Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai

16:11 - 29/06/2022 Lượt xem: 153 Tác giả: Thu Hoàng

1. Suy giãn tĩnh mạch là gì?

Suy giãn tĩnh mạch là hiện tượng những mạch máu sưng gồ lên, chằng chịt và ngoằn nghèo như những đường gân xanh, tím, xuất hiện trên các vùng da như bắp chân, âm hộ hoặc ở những nơi khác nữa. Khi mang thai, nhiều phụ nữ lần đầu tiên mắc phải tình trạng này, hoặc nếu họ đã bị trước đó thì tình trạng trở nên nặng hơn. Đi kèm với những mạng lưới chằng chịt  nổi trên da này là cảm giác nặng nề và đau nhức ở chân cũng như ở vùng da xung quanh, khiến các mẹ bầu khó chịu, thậm chí mất ngủ.

Các triệu chứng có thể trở nên nặng nề hơn vào cuối ngày, đặc biệt khi trong ngày bạn phải đứng nhiều hoặc đi bộ nhiều.

suy giãn tĩnh mạch

2. Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch khi mang thai

Thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai, hormone sinh dục nữ progesterone tăng lên làm giãn và sưng những tĩnh mạch.

Thay đổi lưu lượng máu: Mang thai làm tăng lưu lượng máu trong cơ thể người mẹ để nuôi dưỡng bào thai, do đó tạo áp lực đối với các tĩnh mạch ở chân.

Thai nhi phát triển gây chèn ép: Khi bào thai càng phát triển tăng dần kích thước sẽ chèn ép lên các tĩnh mạch (đặc biệt là tĩnh mạch chủ dưới), làm giảm lưu thông máu và gây suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu.

Di truyền hoặc đã suy giãn tĩnh mạch ở lần mang thai trước: Gia đình có người bị suy giãn tĩnh mạch (thường là phụ nữ), hoặc trong lần mang thai trước đã bị suy giãn tĩnh mạch sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này và bệnh thường tiến triển nặng hơn.

Các nguyên nhân khác: Mang đa thai, bị thừa cân, béo phì, hoặc thường xuyên đứng lâu, đi nhiều (do công việc) sẽ tạo áp lực đối với tĩnh mạch ở chân và gây suy giãn tĩnh mạch khi mang thai.

3. Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai có nguy hiểm không?

Suy giãn tĩnh mạch có thể ngứa hoặc đau, trông xấu xí với những đường lằn chằng chịt gồ lên, nhưng chúng thường vô hại với mẹ bầu và với sự phát triển của bé. Vì vậy nên việc điều trị có thể đợi sau khi bạn sinh con xong.

Tuy nhiên, một số ít trường hợp suy giãn tĩnh mạch tiến triển thành huyết khối tĩnh mạch bề mặt. Bệnh này thường không gây nguy hiểm, khi huyết khối lớn sẽ làm căng tĩnh mạch và gây ra các triệu chứng như sưng, nóng, đỏ vùng da xung quanh, và có thể gây đau.

Huyết khối tĩnh mạch nông thường không quá nguy hiểm. Nhưng khi tổ chức xung quanh huyết khối bị nhiễm trùng, bệnh nhân cần phải được điều trị ngay bằng kháng sinh, đặc biệt người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt nếu một trong hai chân sưng to bất thường, có vết loét hoặc vùng da gần tĩnh mạch đổi màu. Trong khi đó, huyết khối tĩnh mạch sâu gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều, vì huyết khối tĩnh mạch sâu có thể bị vỡ gây biến chứng nguy hiểm,thậm chí dẫn tới tử vong. Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu dựa trên lâm sàng kết hợp với siêu âm.

4. Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch khi mang thai

suy giãn tĩnh mạch

  • Tập thể dục hoặc đi bộ thường xuyên mỗi ngày giúp hỗ trợ, cải thiện hệ tuần hoàn.
  • Kê cao chân khi ngồi và cả trong lúc ngủ.
  • Hạn chế đứng hoặc ngồi một tư thế trong thời gian dài.
  • Không đi giày cao gót.
  • Khi ngủ nên nằm nghiêng sang trái. Có thể sử dụng gối tựa để giữ tư thế ngủ và nâng cao chân. Tư thế này giúp làm giảm áp lực của tử cung lên các tĩnh mạch lớn ở bên phải ổ bụng.
  • Duy trì mức cân nặng phù hợp trong các tháng của thai kỳ.
  • Bổ sung vitamin hàng ngày bằng chế độ ăn uống cân bằng trong thời kỳ mang thai sẽ giữ cho hệ tĩnh mạch khỏe mạnh. Ăn nhiều thực phẩm có vitamin C, đây là nguyên liệu mà cơ thể sử dụng để sản xuất collagen và elastin (mô liên kết) giúp sửa chữa và duy trì sức bền của thành mạch máu.
  • Mát-xa cơ thể nhẹ nhàng (tránh vùng bụng) cũng giúp ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch trong thời kỳ mang thai. Bạn nên thực hiện các động tác chậm nhưng nhịp nhàng, thoải mái, cọ xát mà không có áp lực. Xoa bóp không nên kéo dài hơn 45 phút.

Như vậy, suy giãn tĩnh mạch khi mang thai thường không gây nguy hiểm đối với bà bầu. Tuy nhiên, mẹ bầu cần khám thai định kỳ và theo lịch để kịp thời phát hiện các bất thường nếu có, từ đó được điều trị phù hợp.

Ngoài những thông tin bài viết cung cấp ở trên các mẹ bầu hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám, các mẹ có thể để lại thông tin TẠI ĐÂY hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai
Các thuốc chống chỉ định trong thai kỳ, mẹ bầu cần nhớ
Vitamin A và nguy cơ dị tật thai nhi
Ngộ độc Paracetamol và lưu ý khi dùng cho phụ nữ mang thai
Ốm nghén nặng, mẹ bầu nên dùng gì?