Lời khuyên dành cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

16:17 - 23/07/2022 Lượt xem: 518 Tác giả: Thu Hoàng

Đối với tiểu đường thai kỳ, điều chỉnh chế độ ăn và thay đổi lối sống là phương pháp điều trị quan trọng nhất. Mẹ bầu cần có chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ năng lượng, dinh dưỡng cân bằng, đường máu kiểm soát tốt và không bị tăng ceton trong máu.

1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

Mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ cần lưu ý điều chỉnh chế độ ăn. Trong các bữa ăn cần có carbohydrat: 33-40%; Lipid: 35-40%; Protein: 20%. Năng lượng nên được phân phối đều, nên chia nhỏ bữa thành 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. Bữa chính không nên ăn quá no sẽ làm tăng đường máu. Và quan trọng là không được bỏ bữa vì nhu cầu dinh dưỡng của thai phụ tăng lên để cung cấp cho thai nhi.

Bữa ăn chính chia làm 4 phần: 1/4 là chất đạm (thịt nạc, trứng, cá, phô mai, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt); 1/4 là tinh bột (cơm, ngũ cốc và rau có chứa tinh bột: khoai tây, ngô, đậu Hà Lan); 1/2 là thực phẩm không chứa tinh bột như rau xanh, cà chua, bí, cải bắp, súp lơ.

  • Bữa sáng:

Đường máu buổi sáng có thể khó kiểm soát do sự dao động của hormone và khó dung nạp với sữa, trái cây. Bữa sáng nên có thành phần là tinh bột và đạm nhưng ít hơn bữa trưa và tối. Ví dụ: 1 bát nhỏ phở bò, bún bò kèm giá đỗ hoặc 1 bát cháo yến mạch thịt băm hoặc 1 lát bánh mỳ kèm 1 quả trứng ốp lết hoặc một đĩa salad mỳ ống nhiều rau.

tiểu đường

  • Bữa trưa và bữa tối:

Phần tinh bột khoảng 1 bát cơm (gạo lứt tốt hơn gạo trắng) hoặc 2 lát bánh mỳ; Phần chất đạm khoảng 1 lạng thịt nạc, cá, thịt gà (bỏ phần da) hoặc 1 quả trứng hoặc 200 gram đậu; Phần rau xanh khoảng 350 gram rau lá xanh như rau muống, cải, củ thập cẩm, súp lơ.

Lưu ý: Nên ăn rau trước để giảm hấp thu đường, sau đó ăn tinh bột và chất đạm.

  • Bữa phụ ăn sau bữa chính 2 giờ:

Bà bầu nên ăn hoa quả có hàm lượng đường thấp như dưa chuột, việt quất, ổi, bơ, bưởi, quả mâm xôi, dâu tây, táo, lê. Ví dụ: khoảng 2-3 múi bưởi, 1/2 quả táo, 1/2 quả ổi, 1/2 quả cam, quýt, 200 ml sữa tươi không đường/ngày hoặc 1 cốc sữa chua không đường/ngày (Sữa là 1 dạng carbohydrat lỏng, uống nhiều 1 lúc có thể làm tăng đường máu do đó có thể chia nhỏ).

2. Một số lưu ý quan trọng khi lên thực đơn cho bà bầu bị tiểu đường

Khi lên thực đơn dành cho bà bầu tiểu đường, bạn cần đặc biệt chú ý đến một số điểm quan trọng như sau:

  • Thứ nhất, bà bầu bị tiểu đường tuyệt đối không nên sử dụng nước ngọt. Vì chúng có lượng đường tinh chế rất cao.
  • Thứ hai, các bà bầu nên hạn chế ăn mía và những đồ ăn ngọt khác.
  • Thứ ba, để đảm bảo dinh dưỡng, các bà bầu có thể dùng thêm các bữa ăn phụ như uống sữa dành cho người tiểu đường, trái cây…
  • Thứ tư, các bạn không nên đưa thực phẩm đóng hộp vào trong thực đơn cho bà bầu tiểu đường.

tiểu đường

3. Lời khuyên dành cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

Thực đơn ăn uống hằng ngày cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ cần tránh sử dụng các thực phẩm đã qua chế biến như bánh mì trắng và các thực phẩm chứa lượng đường cao, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, dầu mỡ.. thức uống nhiều đường, có gas, caffeine... Bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn hợp lý nhất.

 Ngoài việc tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý, để giữ lượng đường huyết ổn định, có một thai kỳ khỏe mạnh mẹ bầu cần lưu ý kết hợp với tập thể dục đều đặn (30 phút mỗi ngày). Đặc biệt tuyệt đối không được bỏ bữa, mẹ cần duy trì đều đặn 2 giờ 1 bữa ăn/bữa ăn nhẹ. Ngoài ra đừng quên sử dụng các loại vitamin, sắt, canxi bổ sung, theo dõi đường huyết định kỳ để đảm bảo chúng ở mức độ ổn định.

Ngoài ra mẹ bầu nên thường xuyên kiểm tra cân nặng, tăng cân vừa phải, không được để giảm cân trong quá trình thực hiện chế độ ăn; Uống vitamin, can xi, acid folic, sắt theo chỉ định; Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để cải thiện tình trạng kháng Insulin nếu không có chống chỉ định về sản khoa. Tránh các đồ ăn nhanh, xôi nếp, bánh chưng, rượu bia, đồ uống có đường, bánh kẹo, nước ép hoa quả và những hoa quả có hàm lượng đường cao: dưa hấu, vải, xoài.

Thai phụ đái tháo đường thai kỳ nếu điều chỉnh chế độ ăn mà chỉ số đường huyết không đạt mục tiêu sẽ được cân nhắc về chỉ định tiêm Insulin.

Chế độ ăn uống, dinh dưỡng khi mang thai đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi lúc này mẹ cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ăn càng nhiều càng tốt, ăn gì cũng được. Để có một thai kỳ khỏe mạnh hạn chế các căn bệnh điển hình như tiểu đường thai kỳ, mỗi mẹ cần chú trọng xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với những thực phẩm đảm bảo nguồn gốc. 

Bài viết liên quan

Một số vấn đề tuyến vú thời kì cho con bú
4 Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bạn nên biết
Tầm soát ung tư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV
Phá thai bằng thuốc và những lưu ý không thể bỏ qua
Các mốc siêu âm thai 3 tháng đầu mẹ bầu không nên bỏ qua