất thường quá cao (HI) hoặc quá thấp (LO).

 Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai
Các thuốc chống chỉ định trong thai kỳ, mẹ bầu cần nhớ
Vitamin A và nguy cơ dị tật thai nhi
Ngộ độc Paracetamol và lưu ý khi dùng cho phụ nữ mang thai
Ốm nghén nặng, mẹ bầu nên dùng gì?