Vai trò của kẽm đối với cơ thể

14:51 - 18/05/2022 Lượt xem: 387 Tác giả: Thanh Nga

Kẽm là một nguyên tố vi lượng quan trọng, là thành phần không thể thiếu trong cơ thể con người. Nó tham gia vào thành phần cấu trúc tế bào, tác động đến hầu hết các quá trình sinh học trong cơ thể, hoạt hóa nhiều enzym khác nhau, tác động chọn lọc lên quá trình tổng hợp, phân giải acid nucleic và protein - những thành phần quan trọng nhất của sự sống.

1. Vai trò của kẽm

Kẽm có nhiều chức năng sinh học quan trọng do nó liên quan đến cấu hình và chức năng của một loạt enzyme và các yếu tố phiên mã nhân tế bào. Nó là thành phần thiết yếu của nhiều loại protein, đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phân chia tế bào, tham gia hình thành các tổ chức, phát triển cơ thể như tạo tế bào máu, tái cấu trúc tim, tạo tế bào mỡ, duy trì tế bào gốc, phát triển hệ xương và cơ trơn, tái tạo các tế bào thần kinh võng mạc. Kẽm là thành phần không thể thiếu để sản xuất insulin- hormone có vai trò điều tiết lượng đường máu.

Kẽm đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của thai nhi (do thời kì này các tế bào phát triển rất nhanh), trong việc phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên.

Vai trò quan trọng với hệ miễn dịch vì kẽm kích thích sự phát triển các tế bào lympho B và lympho B, từ đó tạo một hệ thống phòng thủ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, tăng cường đề kháng và chống lại nhiễm trùng.

Kẽm là khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ, vùng trung tâm bộ nhớ của não gọi là “vùng đồi hải mã” có hàm lượng kẽm rất cao. Kẽm và vitamin B6 có vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh.

Kẽm còn có vai trò quan trọng đối với chức năng sinh sản. Ở nam giới, kẽm có nồng độ cao trong tuyến tiền liệt, tham gia vào sự trao đổi nội tiết tố, cân bằng chức năng tuyến tiền liệt, giúp duy trì số lượng và tính di động của tinh trùng và nồng độ testosterone trong huyết thanh. Thiếu kẽm làm chậm dậy thì ở trẻ nam, giảm chất lượng tinh trùng và khả năng tình dục của nam giới. Ở nữ giới, kẽm có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, làm giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.

Kẽm giúp điều hòa vị giác và cảm giác ngon miệng.

Ngoài ra, kẽm còn giúp hấp thu và chuyển hóa các nguyên tố vi lượng khác như: đồng (Cu), mangan (Mn), magne (Mg),... Do vậy, khi cơ thể thiếu kẽm sẽ kéo theo sự thiếu hụt hoặc rối loạn chuyển hóa của nhiều yếu tố, ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe.

2. Nhu cầu hàng ngày.

vai trò của kẽm đối với cơ thể

Khuyến nghị về nhu cầu hằng ngày đối với kẽm như sau:

- Trẻ 0-6 tháng: 2mg/ngày

- Trẻ 7-11 tháng: 3mg/ngày

- Trẻ 1-3 tuổi: 3mg/ngày

- Trẻ 4-8 tuổi: 5mg/ngày

- Trẻ 9-13 tuổi: 8mg/ngày

- Nam giới (từ 14 tuổi trở lên): 11mg/ngày

- Nữ giới (19 tuổi trở lên): 8mg/ngày

- Phụ nữ mang thai (sau 18 tuổi): 11-12mg/ngày

- Phụ nữ cho con bú: 12-13mg/ngày

Các thực phẩm giàu kẽm có thể kể đến như: hàu, gan, sò, thịt đỏ, trứng, ngũ cốc thô, các loại đậu, các loại rau, củ, trái cây..

Tuy có vai trò quan trọng như trên nhưng các biểu hiện của thiếu kẽm lại vô cùng thầm lặng, tiềm tàng, khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Ví dụ, mất cảm giác thèm ăn, rụng tóc, chức năng hệ miễn dịch suy yếu, tiêu chảy, tổn thương da và mắt, tăng trưởng chậm ở trẻ em và chứng bất lực ở nam giới. Hơn nữa kẽm không được dự trữ lâu dài trong cơ thể để “dùng dần” do vậy cần đảm bảo chế độ ăn hàng ngày có đủ kẽm.

Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai
Các thuốc chống chỉ định trong thai kỳ, mẹ bầu cần nhớ
Vitamin A và nguy cơ dị tật thai nhi
Ngộ độc Paracetamol và lưu ý khi dùng cho phụ nữ mang thai
Ốm nghén nặng, mẹ bầu nên dùng gì?