googleb578e89369db4e48.html

Mẹ bầu hay bỏ bữa, nhịn ăn có ảnh hưởng đến thai nhi không?

10:37 - 15/06/2022 Lượt xem: 2509 Tác giả: Thanh Nga

Chế độ dinh dưỡng trong thời gian mang thai có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của thai nhi. Phụ nữ mang thai cần có chế độ ăn uống điều độ và đầy đủ. Vì vậy, mẹ bầu hay bỏ bữa, nhịn ăn không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

1. Vai trò của dinh dưỡng khi mang thai

Một chế độ ăn đầy đủ những nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu như chất đạm, chất đường, chất béo, vitamin và khoáng chất là điều cần thiết, trong đó một số nhóm chất quan trọng cũng cần được lưu ý bổ sung như:

  • Chất sắt: Sắt là thành phần cấu tạo nên hồng cầu trong máu, một loại tế bào máu có nhiệm vụ mang oxy đi nuôi cơ thể. Việc bổ sung chất sắt giúp đảm bảo nguồn cung cấp oxy cho cả mẹ và thai nhi, đồng thời còn giúp đẩy lùi các triệu chứng ốm nghén và mệt mỏi trong khi mang thai tháng thứ hai. Vi chất sắt có nhiều trong thịt, cá, hải sản, các loại rau có lá màu xanh đậm, trái cây và nhiều loại hạt ngũ cốc, trong đó cơ thể dễ hấp thu sắt từ nguồn động vật hơn so với thực vật. Việc hấp thu chất sắt sẽ được tăng cường khi ăn cùng với những thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, cà chua, dâu tây. Hàm lượng sắt trung bình cần bổ sung cho thai phụ là 27mg mỗi ngày.
  • Acid folic: Đây là một vi chất quan trọng cần thiết bổ sung vào chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ, bao gồm cả phụ nữ mang thai tháng thứ hai. Axit folic có vai trò dự phòng và giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các bất thường dị tật bẩm sinh của ống thần kinh bao gồm tật chẻ đôi đốt sống. Phụ nữ mang thai cần được bổ sung axit folic từ trước khi mang thai và trong suốt thai kỳ. Nguồn cung cấp axit folic có thể đến từ nhiều loại thực phẩm khác nhau như rau xanh, hoa quả, ngũ cốc, các loại hạt, đậu ... Tuy nhiên, sự hấp thu acid folic không được đảm bảo một cách tuyệt đối, vì thế phụ nữ mang thai vẫn được khuyến cáo bổ sung các loại viên uống chứa acid folic. Hàm lượng cần cung cấp hằng ngày dao động trung bình từ 400 đến 800 microgram.
  • Canxi: Một trong những khoáng chất không thể thiếu đối với phụ nữ mang thai là canxi. Phụ nữ mang thai tháng thứ hai cần bổ sung canxi đầy đủ để đảm bảo cho sự hình thành và phát triển hệ xương của thai nhi. Ngoài ra, canxi còn hỗ trợ hoạt động hệ cơ xương khớp của người mẹ, thích nghi được với những biến đổi do thai kỳ gây ra. Thiếu hụt hàm lượng canxi trong khẩu phần ăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý loãng xương ở mẹ và các bệnh lý xương khớp ở trẻ sau này. Những thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua, trứng, các loại cá có xương, rau xanh, ngũ cốc ... Hàm lượng canxi trung bình cần cung cấp cho phụ nữ mang thai tháng thứ hai khoảng 1g mỗi ngày, có thể bổ sung từ cả khẩu phần ăn và các loại viên uống bổ sung.
  • Vitamin D: cùng với canxi, vitamin D được xếp vào nhóm các chất có vai trò quyết định sự phát triển hệ xương răng của trẻ. Vitamin D có thể được chuyển hóa và hấp thụ nhờ vào ánh nắng mặt trời, bên cạnh đó bổ sung vitamin D cho cơ thể người mẹ thông qua một số loại thực phẩm nhất định như sữa, ngũ cốc, cá hồi, dầu cá, phô mai cũng là một phương án có hiệu quả. Phụ nữ mang thai cần được cung cấp đủ 600UI vitamin D mỗi ngày.
  • Chất đạm: nhóm chất quan trọng không thể bỏ qua trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu chính là chất đạm hay protein. Sự bổ sung đầy đủ chất đạm là nền tảng cho sự phát triển của thai nhi trong tháng thứ hai của thai kỳ và sự tăng lên về kích thước của cả tử cung và tuyến vú của người mẹ. Protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, các loại đậu và sữa. Trung bình mỗi ngày, lượng protein cần được bổ sung cho phụ nữ mang thai tháng thứ hai cần đạt 1,52g tương ứng với 1kg của mẹ.
  • Chất béo: Chất béo thường bị hiểu lầm là một loại chất có hại cho sức khỏe của con người, tuy nhiên trong thai kỳ, chất béo đóng vai trò lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai kỳ như sự hình thành và phát triển não bộ. Chất béo không bão hòa, có nguồn gốc từ thực vật là những loại chất béo có lợi cho cơ thể. Phụ nữ mang thai tháng thứ hai nên hạn chế các loại chất béo bão hòa có nguồn gốc từ động vật và không nên ăn quá nhiều đồ chiên, xào. Các loại acid béo omega-3 và omega-6 là những acid béo thiết yếu, có vai trò hỗ trợ sự phát triển của hệ thần kinh và hệ miễn dịch ở thai nhi cũng như giảm thiểu khả năng sinh non và trầm cảm sau sinh của mẹ.
  • Chất xơ: Trong thai kỳ, do sự tăng kích thước của tử cung và sự xáo trộn hoạt động của hệ tiêu hóa nên rất nhiều bà bầu thường xuyên gặp phải tình trạng táo bón. Vì thế, phụ nữ mang thai thường được khuyên bổ sung nhiều chất xơ từ các loại rau củ quả và trái cây để phòng tránh táo bón.

2. Mẹ bầu bỏ bữa, nhịn đói có sao không?

Vai trò của chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đảm bảo của mẹ bầu khi mang thai ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ khi sinh ra. Vì vậy, mẹ bầu cần xây dựng chế độ ăn uống điều độ và không bỏ bữa hay nhịn đói. Bên cạnh đó, trong thời gian thai kỳ năng lượng cần bổ sung cho mẹ bầu tăng lên khoảng 300 calo mỗi ngày. Đối với các mẹ bầu thừa cân hay suy dinh dưỡng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng bổ sung để tránh trường hợp bổ sung thừa hay thiếu chất.

Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu cần đảm bảo cân bằng và nên chia thành nhiều bữa trong ngày để giúp duy trì năng lượng cao nhất và mức đường huyết ổn định, chế độ ăn chia thành nhiều bữa cũng giúp mẹ bầu giảm triệu chứng buồn nôn, nôn do ốm nghén trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

Tình trạng ốm nghén làm cho nhiều mẹ bầu hay bỏ bữa, nhịn ăn và thường đặt ra câu hỏi bà bầu nhịn ăn sáng có sao không? Câu trả lời là bữa sáng đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với mẹ bầu. Bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, bổ sung năng lượng dồi dào cho một ngày hoạt động mới, bổ sung dinh dưỡng cho thai nhi sau một đêm dài. Bên cạnh đó, bữa ăn sáng còn giúp mẹ bầu giảm các triệu chứng của ốm nghén. Trường hợp mẹ bầu bỏ bữa, nhịn ăn sáng có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như sau:

  • Hạ đường huyết, dễ gây sảy thai: Trong thời gian mang thai, sức khỏe của mẹ bầu yếu hơn so với bình thường, đặc biệt là trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên. Vì vậy, mẹ bầu nhịn ăn, bỏ bữa sáng dễ dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ sảy thai;
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa: Mẹ bầu nhịn ăn sáng đồng nghĩa với việc để trống dạ dày trong một thời gian dài (từ đêm hôm trước đến trưa hôm sau), dẫn đến việc tăng tiết axit dạ dày và làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày
  • Mệt mỏi, thiếu tập trung: Bữa sáng giúp bổ sung nguồn năng lượng dồi dào cho ngày làm việc mới, vì vậy việc mẹ bầu bỏ bữa ăn sáng sẽ dẫn đến thiếu năng lượng, mệt mỏi, phản ứng chậm và thiếu tập trung;
  • Ảnh hưởng đến thai nhi: Nếu không được bổ sung bữa sáng, mẹ bầu không đủ năng lượng và dưỡng chất để bổ sung cho thai nhi, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Sự ảnh hưởng này cũng là yếu tố quan trọng khi trả lời câu hỏi có bầu bỏ bữa, nhịn đói có sao không?
  • Dễ bị táo bón: Mẹ bầu nhịn ăn sáng làm tăng nguy cơ rối loạn phản xạ đường tiêu hóa và dễ dẫn đến nguy cơ táo bón.

3. Các biện pháp cải thiện việc bỏ bữa ở mẹ bầu?

Mẹ bầu hay bỏ bữa, nhịn ăn có ảnh hưởng đến thai nhi không

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến câu hỏi mẹ bầu hay bỏ bữa, nhịn đói có sao không thì các biện pháp giúp cải thiện tình trạng đó cũng được quan tâm nhiều.

  • Thiết lập chế độ ăn uống đúng giờ và điều độ
  • Lựa chọn các loại đồ ăn lành mạnh, chứa nhiều chất dinh dưỡng
  • Dinh dưỡng mỗi ngày cần được luân phiên thay đổi để tránh tình trạng ngán khi ăn một món kéo dài
  • Có thể để báo thức cho mỗi bữa ăn nhỏ để tránh tình trạng bị quên.

Phòng khám sản phụ khoa 43 Nguyễn Khang – Cầu Giấy hay còn được gọi là phòng khám bác sĩ Vĩ với tiền thân là phòng khám 89B dốc phụ sản Hà Nội và phòng khám 36 Trung Hòa là địa chỉ khám lớn và uy tín nhất Hà Nội. Với bề dày hoạt động trên 15 năm cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi; giàu kinh nghiệm đến từ các viện sản lớn như bệnh viện Phụ sản Trung Ương; bệnh viện Phụ sản Hà Nội… sẽ theo dõi và khảo sát thai kỳ; để các thai phụ có thể yên tâm chào đón những thiên thần khỏe mạnh. Để đặt lịch tới phòng khám 43 Nguyễn Khang quý khách có thể truy cập TẠI ĐÂY hoặc liên hệ zalo: 0342318318 để được hướng dẫn.

 

Bài viết liên quan

Thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng gì đối với thai nhi?
Thiếu máu trong thai kỳ và biến chứng có thể xảy ra
Mẹ bầu phù chân có nên đi bộ?
Thai bám ở sẹo mổ lấy thai có nguy hiểm?
Đi tiểu nhiều khi mang thai. Bình thường hay bất thường?