googleb578e89369db4e48.html

Dinh dưỡng đối với bà mẹ trong thời gian cho con bú

09:50 - 14/03/2023 Lượt xem: 527 Tác giả: Thanh Nga

Không cần một chế độ ăn đặc biệt hay ăn kiêng trong thời gian cho con bú, tuy nhiên phụ nữ cho con bú cần được dinh dưỡng tốt và nhiều hơn vì 2 lý do chính: sản xuất đủ sữa cho con bú và bảo đảm sức khỏe cho chính mình để nuôi con và tiếp tục làm việc.

1. Vì sao cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho mẹ trong thời gian cho con bú?

Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh và nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, sau đó cho trẻ ăn bổ sung từ khi được tròn 6 tháng, kết hợp với bú sữa mẹ tới khi trẻ được 24 tháng tuổi.

Trong giai đoạn sau sinh - nuôi con bú, chế độ dinh dưỡng của người mẹ có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ. Cụ thể, chế độ dinh dưỡng tốt giúp bà mẹ có đủ sữa nuôi con. Vì vậy cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với vận động, nghỉ ngơi khoa học và có tâm lý thoải mái.

Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã khẳng định dinh dưỡng của người mẹ có ảnh hưởng nhất định tới lượng sữa và thành phần vi chất có trong sữa mẹ. Cụ thể, nếu chế độ ăn uống của người mẹ thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin A, D và B1 thì sữa mẹ cũng sẽ thiếu các vitamin này. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu đời, lượng kháng thể của trẻ được cung cấp trực tiếp qua sữa mẹ. Vì vậy, việc đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ là cách phòng bệnh tốt nhất cho con chống đỡ bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa.

Sữa mẹ là nguồn thức ăn lý tưởng, an toàn cho trẻ nhưng có một số thức ăn, nước uống có thể qua sữa gây hại hoặc khó chịu cho trẻ. Vì vậy phụ nữ trong thời gian cho con bú không nên uống rượu, bia và hạn chế các chất kích thích như cà phê, ớt, hành, tỏi.

2. Dinh dưỡng bảo đảm sức khỏe cho mẹ.

Mặc dù nguồn dinh dưỡng dự trữ trong thời gian mang thai vẫn chưa phải tiêu thụ hết nhưng đã mất khá nhiều vì mất máu khi sinh đẻ, sản xuất sữa non trong những tháng cuối của kỳ thai và tiếp đến sữa sau khi sinh. Vì vậy chú ý đến dinh dưỡng cho bà mẹ trong thời gian cho con bú không chỉ là cho sản xuất sữa mà còn bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ tiếp tục với chức năng làm mẹ và các công việc hàng ngày. Một chế độ ăn đa dạng với đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt thức ăn nhiều canxi, vitamin A,D cần được chú ý vì bà mẹ đã mất nhiều cho thai nhi và sản xuất sữa.

Việc bổ sung thức ăn cho các bà mẹ cho con bú phụ thuộc nhiều vào tình trạng dinh dưỡng của mỗi bà mẹ, mức tăng cân trong thời gian mang thai. Theo khuyến nghị về nhu cầu năng lượng cho người Việt Nam, các bà mẹ cho con bú cần được cung cấp thêm 500Kcl/ngày.

 3. Hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ đang cho con bú hợp lý

- Tăng số bữa ăn trong ngày

Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của phụ nữ sau sinh và nuôi con bú tăng cao nên khẩu phần ăn cả ngày nên được chia thành nhiều bữa: 3 - 6 bữa/ngày để cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết.

- Đa dạng các nhóm thực phẩm

chế độ dinh dưỡng trong thời gian cho con bú

Bữa ăn của bà mẹ đang nuôi con bú nên đa dạng các loại thực phẩm với đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là: Đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Một chế độ ăn cân bằng, phối hợp nhiều loại thực phẩm lành mạnh khác nhau gồm:

  • Tinh bột: Cơm, mì, phở, bánh mì, khoai tây,...
  • Chế phẩm từ sữa: Sữa tươi, sữa chua, phô mai,...
  • Chất béo: Dầu cá, các loại cá vùng biển lạnh, các loại hạt;
  • Protein: Thịt, cá, trứng, sữa, đậu, mè, ngũ cốc,...
  • Vitamin và khoáng chất: Có trong các loại rau củ và trái cây
  • Nước: Nên uống 12 - 15 cốc nước mỗi ngày.

Hằng ngày, bà mẹ đang nuôi con bú cần lượng thực phẩm gồm: 450 - 500g ngũ cốc, 50 - 100g đậu và chế phẩm từ đậu, 80 - 100g cá và thịt, 40 - 50g trứng, 300 - 400g rau, 100 - 200g hoa quả, 20g dầu mỡ.

- Các loại thực phẩm nên ăn

  • Cá hồi: Giàu dưỡng chất cho các bà mẹ mới sinh. Cá hồi có nhiều DHA, giúp cải thiện tâm trạng của người mẹ và rất quan trọng đối với sự phát triển hệ thần kinh của bé. Theo khuyến nghị, mỗi tuần phụ nữ sau sinh nên ăn khoảng 336g cá hồi
  • Chế phẩm từ sữa ít béo: Sữa chua, sữa tươi, phô mai cung cấp một lượng lớn vitamin D giúp xương của mẹ và bé chắc khỏe. Ngoài ra, sữa còn giàu protein, vitamin B và canxi. Mỗi ngày, người mẹ nên uống khoảng 700ml sữa;
  • Thịt bò: Giàu chất sắt, protein và vitamin B12, cung cấp đủ năng lượng cho người mẹ. Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ nên ăn thịt bò nạc để hạn chế nạp chất béo vào cơ thể;
  • Rau củ: Các loại rau xanh như cải bó xôi, súp lơ xanh rất giàu vitamin A, tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. Ngoài ra, rau củ, đặc biệt là các loại đậu còn là nguồn vitamin C, sắt và canxi dồi dào, tốt cho sức khỏe;
  • Trái cây: Phụ nữ sau sinh và đang cho con bú nên ăn ít nhất 150g trái cây mỗi ngày. Các loại trái cây họ cam quýt giàu vitamin C rất tốt cho người mẹ sau sinh;
  • Ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt: Cung cấp đủ năng lượng cho người mẹ và tạo sữa chất lượng cho bé.

- Các loại thực phẩm nên tránh

Khi cho con bú, các loại thực phẩm người mẹ ăn có thể truyền qua nguồn sữa cho bé. Vì vậy, phụ nữ đang nuôi con bú cần cẩn thận với các loại thực phẩm sau:

  • Rượu, bia: Hệ thần kinh và hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non nớt nên cần được bảo vệ bởi chất cồn dù là rất nhỏ. Hơn nữa, rượu bia còn có thể ảnh hưởng tới khả năng sản xuất sữa của người mẹ;
  • Trà, cà phê: Bà mẹ đang nuôi con bú không nên uống quá nhiều các chất kích thích này vì chúng sẽ khiến bé bứt rứt, khó chịu, khó ngủ,...
  • Các loại cá có chứa thủy ngân: Cá kiếm, cá mập, cá ngừ,... có chứa nhiều thủy ngân, có thể truyền sang trẻ qua sữa mẹ, gây ảnh hưởng tới sự phát triển thần kinh của bé;
  • Các loại gia vị nặng mùi: Hành, tỏi có thể gây ảnh hưởng tới mùi vị của sữa mẹ, khiến bé khó chịu khi bú;
  • Đồ ăn cay: Có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa của mẹ và tác động xấu tới đường ruột của bé;
  • Thức ăn dễ ôi thiu hoặc nghi ngờ bị ôi thiu.

Đồng thời, người mẹ sau khi ăn một loại thực phẩm nào cũng nên theo dõi phản ứng của bé vì có thể chúng khiến bé dị ứng với các biểu hiện như bú kém, tiêu chảy, khó tiêu, nổi mẩn đỏ, sưng mắt, sưng môi, chảy nước mũi, nôn trớ,... Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng gồm sữa bò, thịt bò, trứng, sò, tôm, cua,...

Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội … sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch khám, siêu âm thai, ổ bụng, xét nghiệm máu quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Sau sinh mổ có được nằm sấp không?
Dấu hiệu sót nhau thai sau sinh mẹ cần biết
Mẹ sinh mổ - Ăn gì nên và không nên
Một số vấn đề tuyến vú thời kì cho con bú
Những vấn đề thường gặp sau sinh và cách khắc phục