Triệu chứng nhận biết viêm ruột thừa

15:25 - 11/09/2022 Lượt xem: 587 Tác giả: Thanh Nga

Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp trong các bệnh cấp cứu tiêu hóa. Viêm ruột thừa thường xảy ra ở nam giới, độ tuổi mắc bệnh thường gặp nhất: 15-40 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ khoảng 1,3:1. Viêm ruột thừa hay gặp, dễ chẩn đoán nhưng lại thường để lại các biến chứng nặng nề nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị sớm bằng phẫu thuật chuẩn trong 24 giờ kể từ khi bắt đầu đau.

1. Nguyên nhân gây đau ruột thừa?

  • Phì đại các nang bạch huyết (60%): Các nang bạch huyết dưới niêm phì đại do: Đáp ứng tại chỗ (nhiễm trùng đường ruột do salmonella, shigella...); đáp ứng với nhiễm trùng toàn thân, đối với các nhiễm trùng gây phản ứng tăng sinh bạch huyết như nhiễm trùng hô hấp cấp,...
  • Ứ đọng sạn phân trong lòng ruột thừa (35%).
  • Vật lạ (4%): Hạt trái cây nhỏ như chanh, ớt hoặc ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, . . .
  • Bướu thành ruột thừa, thành manh tràng đè vào (1%).

2. Triệu chứng viêm ruột thừa

triệu chứng viêm ruột thừa khi mang thai

- Triệu chứng cơ năng

  • Đau âm ỉ khu trú vùng hố chậu phải. Đây là một triệu chứng điển hình của bệnh lý viêm ruột thừa.
  • Chán ăn hầu như luôn đi kèm với viêm ruột thừa.
  • Buồn nôn hay nôn chỉ xảy ra khoảng 75% bệnh nhân, triệu chứng nôn không có gì đặc hiệu.

- Triệu chứng toàn thân

  • Người mệt mỏi, uể oải
  • Sốt: nhiệt độ có khi không cao chỉ 37,3 độ C – 38 độ C
  • Vẻ mặt nhiễm trùng, môi khô, lưỡi bẩn, thở hôi.

- Triệu chứng thực thể

Dấu hiệu thường gặp nhất khi khám bụng là ấn đau vùng 1⁄4 dưới phải bụng hay trong tam giác ruột thừa , đây là ruột thừa nằm ở vị trí thường gặp nhất của nó, bệnh nhân sẽ đau nhiều nhất khi ấn bụng ở các vị trí sau :

  • Điểm đau ở 1/3 ngoài đường nối giữa rốn và gai chậu trước trên bên phải (điểm Mc Burney )
  • Điểm đau giao cắt giữa đường nối giữa rốn và gai chậu trước trên bên phải với bờ ngoài cơ thẳng to ( điểm Clado)
  • Điểm đau ở 1⁄3 ngoài bên phải đường nối liên gai chậu trước trên (điểm Lanz)
  • Dấu hiệu gồng cơ ở vùng này (phản ứng thành bụng) khi ấn nếu có sẽ có giá trị cao trong chẩn đoán.

3. Điều trị viêm ruột thừa

  • Nguyên tắc điều trị viêm ruột thừa cấp là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Phẫu thuật nên được tiến hành càng sớm càng tốt, ngay khi có chẩn đoán. Đây là điều trị đương nhiên không có bàn cãi cho các trường hợp viêm ruột thừa hoại tử hay thủng gây viêm phúc mạc. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng dù chẩn đoán viêm ruột thừa chưa xác định nhưng nếu người bệnh có cơn đau giống đau ruột thừa và đang diễn tiến nặng thì vẫn có khuyến cáo phẫu thuật để tránh các biến chứng đáng ngại của viêm ruột thừa.
  • Điều trị kháng sinh có thể áp dụng cho các trường hợp viêm ruột thừa cấp không biến chứng ở những vùng xa xôi, những bệnh nhân có nhiều nguy cơ cho cuộc mổ hay từ chối mổ. Cần lưu ý, điều trị kháng sinh có tỷ lệ thất bại phải chuyển phẫu thuật, đồng thời đòi hỏi quá trình theo dõi chặt chẽ và kéo dài hơn và hiệu quả giảm dần theo thời gian.

4. Viêm ruột thừa ở phụ nữ có thai

  • Chẩn đoán viêm ruột thừa ở phụ nữ có thai là 1 thử thách vì các triệu chứng của viêm ruột thừa tương đối giống các than phiền thường gặp trong các thai kỳ bình thường. Mặt khác, vì ruột thừa bị đẩy lên cao và ra ngoài trong thai kỳ nên vị trí của đau ruột thừa cũng sẽ có sự thay đổi.
  • Trên khía cạnh chẩn đoán, việc sử dụng CT-Scan cũng là 1 vấn đề nan giải. Người bệnh sẽ phải tiếp xúc với tia xạ (thường gấp 400 lần phim X-Quang phổi) và thường dùng chất cản quang nên không thích hợp cho phụ nữ có thai, dẫn đến khó khăn trong việc chẩn đoán. Dù vậy trong nhiều trường hợp, chụp với liều tia thấp và không dùng cản quang vẫn được chấp nhận.
  • Phụ nữ có thai nghi ngờ viêm ruột thừa được khuyến cáo phẫu thuật sớm dù nguy cơ cắt “nhầm” ruột thừa bình thường tương đối cao, vì viêm ruột thừa nếu diễn tiến thành viêm ruột thừa hoại tử gây viêm phúc mạc sẽ làm tăng tỉ lệ mất thai lên 4 lần.

Viêm ruột thừa là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa bụng hay gặp cần được khám, chẩn đoán đúng và điều trị sớm. Đối với những trường hợp khó cần được thăm khám và theo dõi thường xuyên tại bệnh viện.

Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội . Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội … sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch khám, siêu âm thai, ổ bụng, xét nghiệm máu quý khách vui lòng truy cập TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342.318.318 để được hướng dẫn.

Bài viết liên quan

Một số vấn đề tuyến vú thời kì cho con bú
4 Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bạn nên biết
Tầm soát ung tư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV
Phá thai bằng thuốc và những lưu ý không thể bỏ qua
Các mốc siêu âm thai 3 tháng đầu mẹ bầu không nên bỏ qua