googleb578e89369db4e48.html

Các xét nghiệm cần làm trong quý I thai kỳ

10:07 - 02/10/2022 Lượt xem: 412 Tác giả: Thanh Nga

Các xét nghiệm khi mang thai giúp bà bầu phát hiện sớm nguy cơ gây biến chứng cho mẹ và thai nhi, để từ đó bác sĩ có hướng xử trí phù hợp và kịp thời. Vậy quý I của thai kỳ các mẹ cần làm những xét nghiệm gì, hãy cùng phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây các mẹ nhé!

1. Xét nghiệm máu

Ở những thời điểm khác nhau, cơ thể mẹ và bé có những thay đổi về chuyển hóa và nhu cầu dịnh dưỡng khác nhau, vì vậy việc thực hiện xét nghiệm cơ bản định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ là vô cùng cần thiết để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé.

Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: Được thực hiện chủ yếu để kiểm tra mẹ có bị thiếu máu hay không. Là xét nghiệm đơn giản và đặc biệt hiệu quả trong sàng lọc bệnh lý tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Khi thai phụ có chỉ số MCV, MCH và MCHC thấp hơn bình thường sẽ có nguy cơ mang gen bệnh và sẽ được hướng dẫn các bước tiếp theo để sàng lọc bệnh lý này.

Xét nghiệm nhóm máu ABO, Rh: Việc xác định nhóm máu và Rh là cực kỳ quan trọng, nhất là với những trường hợp cần phải truyền máu trong khi mang thai hoặc sinh nở. Rh để tiên lượng bất đồng nhóm máu mẹ con. Bất đồng nhóm máu khiến bé sinh ra sẽ có nguy cơ thiếu máu, vàng da, co giật, bỏ bú,... nên thông qua xét nghiệm này sẽ giúp tiên lượng cũng như có hướng điều trị dự phòng cho bé sau sinh.

Xét nghiệm đường máu lúc đói và HbA1c:

Xét nghiệm đường máu lúc đói: Giúp mẹ bầu phát hiện sớm bệnh đái tháo đường thai kỳ, từ đó hạn chế các biến chứng xảy ra đối với bản thân mẹ và bé.

HbA1c: Cho biết mức đường huyết trung bình của mẹ trong 2-3 tháng vừa qua. Đây là xét nghiệm tốt nhất để theo dõi sự kiểm soát đường huyết, giúp bạn và bác sĩ điều trị đánh giá được đường huyết có kiểm soát tốt hay không trong thời gian vừa qua. Xét nghiệm này có thể được thực hiện bất cứ lúc nào trong ngày, thậm chí sau bữa ăn..

Xét nghiệm định lượng Sắt, Canxi, Ferritin (Sắt dự trữ)…

xét nghiệm cần làm ở quý I thai kỳ

Đây là những vi chất cần thiết cho quá trình tạo máu và cho sự phát triển của thai. Cơ thể phụ nữ mang thai cần lượng sắt tăng gấp đôi người bình thường. Tùy theo mức độ thiếu hụt, mẹ bầu sẽ được bác sĩ kê thuốc hoặc tư vấn bổ sung các loại thực phẩm cần thiết giúp mẹ khỏe và bé phát triển tối ưu nhất. Đặc biệt khi mẹ bầu ở tuần 36, việc thực hiện các xét nghiệm này khi làm hồ sơ sinh là cần thiết để có phương án bổ sung sau sinh.

Xét nghiệm đạm và mỡ máu (protein, albumin, triglycerid, cholesterol, LDL, HDL):

Đưa ra thông tin để lựa chọn chế độ dinh dưỡng thích hợp cho thai kỳ. Triglycerid cao cũng gợi ý chế độ ăn giảm tinh bột để phòng tiểu đường thai kỳ.

Xét nghiệm chức năng gan, thận:

Đánh giá chức năng và phát hện các bệnh lý liên quan đến gan và thận.Theo dõi ảnh hưởng của việc dùng thuốc trong thai kỳ đến chức năng của gan và thận.

Xét nghiệm HIV, Viêm gan B, C, lậu, giang mai… để đưa ra biện pháp phòng tránh kịp thời cho em bé và hỗ trợ sức khỏe cho mẹ.

2. Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu 10 thông số

Xét nghiệm nước tiểu là một trong những xét nghiệm thường quy rất quan trọng trong theo dõi thai kì, được sử dụng để phát hiện một loạt các rối loạn chẳng hạn như: nhiễm trùng đường tiểu, bệnh thận và đái tháo đường, tiền sản giật thông qua việc phát hiện đạm trong nước tiểu kết hợp với theo dõi huyết áp và triệu chứng phù của mẹ. Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra sự hiện diện, nồng độ các chất trong nước tiểu. Kết quả xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu không bình thường có thể là dấu hiệu bạn đang có bệnh.

3. Xét nghiệm sàng lọc trước sinh: Double test và Nipt

Là các xét nghiệm quan trọng trong sàng lọc các bệnh lý liên quan đến nhiễm sắc thể, trong đó quan trọng nhất là hội chứng Down (3 NST 21). Các bệnh lý này thường không phát hiện được hoàn toàn bằng siêu âm và di chứng lại rất nặng nề như dị tật về tiêu hóa, tiết niệu sinh dục, thần kinh hay chậm phát triển trí tuệ,….

Đây là những xét nghiệm an toàn và độ tin cậy cao, được thực hiện thông qua việc lấy máu mẹ, không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Lấy máu làm xét nghiệm Double test, Nipt không cần nhịn ăn sáng và lấy vào bất kỳ thời gian nào trong ngày.

Xét nghiệm được thực hiện vào thời điểm nhất định trong quí 1 (Double test) Vậy nên các thai phụ nên đi khám thai theo lịch hẹn của bác sỹ để không bỏ lỡ những xét nghiệm rất quan trọng này.

- DOUBLE TEST: Giúp xác định chủ yếu là 3 hội chứng điển hình: Down (3 NST 21), Edward (3 NST 18), Patau (3 NST 18). Thông qua việc xét nghiệm định lượng một số chất có trong máu của mẹ bầu kết hợp với chỉ số mờ da gáy trong quá trình siêu âm, bác sĩ có thể đưa ra nguy cơ mắc những bệnh này của thai nhi.

Thông thường, mẹ bầu cần thực hiện xét nghiệm Double test vào tuần thai thứ 12 của thai kỳ. Đo độ mờ da gáy và thực hiện xét nghiệm cho kết quả chính xác nhất trong khoảng thời gian này. Nếu tiến hành đúng lúc, kết hợp xét nghiệm máu và siêu âm, độ chính xác cho các hội chứng này kinh đạt khoảng 80%.

NIPT TEST: Là xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn, bằng việc phân tích ADN tự do của thai nhi có trong máu mẹ để sàng lọc những hội chứng dị tật bẩm sinh mà thai nhi có thể mắc phải. Xét nghiệm này an toàn, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ. Có thể được thực hiện xét nghiệm rất sớm ngay từ tuần thai thứ 10 cho đến hết thai kỳ và cho kết quả chính xác vượt trội trên 99%.

Để đảm bảo an toàn, chính xác, mẹ bầu nên đăng ký làm xét nghiệm cũng như khám thai tại những đơn vị uy tín. Phòng khám 43 Nguyễn Khang quy tụ đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm; hệ thống thiết bị hiện đại cùng dịch vụ chăm sóc tốt là địa chỉ khám thai được nhiều mẹ bầu tin tưởng. Các mẹ cũng có thể liên hệ đặt lịch trước thông qua số 0342318318 – 02437836145 có thể đặt lịch TẠI ĐÂY.

Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Chúc các bạn có 1 thai kỳ khỏe mạnh.

 

 

Bài viết liên quan

Ảnh hưởng nghiêm trọng của thuốc lá điện tử đối với thai nhi
Thiếu máu trong thai kỳ và biến chứng có thể xảy ra
Mẹ bầu phù chân có nên đi bộ?
Thai bám ở sẹo mổ lấy thai có nguy hiểm?
Đi tiểu nhiều khi mang thai. Bình thường hay bất thường?