Hướng dẫn mẹ bầu theo dõi thai máy tại nhà.

10:58 - 06/10/2022 Lượt xem: 340 Tác giả: Thanh Nga

Khoảng thời gian người phụ nữ bắt đầu cảm nhận được thai máy ( cử động thai) là khác nhau. Đối với thai phụ con so, thời điểm bắt đầu đếm thai máy là 18 - 20 tuần; với thai phụ con rạ thì có thể sớm hơn vài tuần. Người mẹ cảm nhận được rõ ràng nhất cử động của thai nhi ở thời điểm sau tuần thứ 26 của thai kỳ.

Khi trạng thái thai nhi có vấn đề bất thường, cử động của thai sẽ giảm xuống, mục đích nhằm giảm tiêu thụ oxy và giảm tiêu hao năng lượng. Tuy nhiên, cử động thai nhi không chỉ phụ thuộc vào những thay đổi bất thường bên trong cơ thể mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: trạng thái ngủ của thai nhi, lượng nước ối, vị trí nhau bám (giảm khi bánh nhau ở mặt trước); tư thế (cử động thai ở tư thế đứng hay ngồi ít hơn khi ở tư thế nằm); mẹ uống rượu, hút thuốc hay có sử dụng các thuốc (thuốc an thần nhóm diazepam, methadone, opioid...), mẹ bị béo phì hay có thai lần đầu. Vì vậy bạn nên theo dõi cử động thai để theo dõi sức khỏe của bé.

1. Thai máy là gì?

Thai máy- thai đạp (hay chính là các cử động của thai nhi ) là khi thai nhi trong bụng mẹ có các cử động như : xoay trở mình, đạp tay chân, và người mẹ có thể cảm nhận được.

2. Khi nào mẹ có thể cảm nhận được thai máy?

- Đa phần mẹ bầu lần đầu tiên cảm nhận được các cử động bên trong tử cung ( thai máy ) khi họ mang thai ở tuần 18-20. Các cử động đầu tiên của thai được người mẹ cảm nhận là các cử động nhanh, nhẹ , thoáng qua và không đều, nhưng càng về sau càng đều hơn- và chính vì nhanh nhẹ như vậy nên nhiều mẹ bầu lần đầu tiên có thể chưa đủ kinh nghiệm để nhận ra những cảm nhận tí hon này.

- Về thời điểm cảm nhận thai máy, nhiều trường hợp mang thai lần đầu, có thể đến tuần 20-22 các mom mới cảm nhận được, trong khi đó các mẹ bầu có con rạ có thể cảm nhận được chúng sớm hơn, ở tuần thứ 16. Thời gian cử động thai rõ nhất bắt đầu từ tuần thứ 26.

3. Theo dõi cử động thai có quan trọng?

- Tự theo dõi cử động thai tại nhà là cách duy nhất mẹ có thể làm để biết em bé có khỏe mạnh trong bụng mình hay không. Cử động thai là biểu hiện tình trạng sức khỏe của thai nhi. Khi số lần thai cử động giảm đó là dấu hiệu báo động tình trạng sức khỏe kém của thai nhi. Khi thai nhi không cử động hay cử động yếu, có thể thai yếu hoặc thai lưu.

Ngoài ra, mẹ cũng sẽ cảm thấy gần gũi với con hơn trong khoảng thời gian tập trung đếm này.

theo dõi cử động thai-thai máy

4. Cách theo dõi cử động thai?

Thời điểm :

Tốt nhất là đếm cử động thai sau ăn no. Nên đếm cử động thai 2 – 3 lần trong ngày, vào những giờ cố định. Ví dụ : sau ăn sáng, trưa, tối.

Cách đếm cử động thai

- Mẹ bầu cần đi tiểu để bàng quang trống trước khi đếm cử động thai – việc này giúp mẹ cảm nhận dễ hơn và cũng sẽ không bị ngắt quãng trong thời gian đếm để đi tiểu.

- Mẹ bầu nằm thoải mái ( có thể nằm ngửa hoặc nghiêng trái ), đặt tay lên bụng để cảm nhận những cử động của thai, nằm thư giãn ( nằm ngửa hoặc nghiêng trái )

- Đếm số đợt thai nhi cử động ( trườn, đạp bụng mẹ gồ lên, xoay mình ) trong vòng một giờ.

Đánh giá kết quả:

- Thai nhi khỏe mạnh khi có ít nhất 4 đợt cử động trong 1 giờ ( >= 4 cử động / 1 giờ ).

- Nếu có ít hơn 4 đợt cử động thai trong 1 giờ , mẹ bầu phải nằm nghỉ và đếm cử động thai trong 1 giờ tiếp theo . Nếu trong 2 giờ theo dõi, có ít hơn 10 cử động thai, cần đến ngay cơ sở y tế để theo dõi tình trạng thai bằng những phương pháp khác.

- Khi thai ngủ, cử động thai sẽ giảm hoặc không có. Thời gian thai nhi ngủ khoảng 20-40 phút, thông thường không quá 90 phút.

Theo dõi thai máy tại nhà là phương pháp rẻ tiền và duy nhất mẹ bầu có thể tự làm để theo dõi sức khỏe của thai nhi. Theo dõi vào các khoảng giờ cố định trong ngày, sau ăn, nằm thoải mái, và đếm trong 1 giờ.

Bạn hãy thường xuyên truy cập website san43nguyenkhang.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho cả gia đình nhé. Để đặt lịch khám tại phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang, tham gia các lớp học tiền sản tại phòng khám bạn có thể đặt lịch TẠI ĐÂY; hoặc liên hệ zalo: 0342 318 318 để được hướng dẫn

Bài viết liên quan

Thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai
Các thuốc chống chỉ định trong thai kỳ, mẹ bầu cần nhớ
Vitamin A và nguy cơ dị tật thai nhi
Ngộ độc Paracetamol và lưu ý khi dùng cho phụ nữ mang thai
Ốm nghén nặng, mẹ bầu nên dùng gì?