googleb578e89369db4e48.html

Các yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến sinh non

10:15 - 02/11/2022 Lượt xem: 605 Tác giả: Thanh Nga

Một thai kỳ khỏe mạnh trung bình kéo dài khoảng 40 tuần. Khi trẻ được sinh ra ở thời điểm từ 22 tuần đến trước 37 tuần được gọi là sinh non. So với trẻ sinh đủ tháng, trẻ sinh non có nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn. Các nguy cơ ngắn hạn, gặp phải ngay sau sinh như suy hô hấp, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng, vàng da, nhẹ cân, khó nuôi. Bên cạnh đó, trẻ non tháng cũng tăng khả năng mắc các khuyết tật về phát triển, khiếm thị và khiếm thính trong tương lai. Trẻ sinh non có tuổi thai càng nhỏ thì nguy cơ cho trẻ càng cao, đặc biệt ở tuổi thai dưới 28 tuần. Chuyển dạ sinh non được định nghĩa là khi có cơn co thắt tử cung đều đặn dẫn đến xóa mở cổ tử cung xảy ra trước khi thai nhi được 37 tuần.

1. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh non

   Nguy cơ từ mẹ:

  • Mẹ có bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh lý tự miễn …
  • Các bệnh lý xuất hiện trong thời gian mang thai như: tiền sản giật, nhiễm trùng tiểu, viêm cổ tử cung, viêm ruột thừa, viêm nha chu…
  • Ra huyết âm đạo trong thời gian mang thai
  • Suy dinh dưỡng trước mang thai (BMI < 18,6)
  • Tuổi mẹ dưới 17 hoặc trên 35
  • Hút thuốc lá, uống rượu bia
  • Bất thường tử cung: dị dạng tử cung bẩm sinh, u xơ tử cung, tử cung có sẹo mổ cũ …
  • Cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung
  • Sinh non ở thai kỳ trước

   Nguy cơ từ thai:

  • Đa thai
  • Đa ối
  • Thai thụ tinh ống nghiệm (IVF)
  • Thai chậm tăng trưởng trong tử cung
  • Thai dị tật bẩm sinh
  • Nhau tiền đạo, nhau cài răng lược
  • Ối vỡ non, nhiễm trùng ối

2. Triệu chứng của chuyển dạ sinh non

Để phòng tránh chuyển dạ sớm, thai phụ cần biết các dấu hiệu cảnh báo. Gọi cho nữ hộ sinh hoặc bác sĩ ngay lập tức nếu có biểu hiện:

  • Đau lưng, thường sẽ ở lưng dưới. Tính chất đau có thể thoáng qua hoặc ổn định. Thai phụ cảm thấy đau không giảm khi thay đổi tư thế hoặc làm gì đó để thấy thoải mái.
  • Co thắt cứ sau 10 phút hoặc thường xuyên hơn
  • Co cứng ở bụng dưới hoặc co cứng giống như trong khi có kinh nguyệt. Chúng có thể làm thai phụ cảm thấy như đầy hơi có thể đi kèm với tiêu chảy.
  • Chất lỏng rò rỉ từ âm đạo
  • Các triệu chứng giống như cúm như buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Trong trường hợp này, bạn cần gọi bác sĩ ngay khi có biểu hiện nhẹ. Nếu bạn không thể dung nạp được chất lỏng như nước, trong hơn 8 giờ, bạn phải gặp bác sĩ ngay.
  • Tăng áp lực trong khung chậu hoặc âm đạo
  • Tăng tiết dịch âm đạo
  • Chảy máu âm đạo, bao gồm chảy máu nhẹ

Một số triệu chứng kể trên có thể khó phân biệt với các triệu chứng bình thường của việc mang thai, như đau lưng. Tuy nhiên, vẫn nên cẩn trọng, nếu có các dấu hiệu bất thường cần gặp bác sĩ để tư vấn và điều trị ngay.

3. Trẻ sinh non có nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe gì?

Trẻ sinh non khi có tuổi thai lúc sinh từ 22 – 37 tuần. Trẻ sinh càng non, các nguy cơ sức khỏe càng nghiêm trọng. Đặc biệt, tỉ lệ tử vong chu sinh rất cao ở tuổi thai dưới 28 tuần. Các vấn đề sức khỏe có thể gặp bao gồm:

- Cân nặng lúc sinh thấp

- Chức năng phổi chưa trưởng thành nên dễ bị suy hô hấp sau sinh và tử vong.

- Hệ miễn dịch yếu làm tăng khả năng nhiễm trùng như nhiễm trùng huyết, viêm phổi …

- Rối loạn thân nhiệt: Trẻ dễ bị hạ thân nhiệt do thiếu lớp mỡ dưới da. Hạ thân nhiệt làm tăng nguy cơ tử vong chu sinh, do đó việc phòng tránh hạ thân nhiệt ở trẻ non tháng là rất cần thiết. Trẻ thường được ủ ấm kĩ hơn để phòng tránh hạ thân nhiệt. Đôi khi, trẻ non tháng cũng bị tăng thân nhiệt do trung tâm điều nhiệt trung ương chưa hoàn thiện.

- Rối loạn tiêu hóa: Trẻ sinh non dễ gặp phải các vấn đề liên quan đến việc nuôi ăn. Trẻ hay bị nôn trớ, tiêu chảy, đau bụng, bú kém, trào ngược dạ dày-thực quản… Viêm ruột hoại tử là một biến chứng nguy hiểm có thể gặp ở những trẻ non tháng.

- Ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tâm thần trong tương lai: Trẻ non tháng có thể mắc phải các di chứng thần kinh tiềm ẩn hoặc nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai. Bên cạnh đó, trẻ cũng dễ mắc các khiếm khuyết bẩm sinh như mù, điếc, bệnh tim bẩm sinh…

4. Các biện pháp dự phòng sinh non:

Trong quá trình khám thai bạn sẽ được bác sĩ sản khoa đánh giá các yếu tố nguy cơ sinh non. Mẹ bầu có yếu tố nguy cơ sinh non sẽ được áp dụng một số biện pháp dự phòng tùy vào tình trạng của mỗi cá nhân.

  • Dự phòng bằng thuốc
  • Đặt pessary hoặc khâu cổ tử cung dự phòng nếu có hở eo cổ tử cung.
  • Điều trị nội khoa ổn định các bệnh mạn tính của mẹ
  • Tầm soát và điều trị nhiễm trùng tiểu, viêm cổ tử cung…

Những cách bạn có thể tự áp dụng để ngăn ngừa sinh non bao gồm: áp dụng chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ dinh dưỡng, không hút thuốc uống rượu, giảm các hoạt động nặng.

Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về các nguy cơ sinh non và nhận biết sớm các dấu hiệu chuyển dạ sinh non để được xử trí kịp thời.

Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.

 

 

 

Bài viết liên quan

Ảnh hưởng nghiêm trọng của thuốc lá điện tử đối với thai nhi
Thiếu máu trong thai kỳ và biến chứng có thể xảy ra
Mẹ bầu phù chân có nên đi bộ?
Thai bám ở sẹo mổ lấy thai có nguy hiểm?
Đi tiểu nhiều khi mang thai. Bình thường hay bất thường?