Thai 38 tuần phát triển như thế nào, bé nặng bao nhiêu gram?

14:48 - 13/05/2022 Lượt xem: 2399 Tác giả: Thanh Nga

Bước qua những tuần cuối của tam cá nguyệt thứ 3, chắc hẳn mẹ bầu đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi cảm nhận rõ sự phát triển của thai nhi qua từng tuần tuổi. Ở thời điểm này, thai nhi đã trở thành em bé hoàn thiện và các cơ quan đã sẵn sàng để thích nghi với cuộc sống ở bên ngoài bụng mẹ. Vậy thai 38 tuần tuổi thường có cân nặng và kích thước bao nhiêu? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây các bạn nhé!

1. Thai 38 tuần phát triển như thế nào?

Khi mang thai, chắc hẳn của mẹ bầu luôn trông ngóng sự phát triển của con theo từng tuần. Đặc biệt, vào những tuần cuối của thai kỳ, các mẹ thường tăng cường dưỡng chất nhằm giúp trẻ sinh ra được khỏe mạnh. Vậy thai 38 tuần có kích thước và cân nặng khoảng bao nhiêu? Theo bác sĩ, thai 38 tuần thường có trọng lượng khoảng 3083 gram và chiều dài khoảng 50cm. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số tham khảo, các mẹ bầu không nên quá lo lắng nếu thai nhi có sự chênh lệch nhỏ với chiều dài và cân nặng nói trên. 

Ngoài chỉ số chiều dài và cân nặng, một số đặc điểm phát triển khác của thai nhi 38 tuần gồm:

- Phản xạ cầm nắm

Các hành động như nắm và mút tay cũng được bé thực hiện thường xuyên hơn. Quá trình rèn luyện trong thời gian này cho phép trẻ sơ sinh có thể nắm lấy tay mẹ và ngậm mút bầu sữa ngay sau khi vừa chào đời.

- Mọc móng chân

Sự thay đổi có thể thấy rõ ở đôi bàn chân nhỏ bé của trẻ. Móng chân của bé bắt đầu mọc ra và độ dài đã chạm đến đầu ngón chân.

- Màu mắt

Tròng mắt của thai nhi có sắc tố không ổn định, vì vậy nếu bé được sinh ra với đôi mắt sáng màu thì chúng vẫn có khả năng thay đổi khi tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài, phổ biến là chuyển thành màu tối và đậm hơn. Mẹ sẽ biết đôi mắt của con mình có màu sắc thật là gì khi bé được 1 tuổi.

- Rụng lớp lông tơ

Cùng với sự biến mất của lớp chất sáp bã nhờn, gần như toàn bộ lớp lông tơ mềm mượt bao phủ cơ thể bé, có tác dụng sưởi ấm thai nhi khi ở bên trong tử cung, chúng đang rụng dần để chuẩn bị cho ngày bé bước ra thế giới bên ngoài.

- Sự phát triển của phổi

Phổi thai nhi vẫn đang trong giai đoạn trưởng thành hoàn chỉnh. Cơ quan này sản xuất ngày càng nhiều hơn các chất có hoạt tính bề mặt, có tác dụng giữ cho túi khí trong phổi của bé không bị xẹp và gắn chặt với nhau khi bé thở.

- Sự phát triển của hệ thần kinh và não

Ở những tuần cuối, mẹ bầu cần bổ sung nhiều dưỡng chất nhằm đảm bảo thai nhi được cung cấp đầy đủ hàm lượng các chất để hỗ trợ sự phát triển của hệ thần kinh và não bộ. Theo bác sĩ, sự phát triển ở não của thai 38 tuần chủ yếu tạo ra những rãnh sâu và mở rộng diện tích cho các tế bào thần kinh. Đồng thời, não bộ của bé cũng bắt đầu kiểm soát khả năng hoạt động của hầu hết các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả nhịp tim và hô hấp. 

- Sự phát triển của nhu động ruột

Từ tuần thứ 38 của thai kỳ, em bé trong bụng mẹ sẽ nuốt nước ối, kể cả chất sáp bã nhờn, các chất thải từ mật, ruột, lông măng, tế bào da chết. Tuy nhiên, các mẹ đừng quá lo lắng vì chúng sẽ được đào thải ra bên ngoài dưới dạng phân khi bé đi vệ sinh lần đầu tiên.

2. Những việc mẹ cần chuẩn bị khi thai 38 tuần

Thai 38 tuần

Khi mang thai ở tuần thứ 38, ngoài việc chuẩn bị tâm lý cho những ngày cuối của thai kỳ, các mẹ cần trang bị một số vật dụng để sẵn sàng chào đón em bé khi xuất hiện cơn chuyển dạ. Mặc dù một thai kỳ thường kéo dài đến 40 tuần nhưng không phải thai phụ nào cũng sinh con ở tuần thứ 40. Thực tế, tùy vào tình trạng sức khỏe của mẹ và bé hoặc những trường hợp thai đôi, thai ba, bác sĩ sẽ chỉ định thời điểm sinh phù hợp để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. 

Vậy khi mang thai 38 tuần, mẹ cần chuẩn bị những gì? Sau đây là một số gợi ý cụ thể:

  • Chuẩn bị những giấy tờ tùy thân cần sử dụng khi nhập viện sinh em bé. Điển hình như giấy chứng minh nhân dân/căn cước công dân, thẻ Bảo hiểm Y tế, ...
  • Chuẩn bị lệ phí khi đi sinh. 
  • Lựa chọn tên cho em bé.
  • Chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho mẹ và em bé khi mới sinh, bao gồm cả quần áo, tã, giấy, khăn, mũ, dép, tất, đồ dùng cá nhân của mẹ,...
  • Trao đổi và nhờ bác sĩ tư vấn về cách sinh em bé (sinh mổ hoặc sinh thường).
  • Liên hệ với người thân chăm sóc khi nhập viện sinh em bé.
  • Tìm hiểu về cách sinh em bé ít đau hoặc phương pháp giúp giảm đau sau khi sinh cho mẹ (bao gồm cả sinh thường và sinh mổ).

3. Những lưu ý cho mẹ trong tuần thai 38

- Theo dõi các biến chứng thai kỳ muộn

Những triệu chứng sưng đau nhẹ ở bàn chân và mắt cá chân trong giai đoạn này có thể không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu mẹ nhận thấy sưng phù quá đột ngột, có thể lan đến tay, mặt và vùng xung quanh mắt hoặc tăng cân nhanh chóng thì nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay. Đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật - một tai biến thai kỳ nguy hiểm thường xuất hiện ở giai đoạn những ngày gần sinh.

- Cố gắng dành thời gian ngủ

Phụ nữ có thể rất khó ngủ vào ban đêm và thường hay gặp những giấc mơ kỳ lạ do áp lực tâm lý sắp làm mẹ. Nếu có thể, hãy tranh thủ ngủ vào ban ngày vì đây là những cơ hội cuối cùng để mẹ có thời gian ngủ, nghỉ ngơi dưỡng sức cho ngày chuyển dạ và sau sinh sắp tới.

- Thực hiện các bài tập

Mẹ có thể đi bộ nhẹ nhàng, thực hiện động tác Squat (ngồi xổm) cho bà bầu gần sinh hoặc kết hợp thêm với thiền định và yoga. Tất cả những bài tập trên rất có lợi cho quá trình chuyển dạ và sinh nở của mẹ, giúp chúng diễn ra dễ dàng hơn, cũng như giảm bớt các cơn đau do co thắt và giữ tinh thần thoải mái, sẵn sàng cho ngày trọng đại sắp đến.

Mặc quần áo thoáng mát

Tác động của những hormone, cùng với việc tăng lưu lượng máu đến da và tăng quá trình trao đổi chất trong thai kỳ, có thể khiến mẹ bị đổ nhiều mồ hôi hơn bình thường. Mặc quần áo rộng với chất liệu vải mỏng nhẹ, uống nhiều nước hoặc dùng phấn hút ẩm cho bà bầu không chỉ giúp mẹ luôn được khô thoáng, mà còn tránh được tình trạng nổi phát ban do nóng bức.

Để đặt lịch khám thai quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.

 

 

Bài viết liên quan

Thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai
Các thuốc chống chỉ định trong thai kỳ, mẹ bầu cần nhớ
Vitamin A và nguy cơ dị tật thai nhi
Ngộ độc Paracetamol và lưu ý khi dùng cho phụ nữ mang thai
Ốm nghén nặng, mẹ bầu nên dùng gì?