Chăm sóc trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt
09:36 - 10/07/2022 Lượt xem: 730 Tác giả: Thanh Nga
Thiếu máu do thiếu sắt được coi là dạng thiếu máu dinh dưỡng phổ biến nhất ở trẻ em. Tuy nhiên, bệnh lý này hoàn toàn có thể phòng ngừa được khi cha mẹ có những hiểu biết nhất định về cách chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt tại nhà, bắt đầu từ bước đơn giản nhất là lựa chọn thức ăn lành mạnh giàu chất dinh dưỡng cho trẻ trong từng bữa ăn hoặc các chế phẩm chứa sắt bổ sung.
1. Nguyên nhân thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em
Cung cấp sắt thiếu
- Chế độ ăn thiếu sắt: Thiếu sữa mẹ, ăn bột kéo dài, thiếu thức ăn nguồn gốc động vật.
- Trẻ đẻ non, thiếu cân lúc đẻ, sinh đôi ( lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít)
Hấp thu sắt kém
- Giảm độ toan dạ dày
- Tiêu chảy kéo dài
- Hội chứng kém hấp thu
- Dị dạng ở dạ dày-ruột
Mất sắt quá nhiều:
Do chảy máu từ từ, mạn tính như bị giun móc, loét dạ dày tá tràng, polyp ruột, chảy máu cam, chảy máu sinh dục.
Nhu cầu sắt cao:
Giai đoạn trẻ lớn nhanh, trẻ đẻ non, tuổi dậy thì, tuổi hành kinh mà cung cấp sắt không tăng.
2. Triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt
Thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng tuổi, tuy nhiên có thể xảy ra sớm từ tháng thứ 2-3 ở trẻ đẻ non, đẻ sinh đôi.
- Da xanh, niêm mạc nhợt nhạt từ từ
- Mệt mỏi, ít hoạt động
- Trẻ kém ăn, ngừng phát triển cân nặng, hay bị rối loạn tiêu hóa, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
- Các triệu chứng teo niêm mạc và gai lưỡi, khó nuốt, móng bẹt dễ gãy ít gặp ở trẻ em
Thiếu máu do thiếu sắt có đặc điểm là thiếu máu nhược sắc, hồng cầu nhỏ. Huyết sắc tố giảm nhiều hơn số lượng hồng cầu.
Sắt huyết thanh giảm < 10 mmol/l (bình thường 11-28 mmol/l)
3. Điều trị thiếu máu thiếu sắt
Chủ yếu là giải quyết nguyên nhân, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn bổ sung sắt
- Bổ sung sắt bằng đường uống
- 3-5 mg sắt nguyên tố/ kg/ngày. Thường dùng dạng kết hợp với acid folic.
- Uống khi bụng đói, có thể uống trong bữa ăn trong trường hợp gây khó chịu cho dạ dày
- Thời gian sử dụng 3-6 tháng
- Bổ sung vitamin C hoặc uống nước cam để tăng hấp thu sắt.
Tác dụng phụ có thể xảy ra do sắt uống như khó chịu ở bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón và phân sẫm màu.
- Điều trị nguyên nhân
Cần chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt tránh gây thiếu sắt tái phát.
- Truyền máu: Hạn chế truyền máu (chỉ truyền khi thật sự cần thiết)
4. Phòng bệnh
Cần phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt từ sớm, ngay từ khi trẻ ở thời kỳ bào thai, lưu ý tới những trẻ có nguy cơ như các trẻ đẻ non, sinh đôi, trẻ dưới 3 tuổi, trẻ bị thiếu sữa mẹ và các bà mẹ có thai.
Thời gian có thai, cho mẹ ăn chế độ ăn giàu sắt, các bà mẹ có thai bị thiếu máu thiếu sắt điều trị bằng các chế phẩm sắt.
Giáo dục dinh dưỡng cho người mẹ nuôi con, bảo đảm cho trẻ được bú sữa mẹ, bổ sung nước hoa quả từ tháng thứ 2 - 3, cho ăn bổ sung thức ăn thực vât và động vât.
Với trẻ đẻ non, sinh đôi, thiếu sữa mẹ nên dùng sữa, thức ăn có bổ sung sắt hoặc cho điều trị dự phòng bằng chế phẩm sắt 20 mg/ngày từ tháng thứ 2.
Điều trị sớm các bệnh làm giảm hấp thu như bệnh giun sán, ỉa chảy, bệnh gây chảy máu mạn tính.
Ngoài những thông tin bài viết cung cấp ở trên các bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.