Dấu hiệu nhận biết rối loạn tiêu hóa ở trẻ em

08:38 - 23/11/2022 Lượt xem: 504 Tác giả: Thanh Nga

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ được hiểu là tình trạng các cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt một cách bất thường gây ra các rối loạn nhu động ruột. Từ đó gây ra tình trạng đau tức bụng cùng các thay đổi trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Rối loạn tiêu hóa dễ xảy ra do hệ đường ruột, tiêu hóa của trẻ còn “non nớt”,

Tùy theo thể trạng cơ thể mà bé sẽ gặp mức độ rối loạn khác nhau. Khi tình trạng rối loạn kéo dài và không được xử lý kịp thời, trẻ có thể bị ảnh hưởng xấu tới thể chất như chậm tăng cân, suy dinh dưỡng hay các chậm các phát triển về trí tuệ.

1. Nguyên nhân khiến trẻ em rối loạn tiêu hóa

  • Trẻ trong độ tuổi từ 0 cho đến 6 tuổi, sức đề kháng lẫn hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu nên dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... Đây chính là nhân tố gây nên các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
  • Kháng sinh có thể là nguyên nhân khiến cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Khi kháng sinh đi vào cơ thể, chúng không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng sinh thái đường ruột, dẫn đến chứng rối loạn tiêu hóa.
  • Trẻ có thể bị rối loạn khi sống ở một môi trường có chất lượng vệ sinh kém từ nguồn nước ô nhiễm cho đến nguồn thực phẩm.
  • Trên thực tế, các biến chứng từ các bệnh khác như viêm mũi họng cấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản... có thể gây ra rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Một khi mắc những bệnh này, trẻ thường bị tiết ra đờm chứa vi khuẩn, thay vì khạc nhổ ra ngoài, trẻ lại nuốt dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa.
  • Rối loạn tiêu hóa còn xảy ra ở trẻ có chế độ ăn không hợp lý. Những thực phẩm nhiều dầu mỡ, bánh kẹo ngọt, lạp xưởng, xúc xích và những đồ uống có ga, nước ngọt. Đây đều là những loại thực phẩm không tốt cho cơ thể của trẻ đặc biệt là đối với hệ tiêu hóa.

2. Triệu chứng nhận biết rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Để nhận biết được rối loạn tiêu hóa ở trẻ, bố mẹ cần chú ý quan sát tới những triệu chứng có thể xảy ra ở bé như:

Nôn, trớ 

Nôn, ói thức ăn là một trong những triệu chứng phổ biến trong rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này xảy ra do hệ tiêu hóa của trẻ chưa được hoàn thiện. Điều này trẻ được khắc phục khi hệ tiêu hóa được hoàn chỉnh tốt hơn theo thời gian.

Thông thường, trẻ hay nôn, trớ sau khi ăn no, khi thay đổi tư thế đột ngột. Trong trường hợp trẻ nôn, trớ liên tục, có thể sẽ gây ra việc mất nước, mất điện giải,… Lúc này bố mẹ nên nhờ tới sự trợ giúp của các bác sĩ để có khắc phục một cách nhanh chóng nhất.

Táo bón

Táo bón có thể xảy ra khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Biểu hiện là trẻ đi đại tiện không thường xuyên, khó khăn trong đi cầu, phân cứng rắn hoặc thành cục to,… Táo bón có thể khiến trẻ chậm ăn, biếng ăn và quấy khóc thường xuyên. 

Tiêu chảy

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể gây ra tình trạng tiêu chảy kéo dài. Nguyên nhân chính la do đường ruột bị nhiễm vi khuẩn, virus hoặc trẻ sử dụng thức ăn kém chất lượng, đồ ôi thiu, mất vệ sinh,…

Trẻ bị coi là tiêu chảy nếu như số lượng đi ngoài là trên 3 lần trong ngày và phân ngoài có dạng lỏng như nước. Nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài, bố mẹ cần bổ sung nước và điện giải kịp thời cho bé. Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường kèm theo như sốt cao, trẻ hôn mê li bì thì cần đưa đi cấp cứu nhanh nhất có thể.

Đầy bụng, chướng hơi

trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Do sự rối loạn tại dạ dày, đường ruột khiến việc tiêu hóa thức ăn và trao đổi chất trở nên trì trệ hơn. Chính vì vậy, trẻ dễ gặp phải trình trạng chướng hơi, đầy bụng kéo dài. Khi sờ nhẹ vào bụng, bố mẹ có thể nhận thấy sự căng cứng, thậm chí trẻ có thể bị đau tức khi chạm vào.

Đi ngoài ra phân sống

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể làm mất sự cân bằng của các loại lợi khuẩn và hại khuẩn trong đường ruột. Chính điều này khiến trẻ có thể đi ngoài ra phân sống, phân lỏng, phân có kèm dịch nhầy và các cảm giác đau, tức bụng.

Các triệu chứng khác

  • Chán ăn, bỏ ăn.
  • Chậm tăng cân hoặc béo phì.
  • Bỏ bú với trẻ sơ sinh.
  • Ợ hơi.
  • Đi ngoài ra phân nát.

3. Điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Rối loạn tiêu hóa gây nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, sinh hoạt thường ngày và sự phát triển của trẻ. Vì vậy, cần điều trị càng sớm càng tốt các biểu hiện của bệnh để giúp hệ tiêu hóa của bé luôn khỏe mạnh. Ba mẹ hãy áp dụng những biện pháp dưới đây:

Đảm bảo vệ sinh thực phẩm

Vấn đề vệ sinh thực phẩm luôn phải được đặt lên hàng đầu trong chế độ ăn uống của trẻ nhỏ. Ba mẹ cần lựa chọn thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh, không chứa hóa chất bảo vệ thực vật và rửa sạch sẽ trước khi chế biến đồ ăn cho trẻ.

Bên cạnh đó, ba mẹ cần sử dụng nguồn nước sạch để chế biến thức ăn cho con. Đồ ăn của trẻ cần được nấu kỹ, cho bé ăn chín uống sôi, không cho con ăn đồ sống, tái, thức ăn để lâu ngày…

Cho bé ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa

Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt nên ba mẹ hãy chế biến thức ăn mềm hơn so với người lớn để dễ tiêu hóa. Những món ăn như cháo, súp, thịt hầm… sẽ rất tốt cho đường ruột của bé, vừa dễ tiêu lại dễ hấp thu dinh dưỡng.

Chia nhỏ bữa ăn

Vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện nên chúng khó để tiêu hóa hết một lượng thức ăn lớn. Vì vậy, hãy chia nhỏ bữa ăn của trẻ. Ngoài 3 bữa chính, nên cho bé ăn thêm các bữa phụ bằng hoa quả, sữa, sữa chua… để tăng cường dinh dưỡng cho trẻ phát triển và tránh gây áp lực lớn lên hệ tiêu hóa nếu chỉ ăn thật nhiều vào 3 bữa chính.

Tăng cường thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa

Trong chế độ ăn hằng ngày, ba mẹ nên bổ sung những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa của bé như sữa chua, rau xanh, trái cây, các loại men vi sinh… Bổ sung đầy đủ những thực phẩm này giúp hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh hơn, làm việc trơn tru hơn.

Rèn luyện thể chất

Ngoài những lưu ý trong ăn uống, ba mẹ cũng nên cho bé vận động và rèn luyện thể chất để nâng cao sức khỏe và tăng cường đề kháng. Vận động giúp trẻ khỏe khoắn và cũng giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

Khi thấy trẻ có các biểu hiện bất thường, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. không nên tự mua thuốc hoặc điều trị theo kinh nghiệm dân gian, tránh những hậu quả đáng tiếc.

 Ngoài những thông tin bài viết cung cấp ở trên các mẹ bầu hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.

Bài viết liên quan

Thời điểm nào nên xét nghiệm vi chất cho bé?
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa còi xương ở trẻ
Grow baby dạng xịt - Hỗ trợ phát triển chiều cao và trí não cho trẻ
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm miệng
Một số triệu chứng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh