Vai trò của vitamin B12 đối với cơ thể

11:01 - 28/05/2022 Lượt xem: 699 Tác giả: Kim Ngân

1. Vitamin B12 là gì?

Vitamin B12 (cobalamin) là một loại vitamin tan trong nước, đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành tế bào hồng cầu, chuyển hóa tế bào, chức năng thần kinh và sản xuất ADN.

2. Vai trò của Vitamin B12

Vai trò của vitamin B12 đối với cơ thể

Giúp tạo ra hồng cầu, ngăn ngừa thiếu máu

Vitamin B12 có vai trò trong quá trình tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nó giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu ác tính, một căn bệnh dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi và suy nhược mạn tính.

Giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa thần kinh và ngăn ngừa mất trí nhớ

Thiếu vitamin B12 có thể gây ra nhiều rối loạn thần kinh và tâm thần. Bởi nó có vai trò trong truyền tín hiệu thần kinh và bảo vệ tế bào thần kinh nên nó được sử dụng để giảm nguy cơ bệnh thoái hóa thần kinh. Bao gồm bệnh Alzheimer và chứng mất trí.

Cải thiện tâm trạng và triệu chứng trầm cảm

Một trong những lợi ích vitamin B12 được nghiên cứu nhiều nhất là khả năng giúp điều hòa hệ thần kinh, làm giảm các rối loạn tâm trạng như trầm cảm và lo âu. Vitamin B12, cùng với folate, là yếu tố quyết định chính của quá trình chuyển hóa và tổng hợp ra hợp chất SAM (S-adenosyl methionine). SAM rất quan trọng trong chức năng thần kinh, nó giúp đối phó với căng thẳng và điều chỉnh tâm trạng. Ngoài ra, vitamin B12 còn cần thiết cho quá trình nhận thức và tập trung.

Duy trì sức khỏe tim mạch

Homocysteine ​​là một acid amin, hiện nay được xem là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim. Nồng độ của nó trong máu bị ảnh hưởng bởi nồng độ vitamin nhóm B trong máu, bao gồm vitamin B12. Bằng cách hạ thấp mức homocysteine ​​trong máu, Vitamin B12 giúp ngăn ngừa các bệnh tim như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Cũng có một số bằng chứng cho thấy B12 có thể giúp kiểm soát cholesterol và tăng huyết áp. Vitamin B12 cũng có thể kiểm soát bệnh xơ vữa động mạch ở người có tiền sử xơ vữa mạch.

Hỗ trợ tiêu hóa

B12 là thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất enzyme tiêu hóa và giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn tốt trong môi trường đường ruột. Việc loại bỏ vi khuẩn có hại trong đường tiêu hóa và đồng thời nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi sẽ ngăn ngừa các rối loạn tiêu hóa như viêm ruột (IBS) hoặc Candida.

Chăm sóc da, tóc, móng

Đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo tế bào vì thế rất cần để nuôi dưỡng da, tóc, móng khỏe mạnh. Hạn chế tình trạng khô da, mụn trứng cá, tóc gãy rụng cũng như móng dễ gãy. Nó cũng có thể làm giảm gãy rụng tóc và giúp móng tay trở nên chắc khỏe hơn.

Giúp duy trì năng lượng

Vitamin B12 có lợi cho sự trao đổi chất của bạn bởi vì nó cần thiết cho sự chuyển đổi carbohydrate trong thực phẩm thành glucose để sử dụng trong cơ thể. Glucose được sử dụng tạo ra năng lượng, vì vậy đây là lý do tại sao những người bị thiếu hụt vitamin B12 thường hay mệt mỏi. Vitamin B12 cũng cần thiết cho việc truyền tín hiệu thần kinh.

Cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh

Vai trò của vitamin B12 đối với cơ thể

Vitamin B12 có vai trò trong việc tạo ra axit nucleic hoặc DNA – vật liệu di truyền cơ bản được sử dụng để tạo ra toàn bộ cơ thể. Do đó, vitamin B12 không chỉ là chất dinh dưỡng quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển mà còn là một thành phần quan trọng cho một thai kỳ khỏe mạnh. Cung cấp đủ Vitamin B12 cùng với folate cho mẹ giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như khuyết tật ống thần kinh.

Ngăn ngừa ung thư

Nghiên cứu hiện nay cho thấy bổ sung vitamin B12 cùng folate giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy vitamin B12 có lợi cho hệ thống miễn dịch, giúp ngăn ngừa ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt hay ung thư đại tràng.

Thiếu vitamin B12 gây ra bệnh gì?

Thiếu vitamin B12 cho thấy ảnh hưởng rõ rệt lên những tế bào có sự phân bào nhiều như các tế bào máu, tế bào biểu mô (nhất là ở niêm mạc đường tiêu hóa).

Trên thực tế, hầu hết các trường hợp thiếu máu nguyên bào khổng lồ là do thiếu vitamin B12 hoặc acid folic. Người bệnh xanh xao, yếu, dễ mệt, ăn mất ngon, hồi hộp đánh trống ngực, đau đầu, khó thở, ngất xỉu.

Trường hợp nào dễ gây thiếu vitamin B12

  • Viêm teo dạ dày, trong đó niêm mạc dạ dày mỏng dần đi
  • Thiếu máu ác tính khiến cơ thể khó hấp thụ vitamin B12
  • Các bệnh ảnh hưởng đến ruột non như bệnh Crohn, bệnh celiac, vi khuẩn có hại phát triển hoặc ký sinh trùng
  • Rối loạn hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như bệnh Graves hoặc lupus
  • Đang dùng một số loại thuốc cản trở sự hấp thụ vitamin B12 bao gồm một số loại chữa triệu chứng ợ nóng bao gồm thuốc ức chế bơm proton (PPI) như rabeprazole, omeprazole, esomeprazole, lansoprazole và pantoprazole; Thuốc chẹn H2 như cimetidine, famotidine và ranitidine; và một số loại thuốc trị tiểu đường như metformin.
  • Người thực hiện chế độ ăn chay trường (có nghĩa là bạn không ăn bất kỳ sản phẩm động vật nào, bao gồm thịt, sữa, phô mai và trứng) hoặc bạn là người ăn kiêng nhưng không ăn đủ trứng hoặc các sản phẩm từ sữa để đáp ứng nhu cầu vitamin B12 của cơ thể. Trong cả hai trường hợp trên, bạn có thể thêm thực phẩm được làm giàu vitamin B12 vào chế độ ăn uống của mình hoặc bổ sung thực phẩm chức năng để đáp ứng nhu cầu này.

Hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình bạn nhé.

Bài viết liên quan

Thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai
Các thuốc chống chỉ định trong thai kỳ, mẹ bầu cần nhớ
Vitamin A và nguy cơ dị tật thai nhi
Ngộ độc Paracetamol và lưu ý khi dùng cho phụ nữ mang thai
Ốm nghén nặng, mẹ bầu nên dùng gì?