sẩy thai liên tiếp làm sao để phòng tránh

16:48 - 29/02/2024 Lượt xem: 100 Tác giả: Thu Hoàng

Khoảng 15-20% thai kỳ có kết cục sẩy thai. Trong khi đó, khoảng 1-2% các cặp đôi gặp phải tình trạng sẩy thai liên tiếp. Vậy sảy thai liên tiếp là gì? nguyên nhân do đâu và có cách nào để khắc phục tình trạng này không? Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!

1. Thế nào được gọi là sẩy thai liên tiếp?

Theo định nghĩa y khoa, tình trạng sẩy thai tái phát hay còn gọi là sẩy thai liên tiếp là khi người mẹ bị sẩy thai tự nhiên từ 2-3 lần trở lên, nghĩa là thai ngừng tiến triển và được tống xuất khỏi buồng tử cung trước 24 tuần hoặc cân nặng của thai dưới 500g.

Việc đánh giá nguyên nhân sẩy thai liên tiếp sẽ giúp bác sĩ định hướng can thiệp để giảm nguy cơ sẩy thai ở lần mang thai sau. Việc này nên được thực hiện khi các cặp đôi có từ 2 lần sẩy thai trở lên.

sẩy thai liên tiếp

2. Nguyên nhân sảy thai liên tiếp do đâu?

  • Bất thường nhiễm sắc thể:

Khoảng 50% trường hợp sẩy thai là do bất thường số lượng nhiễm sắc thể của phôi thai. Loại rối loạn di truyền này thường sảy ra ngẫu nhiên ngay thời điểm thụ thai. Không có điều kiện y tế nào gây ra nó, tuy nhiên nguy cơ xảy ra bất thường này tăng theo tuổi của bố mẹ.

  • Bất thường cấu trúc tử cung:

Người mẹ dị dạng tử cung bẩm sinh (tử cung có vách ngăn…), dính buồng tử cung, u xơ tử cung, polyp lòng tử cung, lạc tuyến cơ tử cung…có thể là nguyên nhân gây tình trạng sẩy thai.

  • Rối loạn nội tiết ở người mẹ:

Các rối loạn nội tiết như đái tháo đường không được kiểm soát tốt, suy giáp chưa điều trị hoặc tăng Prolactin máu có thể gây ra sẩy thai liên tiếp.

Thiếu hụt Progesterone – một hormone có vai trò quan trọng giúp ổn định thai ở 3 tháng đầu – cũng có liên quan đến sẩy thai.

  • Hội chứng kháng Phospholipid (APS – AntiPhospholipid Syndrome)

APS là một rối loạn tự miễn đặc biệt, có thể gặp ở 3-5% dân số chung. Tình trạng này có mối liên hệ rõ ràng với các kết cục xấu của thai kỳ trong đó có sẩy thai liên tiếp.

APS hiện diện ở khoảng 15% phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp. Tỉ lệ sinh sống ở phụ nữ sẩy thai liên tiếp có APS không được can thiệp bằng thuốc là thấp dưới 10%.

Nếu người phụ nữ sẩy thai liên tiếp có APS, việc điều trị bằng thuốc từ trước và trong khi mang thai sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng thai kỳ thành công ở lần mang thai sau.

sẩy thai liên tiếp

  • Nguyên nhân khác:

Một số nguyên nhân khác như rối loạn huyết khối di truyền, nhiễm khuẩn, môi trường độc hại (khói thuốc lá, hóa chất, tia xạ, uống nhiều rượu, caffeine) hoặc có thể do nhiều nguyên nhân phối hợp gây ra. Tuy nhiên, với các xét nghiệm trong điều kiện y học hiện tại, khoảng 50% các cặp đôi sẩy thai liên tiếp vẫn không tìm được nguyên nhân.

3. Cách dự phòng sẩy thai liên tiếp ở lần mang thai tiếp theo

Trước khi mang thai, vợ chồng nên đi khám làm xét nghiệm tổng thể tìm nguyên nhân như công thức máu, nhóm máu, nhiễm sắc thể đồ của bố mẹ, khảo sát cấu trúc tử cung bằng các xét nghiệm hình ảnh học như siêu âm, xét nghiệm tìm các rối loạn nội tiết, hội chứng kháng Phospolipid.

Một số khảo sát có thể được thực hiện thêm như xét nghiệm tìm nhiễm trùng, sinh thiết hoặc phân tích mẫu tinh trùng.

Tùy theo nguyên nhân được tìm thấy, một số can thiệp phù hợp sẽ được thực hiện trước khi mang thai và trong thời gian mang thai để giảm tối đa nguy cơ sảy thai lần nữa.người mẹ nên được điều trị ổn định các bệnh lý toàn thân nếu có, đặc biệt là đái tháo đường, suy giáp và tăng Prolactin máu. Điều trị các nhiễm trùng mạn tính như viêm nội mạc tử cung nếu có.

Bổ sung acid folic 400-1000 ug/ngày từ trước mang thai từ 1-3 tháng cho thấy có giảm nguy cơ sảy thai ở những trường hợp không tìm thấy nguyên nhân.

Hạn chế tiếp xúc với môi trường độc hại như khói thuốc lá, hóa chất, tia xạ; kiêng rượu và caffeine.

Giảm cân hoặc tăng cân để đạt mức cân nặng lý tưởng. Tránh tập thể dục cường độ cao thường xuyên.

Tư vấn di truyền trước mang thai rất quan trọng nếu cặp vợ chồng lớn tuổi bị sảy thai liên tiếp hoặc có bất thường trên nhiễm sắc thể đồ hoặc cùng mang gen bệnh lý như Thalassemia. Thụ tinh trong ống nghiệm với xét nghiệm chẩn đoán tiền làm tổ có thể giúp lựa chọn những phôi thai không có bất thường gen hoặc nhiễm sắc thể.

Các bất thường cấu trúc tử cung nên được phẫu thuật để loại bỏ hoặc sửa chữa trước khi mang thai lại.

Sau khi mang thai, các cặp đôi cần tuân thủ theo phác đồ điều trị dự phòng nguyên nhân nếu có. Thai kỳ sau sẩy thai liên tiếp nên được theo dõi tại các bệnh viện chuyên khoa Sản khoa với các chuyên gia về thai kỳ nguy cơ cao.

Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động gần 20 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội … Để đặt lịch khám thai, khám phụ khoa, siêu âm thai, ổ bụng, xét nghiệm máu quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn. 

Bài viết liên quan

Một số vấn đề tuyến vú thời kì cho con bú
4 Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bạn nên biết
Tầm soát ung tư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV
Phá thai bằng thuốc và những lưu ý không thể bỏ qua
Các mốc siêu âm thai 3 tháng đầu mẹ bầu không nên bỏ qua