Đẻ non và những điều cần biết

16:15 - 20/02/2022 Lượt xem: 508 Tác giả: Kim Ngân

Sinh non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sinh mạng của mẹ và bé. Vì vậy, mẹ bầu nên tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu sinh non để có cuộc vượt cạn an toàn.

Sinh non là khi trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ 22 tuần đến trước 37 tuần. Trẻ sinh non, đặc biệt là những trẻ sinh ra rất sớm, thường có các vấn đề y tế phức tạp. Thông thường, các biến chứng của sinh non khác nhau. Những em bé được sinh ra càng sớm thì nguy cơ biến chứng càng cao.

Có thể phân loại sinh non ra làm 3 mức độ:

  • Sinh cực non: Dưới 28 tuần
  • Sinh rất non: Từ 28 tuần đến 32 tuần
  • Sinh non vừa: Từ 32 tuần đến 37 tuần.

1. Nguyên nhân

Nguyên nhân của đẻ non đến nay chưa được biết một cách rõ ràng. Một số nguyên nhân như:

Nguyên nhân về phía người mẹ

Các nhiễm trùng nặng toàn thân: Các bệnh nhiễm trùng nặng do vi khuẩn, virus, kí sinh trùng (sốt rét…), nhiễm trùng đường tiết niệu.

Sang chấn: Trực tiếp vào vùng tử cung hoặc gián tiếp như sau các phẫu thuật, đặc biệt là sau các phẫu thuật vùng bụng, chiếu xạ, sốc điện…

Tại chỗ: Tử cung dị dạng bẩm sinh hoặc buồng tử cung bị nhỏ lại như u xơ tử cung, dính buồng tử cung một phần…

Nghề nghiệp: Các tệ nạn xã hội, các bệnh nghề nghiệp, giang mai…

Các bệnh toàn thân của người mẹ, thiếu máu, nhiễm độc…

Nguyên nhân do thai

  • Đa thai (song thai, sinh ba, sinh bốn…)
  • Thai dị dạng: Thai vô sọ, não úng thủy, bụng cóc, tam bội thể 18, hội chứng Potter…
  • Nguyên nhân do phần phụ của thai
  • Đa ối đặc biệt đa ối cấp
  • Viêm màng ối
  • Vỡ ối non, rau tiền đạo, rau bong non…

2. Một số đặc điểm của thai non tháng

  • Tuổi thai từ 37 tuần trở xuống
  • Trọng lượng thường dưới 2500gr
  • Một số phản xạ chưa có đặc biệt là phản xạ mút. Phổi chưa trưởng thành.
  • Trung tâm điều nhiệt chưa hoàn chỉnh, hệ thần kinh phát triển chưa đầy đủ.
  • Lớp mỡ dưới da dễ bị đông lại nên dễ dẫn tới hiện tượng cứng bì ở trẻ non tháng.
  • Khả năng thích ứng với hoàn cảnh môi trường sống ngoài tử cung còn kèm.

3. Dấu hiệu dọa sinh non

  • Dịch tiết âm đạo có sự thay đổi (rỉ dịch lỏng, nhầy hơn hoặc có máu).
  • Tăng tiết dịch âm đạo.
  • Tăng áp lực vùng chậu hoặc dưới bụng.
  • Đau lưng ở vùng thấp liên tục, âm ỉ.
  • Chuột rút nhẹ ở bụng.
  • Đau quặn bụng giống đau bụng kinh, hoặc đau kèm với những cơn co thắt tử cung liên tục.
  • Vỡ màng ối (thấy nước ối xuất hiện và tuôn ra ngoài, đôi khi chỉ là một giọt chất lỏng).

4. Phòng ngừa sinh non

Để tránh tình trạng sinh non, phụ nữ mang thai cần trang bị kiến thức phòng ngừa từ trước khi mang thai, cụ thể:

Bổ sung Progesterone

Phụ nữ có tiền sử sinh non, cổ tử cung ngắn hoặc cả hai yếu tố trên có thể làm giảm nguy cơ sinh non khi bổ sung progesterone.

Chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh

Chăm sóc bản thân trước, giữa và trong khi mang thai để giúp ngăn ngừa sinh non, như tư vấn về chế độ ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng tối ưu, không sử dụng thuốc lá và chất kích thích; khám thai định kỳ bao gồm sử dụng siêu âm để giúp xác định tuổi thai và phát hiện đa thai, sàng lọc trước sinh.

5. Biến chứng khi sinh non

Mặc dù không phải tất cả trẻ sinh non đều gặp phải các biến chứng, nhưng việc sinh ra quá sớm có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ngắn hạn và dài hạn. Thông thường, em bé được sinh ra càng sớm thì nguy cơ biến chứng càng cao. Cân nặng khi sinh cũng đóng một vai trò quan trọng.

* Biến chứng ngắn hạn

  • Vấn đề về hơi thở

Trẻ sinh non có thể khó thở do hệ hô hấp chưa trưởng thành. Nếu phổi của em bé thiếu chất hoạt động bề mặt – một chất cho phép phổi mở rộng – trẻ có thể bị hội chứng suy hô hấp vì phổi không thể mở rộng và co bóp bình thường.

Trẻ sinh non cũng có thể bị rối loạn phổi được gọi là loạn sản phế quản phổi. Ngoài ra, một số trẻ sinh non có thể bị ngừng thở kéo dài.

  • Vấn đề về não

Trẻ sinh ra càng sớm, nguy cơ chảy máu não càng lớn, được gọi là xuất huyết não. Hầu hết xuất huyết là nhẹ và giải quyết với ít tác động ngắn hạn. Nhưng một số em bé có thể bị chảy máu não quá nhiều gây ra chấn thương não vĩnh viễn.

  • Vấn đề về tim

Các vấn đề về tim phổ biến nhất mà trẻ sinh non gặp phải là còn ống động mạch (PDA) và huyết áp thấp (hạ huyết áp).

PDA là tình trạng tồn tại ống giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Mặc dù khuyết tật tim này thường tự đóng lại, nhưng nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến quá nhiều máu chảy qua tim, làm suy yếu các cơ tim, gây ra suy tim và các biến chứng khác.

Huyết áp thấp có thể yêu cầu điều chỉnh trong truyền dịch, thuốc và đôi khi truyền máu.

  • Vấn đề hệ thống miễn dịch

Trẻ sinh non có một hệ thống miễn dịch kém phát triển, có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Nhiễm trùng ở trẻ sinh non có thể nhanh chóng lây lan vào máu, gây nhiễm trùng huyết.

  • Vấn đề trao đổi chất

Trẻ sinh non thường có vấn đề với sự trao đổi chất trong cơ thể. Một số trẻ sinh non có thể phát triển lượng đường trong máu thấp bất thường (hạ đường huyết).

  • Vấn đề về máu

Trẻ sinh non có nguy cơ mắc các vấn đề về máu như thiếu máu và vàng da sơ sinh.

* Biến chứng lâu dài

- Bại não: Bại não là một rối loạn vận động, trương lực cơ hoặc tư thế có thể do nhiễm trùng, lưu lượng máu không đủ hoặc chấn thương cho não bộ của trẻ sơ sinh phát triển sớm trong khi mang thai hoặc khi sinh non.

- Trí tuệ kém: Trẻ sinh non có nhiều khả năng kém phát triển trí tuệ hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Khi đến tuổi đi học, một đứa trẻ được sinh non có thể có nhiều khả năng bị khuyết tật học tập.

- Về thị lực: Trẻ sinh non có thể phát triển bệnh võng mạc do sinh non, xảy ra khi các mạch máu sưng lên và phát triển quá mức ở lớp dây thần kinh nhạy cảm ở phía sau mắt (võng mạc). Đôi khi các mạch võng mạc bất thường dần dần làm sẹo võng mạc, kéo nó ra khỏi vị trí. Khi võng mạc bị kéo ra khỏi phía sau mắt, nó được gọi là bong võng mạc, một tình trạng nếu không được phát hiện có thể làm giảm thị lực và gây mù.

- Về thính giác: Trẻ sinh non có nguy cơ bị giảm thính lực ở một mức độ nào đó. Tất cả các em bé sẽ được kiểm tra thính giác trước khi về nhà.

- Vấn đề hành vi và tâm lý: Trẻ sinh non có thể phải đối mặt với một số vấn đề về hành vi hoặc tâm lý, chậm phát triển.

Bài viết liên quan

Thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai
Các thuốc chống chỉ định trong thai kỳ, mẹ bầu cần nhớ
Vitamin A và nguy cơ dị tật thai nhi
Ngộ độc Paracetamol và lưu ý khi dùng cho phụ nữ mang thai
Ốm nghén nặng, mẹ bầu nên dùng gì?