Polyp buồng tử cung có mang thai được không?
09:57 - 28/08/2022 Lượt xem: 1401 Tác giả: Thu Hoàng
Polyp buồng tử cung hay còn gọi là polyp niêm mạc tử cung bệnh khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đại đa số các trường hợp polyp buồng tử cung là lành tính, tuy nhiên bệnh có thể gây ảnh hưởng tới khả năng mang thai và sinh con, ngoài ra có thể có một số trường hợp bệnh tiến triển ác tính gây ung thư tử cung.
1. Polyp buồng tử cung là gì?
Polyp buồng tử cung chủ yếu là lành tính, tuy nhiên, nó ít nhiều ảnh hưởng đến chức năng làm mẹ của người bệnh. Các khối polyp buồng tử cung được hình thành chủ yếu do các tế bào trong nội mạc tử cung phát triển quá mức. Polyp có kích thước từ vài milimet (mm) đến vài centimet (cm), một hoặc đa polyp, có cuống hoặc không có cuống, và có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào trong khoang tử cung.
Polyp buồng tử cung là bệnh diễn biến rất âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, chị em có thể dựa vào những dấu hiệu sau đây để sớm đi khám và điều trị:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
- Chảy máu không bình thường trong giai đoạn kinh nguyệt
- Chảy máu sau mãn kinh
2. Nguyên nhân gây polyp buồng tử cung
Polyp buồng tử cung rất hiếm gặp ở tuổi vị thành niên, phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh từ 40 - 60 là nhóm đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh này. Để giải thích cho vấn đề này, nhiều nhà khoa học cho rằng vấn đề polyp hình thành ở nội mạc tử cung có liên quan đến sự gia tăng nồng độ và tác động của Estrogen nội sinh hay ngoại sinh. Bên cạnh đó, giới y khoa cũng đưa ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh polyp buồng tử cung, phổ biến nhất là các yếu tố sau:
- Trong quá trình nạo hút thai hoặc sinh đẻ, đặc biệt là sinh thường vẫn còn sót rau thai ở tử cung.
- Tamoxifen là một trong số các loại thuốc được được dùng để điều trị ung thư vú cũng là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến hình thành khối polyp.
- Một số trường hợp bị viêm nội mạc tử cung sẽ khiến cho lớp niêm mạc có thể bị bong tróc và mắc lại bên trong không đào thải ra ngoài được cũng là yếu tố gây polyp.
- Người có thừa cân hay có chỉ số BMI >30 có khả năng mắc bệnh polyp nội mạc tử cung cao hơn nhiều so với phụ nữ bình thường.
- Các yếu tố khác như liệu pháp hormon thay thế dùng cho phụ nữ sau mãn kinh, hội chứng Lynch và Cowden,...
3. Biến chứng khi bị polyp buồng tử cung
Việc chẩn đoán và xác định polyp là dạng lành tính hay ác tính cần thực hiện thông qua sinh thiết để đánh giá mô tế bào học. Trường hợp khối polyp ác tính có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
- Polyp ở tử cũng là một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh vô sinh, hiếm muộn hiện nay. Khi các mô, tuyến phát triển, sưng to trong lòng tử cung sẽ ngăn cản quá trình dịch chuyển của tinh trùng và sự làm tổ của trứng, vì vậy mà hợp tử không được hình thành.
- Polyp khiến cho chị em bị xuất huyết trong thời gian dài và thường xuyên nên có nguy cơ cao dẫn đến thiếu máu.
- Những người bị polyp buồng tử cung rất dễ bị viêm âm đạo, âm hộ,... do môi trường âm đạo thay đổi, dịch tiết thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi và là môi trường lý tưởng cho mầm bệnh phát triển.
- Trường hợp phụ nữ đang mang thai, kích thước lớn của các khối polyp có thể chèn ép thai nhi nên rất dễ bị sảy thai, sinh non, thai bị dị tật,...
- Ngoài ra, người bị polyp ác tính cũng tăng nguy cơ mắc các bệnh như đa nang buồng trứng, ung thư tử cung, cổ tử cung,...
4. Bị polyp buồng tử cung có mang thai được không?
Phụ nữ mắc các bệnh liên quan đến tử cung ít nhiều ảnh hưởng đến việc mang thai. Nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ làm giảm tối đa những ảnh hưởng bệnh đem lại.
Trong trường hợp các polyp nhỏ sẽ gây cản trở tinh trùng gặp trứng, còn nếu polyp phát triển lớn hơn, có thể gây tắc cổ tử cung, bịt kín cổ tử cung, gây hiểm nguy đến sức khỏe của các chị em.
- Nếu không được điều trị sớm, các polyp có thể làm tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn do các khối polyp phát triển to khiến cho nội mạc tử cung biến dạng, gây ra bất lợi cho sự làm cho tổ của thai.
- Nếu người bệnh đang mang thai mà phát hiện đang bị polyp, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Polyp buồng tử cung lúc mang thai càng ngày càng phát triển, lấn át và làm thai nhi mất điểm bám, dễ dẫn đến sảy thai, sinh non hoặc dị tật thai nhi, thai nhi phát triển không bình thường. Mẹ bầu tăng cao nguy cơ mắc tình trạng rau tiền đạo.
- Bên cạnh đó, nguy cơ mắc phải buồng trứng đa nang do các polyp dễ gây ra các căn bệnh phụ khoa bởi dịch âm đạo tiết ra nhiều, môi trường âm đạo mất cân bằng, một số vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt, âm đạo không được bảo vệ, vi khuẩn có hại phát triển dẫn tới viêm nhiễm như viêm âm đạo, viêm âm hộ, viêm cổ tử cung..
5. Chẩn đoán polyp buồng tử cung
Bệnh có thể nhầm lẫn với bệnh u xơ tử cung (khối u phát triển từ cơ tử cung) để chẩn đoán chính xác polyp lòng tử cung có thể nhờ các phương pháp sau:
- Siêu âm vùng chậu qua đường bụng và siêu âm qua đầu dò âm đạo (là lựa chọn đầu tiên)
- Siêu âm bơm nước buồng tử cung giúp chẩn đoán hình dạng polyp, vị trí tốt hơn so với đầu dò âm đạo.
- Nội soi buồng tử cung ngoài việc giúp chẩn đoán hình dạng polyp, vị trí thì nội soi buồng tử cung có thể đồng thời can thiệp cắt bỏ khối polyp.
Để chẩn đoán xác định mức độ lành tính hay ác tính của polyp lòng tử cung cần làm sinh thiết khối polyp
Như vậy, polyp buồng tử cung có thể làm ảnh hưởng đến quá trình phụ nữ sẽ và đã mang thai. Với những chị em hiếm muộn mà có polyp, việc chữa trị triệt để polyp sẽ tăng khả năng mang thai.
Ngoài những thông tin bài viết cung cấp ở trên các mẹ bầu hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé.